Khánh Hòa đẩy mạnh thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số

UBND tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa dịch vụ ở khu vực các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN).

Thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Chương trình MTQG 1719

Tỉnh Khánh Hòa xác định, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là chương trình trọng điểm và dành nguồn lực để đầu tư phát triển giai đoạn 2021 – 2025, bao gồm 4 nội dung chính: Tổ chức các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, kết nối tiêu thụ sản phẩm, hội chợ, giao lưu, diễn đàn, các lễ hội gắn với thương mại du lịch; Hỗ trợ xây dựng và thực hiện một số mô hình nhằm tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và cung ứng các mặt hàng thiết yếu; Truyền thông nhằm quảng bá các sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Tổ chức các lớp tập huấn phát triển nguồn nhân lực thương mại.

Một gian hàng nằm trong Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021 – 2025 tỉnh Khánh Hòa giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của vùng đồng bào DTTS&MN đến với người tiêu dùng và du khách, nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào DTTS.

Một gian hàng nằm trong Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021 – 2025 tỉnh Khánh Hòa giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của vùng đồng bào DTTS&MN đến với người tiêu dùng và du khách, nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào DTTS.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Khánh Hòa có 28 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gồm 20 xã khu vực III, 3 xã khu vực II, 5 xã khu vực I; có 66 thôn đặc biệt khó khăn; có 3 dân tộc gặp nhiều khó khăn theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg, ngày 14/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, gồm: Dân tộc Raglai, dân tộc Ê-đê và dân tộc Cơ Ho (T’rin).

Là một trong những địa phương tiên phong đưa Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trở thành một trong những chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm, Khánh Hòa đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG 1719.

Theo đó, giai đoạn I của chương trình (từ năm 2021-2025), dự kiến tổng nhu cầu vốn để thực hiện chương trình là hơn 1.166 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hơn 698,6 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 200,3 tỷ đồng, vốn tín dụng chính sách gần 241,4 tỷ đồng và vốn khác hơn 25,7 tỷ đồng. Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa cũng đã phê duyệt nguồn vốn để thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh giai đoạn I, trên 468 tỷ đồng.

Tỉnh Khánh Hòa đặt ra mục tiêu phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng hơn 2 lần so với năm 2020 (hơn 28 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm 4-5%; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% số trường học có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia; 35% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; giảm 50% số xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, có 70% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số và đặc thù miền núi; đảm bảo đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số…

Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Khánh Hòa đã đề ra các giải pháp cụ thể như: Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, bền vững, không dàn trải, tập trung cho các xã, thôn khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, ưu tiên hỗ trợ đầu tư cho các xã, thôn đăng ký thoát khỏi thôn, xã đặc biệt khó khăn; phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia; phát triển kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trọng tâm là 9 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, các khoản đầu tư được tập trung sử dụng giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch…

Để đạt được những mục tiêu quan trọng này, trong thời gian tới, tỉnh sẽ xây dựng, bổ sung các chính sách phù hợp, bố trí đủ vốn tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đặc biệt chú trọng giảm dần các chính sách mang tính hỗ trợ gây tâm lý trông chờ, ỷ lại, chưa khuyến khích người dân tự vươn lên thoát nghèo; chuyển sang đầu tư phát triển, tăng cho vay tín dụng ưu đãi, hỗ trợ có điều kiện, đầu tư cơ sở hạ tầng cho cộng đồng để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Huyện miền núi chủ động kêu gọi đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch cho địa phương

Hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh hướng đến khai thác du lịch sinh thái núi rừng kết hợp với du lịch nông nghiệp và văn hóa là hướng đi rất nhiều triển vọng, phù hợp với Đề án phát triển sản phẩm du lịch tỉnh và kế hoạch phát triển du lịch tỉnh. Đây là một trong những nội dung của Dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình MTQG 1719 giai đoạn I: 2021 – 2025 đang được triển khai trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Khu du lịch sinh thái thác Giang Ly thuộc huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa.

Khu du lịch sinh thái thác Giang Ly thuộc huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa.

Hiện nay, Sở Du lịch đang khảo sát để hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng; kêu gọi đầu tư du lịch ở các địa phương. Tuy nhiên, để đẩy mạnh phát triển du lịch, 2 huyện cần chủ động kêu gọi đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch cho địa phương, phải có quy hoạch, dự án cụ thể để mời gọi các nhà đầu tư.

Từ năm 2016, Khánh Sơn đã xây dựng, triển khai Chương trình phát triển du lịch huyện giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Huyện Khánh Sơn đã chủ động đưa các giá trị văn hóa truyền thống trở lại với đời sống của đồng bào Raglai như: Khuyến khích, tạo điều kiện, cơ hội cho các nghệ nhân người Raglai thể hiện các loại hình diễn xướng dân ca, biểu diễn nhạc cụ truyền thống thông qua các hoạt động văn hóa văn nghệ tại địa phương hay các sự kiện chính trị, văn hóa, du lịch của tỉnh. Hỗ trợ, tạo điều kiện thành lập các đội biểu diễn nhạc cụ mã la, đàn đá, đội văn nghệ truyền thống, CLB dân ca, dân vũ tại các buôn, làng để giao lưu và phục vụ khách du lịch.

Tại Lễ hội trái cây Khánh Sơn được tổ chức hằng năm đều có các hoạt động trưng bày, biểu diễn, giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc của dân tộc Raglai trên địa bàn huyện. Huyện cũng tổ chức tour du lịch đến các nhà vườn tiêu biểu, các điểm phong cảnh đẹp để du khách trải nghiệm…

Để du lịch phát triển một cách căn cơ, mới đây, HĐND huyện Khánh Sơn ban hành Nghị quyết thông qua Đề án phát triển du lịch huyện Khánh Sơn đến năm 2030. Đề án hướng tới mục tiêu đưa Khánh Sơn trở thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng đến năm 2030, huyện có 570 phòng lưu trú, hoàn thành 3 - 5 điểm du lịch sinh thái mới, hỗ trợ người dân xây dựng các Homestay; đón 45.000 lượt khách/năm, trong đó có 6% khách quốc tế; doanh thu đạt 88 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư cho Đề án hơn 254 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 8,3 tỷ đồng, vốn huy động từ các nguồn khác 246 tỷ đồng…

Còn huyện Khánh Vĩnh cũng đang khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái núi rừng như Khu du lịch Yang Bay, suối khoáng nóng Khánh Thành; Khu du lịch sinh thái thác Zi-ông (xã Khánh Trung); Khu du lịch Giang Ly; điểm du lịch Suối Mấu - Thác Bầu (xã Khánh Thượng)...

Chương trình thiện nguyện tặng quà cho 10 trạm y tế của huyện Hoàng Su Phì.

Bảo Hưng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/khanh-hoa-day-manh-thu-hut-dau-tu-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-169231012105005451.htm