Khánh Hòa dùng KPI đánh giá hiệu quả công việc từng cán bộ, viên chức

Từ ngày 1-4, tỉnh Khánh Hòa áp dụng KPI để đánh giá mức độ hoàn thành công việc của cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Võ Chí Vương, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Khánh Hòa, cho biết từ ngày 1-4, tỉnh này chính thức áp dụng bộ công cụ đo lường, đánh giá kết quả, hiệu quả công việc (KPI) để đánh giá mức độ hoàn thành công việc của của cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh. Khánh Hòa là địa phương đầu tiên ở khu vực hành chính công áp dụng hệ thống này.

Mỗi cơ quan giảm hàng chục đầu mục công việc

Theo thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa, cuối năm 2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo cơ quan chuyên môn liên quan xây dựng khung chỉ số KPI phù hợp với từng ngành, lĩnh vực để áp dụng cho toàn bộ máy từ cấp xã đến tỉnh.

 Tỉnh Khánh Hòa thí điểm áp dụng bộ đánh giá KPI hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức. Ảnh: XUÂN HOÁT

Tỉnh Khánh Hòa thí điểm áp dụng bộ đánh giá KPI hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức. Ảnh: XUÂN HOÁT

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện vị trí việc làm các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh (gọi tắt là ban chỉ đạo tỉnh). Ban Tổ chức Tỉnh ủy được giao làm cơ quan thường trực, đôn đốc, thực hiện trong quá trình xây dựng đề án.

Tháng 2-2025, Ban chỉ đạo tỉnh Khánh Hòa thông qua quy định bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng và KPI đối với cán bộ, công chức, viên chức; trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Đồng thời, thành lập tổ công tác KPI; xây dựng phần mềm KPI tích hợp trên phần mềm quản lý văn bản, điều hành e-office; xây dựng, hoàn thiện danh mục đầu công việc của các cơ quan, đơn vị, địa phương; tập huấn cho 51 cơ quan, đơn vị và tập huấn riêng theo hình thức “cầm tay chỉ việc”.

Từ đầu tháng 3-2025, Tỉnh ủy Khánh Hòa bắt đầu triển khai thí điểm thực hiện KPI đối với 19 cơ quan, đơn vị, địa phương.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Thiện, Phó chủ tịch thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa, nói sau một tháng thử nghiệm, đến nay bộ đánh giá KPI đã bước đầu có kết quả tích cực.

Theo ông Thiện, khi áp dụng bộ đánh giá KPI, đối với cơ quan UBMTTQ Việt Nam tỉnh, từ hơn 130 đầu mục công việc, nay giảm chỉ còn 50 đầu mục. “Bằng mắt thường chúng ta dễ thấy việc giảm tới gần 80 đầu mục công việc là con số rất lớn. Điều này có được khi cơ quan áp dụng bộ đánh giá KPI”- ông Thiện chia sẻ.

Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa, đây là hình thức mới nên trong quá trình triển khai thí điểm vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục.

“Phần mềm của bộ đánh giá vẫn còn nhiều thao tác thủ công hoặc chưa có bộ tiêu chuẩn KPI theo ngành dọc. Ngoài ra, vẫn còn thiếu tiêu chí định lượng chuẩn cho các công việc, như dân vận, giám sát, tham gia đoàn thể... Một số cán bộ chưa quen thao tác ghi nhật ký, xử lý giao việc, kê khai nhật ký sót”- ông Thiện nói.

Cũng là đơn vị được thí điểm áp dụng bộ đánh giá KPI đợt này, lãnh đạo Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa cho biết đến nay cơ quan này đã giảm từ hơn 270 đầu việc xuống còn 50.

Theo ông Châu Ngô Anh Nhân, Giám đốc Sở Tài chính Khánh Hòa, một trong những khó khăn trong áp dụng bộ đánh giá KPI là phải cụ thể hóa được đầu việc, công việc phải làm. “Sau khi nghiên cứu và được tập huấn, Sở Tài chính đã giảm được rất nhiều đầu việc. Ngoài hướng dẫn, tập huấn, sở cũng đã ban hành cẩm nang KPI mô tả các công việc, hướng dẫn các nội dung đặc thù của đơn vị”- ông Nhân thông tin.

Sau một tháng thí điểm, tại Sở Tài chính Khánh Hòa có 84 cán bộ, công chức đã được KPI chấm điểm. Kết quả, thời gian làm việc trung bình chỉ 5,5 giờ/ngày/người. Trong 84 cán bộ được đánh giá, chỉ có sáu cán bộ được đánh làm việc trên 8 tiếng/ngày, số còn lại dưới 8 tiếng/ngày theo quy định.

"Bộ đánh giá KPI sẽ giúp xác định năng lực và hiệu suất làm việc của từng cá nhân, tạo ra một môi trường làm việc minh bạch, trách nhiệm, sáng tạo. Đồng thời, góp phần xây dựng một bộ máy chính quyền ‘tinh, gọn, mạnh’, cải thiện năng lực đội ngũ cán bộ, nâng cao sự hài lòng của công dân đối với các dịch vụ công”- ông Nhân nói.

Cũng theo Giám đốc Sở Tài chính Khánh Hòa, nếu khắc phục hết những vướng mắc phát sinh, việc áp dụng KPI là bước đi tích cực, phù hợp với xu hướng hiện đại hóa nền hành chính công.

Đồng quan điểm, ông Trần Xuân Lãm, Phó bí thư Thành ủy Nha Trang, cho rằng các hệ số tính điểm trong bộ KPI vừa thí điểm là công cụ thiết yếu để đo lường hiệu suất làm việc. Từ đó, giúp lãnh đạo cơ quan, đơn vị đưa ra những quyết định về điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức. Ông cũng đề xuất bổ sung tính năng cảnh báo khi cá nhân vượt quá giới hạn thời gian làm việc 8 tiếng/ngày theo quy định.

Bỏ phong cách "sáng làm việc cầm chừng, chiều ngồi chơi xơi nước"

Theo ông Võ Chí Vương, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Khánh Hòa, kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý sẽ căn cứ vào số điểm kết xuất thực tế từ phần mềm KPI để quy đổi và chiếm 70% tổng số điểm đánh giá.

 Khánh Hòa phục vụ người dân tốt hơn qua bộ đánh giá năng lực, hiệu quả công việc. Ảnh: ĐT

Khánh Hòa phục vụ người dân tốt hơn qua bộ đánh giá năng lực, hiệu quả công việc. Ảnh: ĐT

Tỉ lệ này chiếm 50% tổng số điểm đánh giá đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. “Kết quả đánh giá là cơ sở để cấp có thẩm quyền xem xét, đánh giá, xếp loại, đề xuất khen thưởng các tập thể, cá nhân hàng năm”- ông Vương nói.

Phát biểu tại hội nghị quán triệt thực hiện vị trí việc làm và KPI, hôm 27-3, ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, nói tỉnh này là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước áp dụng KPI.

Ông Thành cho rằng lâu nay việc đánh giá chất lượng cán bộ là điểm nghẽn tại các cơ quan, đơn vị, cấp ủy. “Thực tế, tại nhiều cơ quan, đơn vị việc bình xét thi đua hàng năm còn mang tính hình thức. Từ đó, thiếu căn cứ để đào tạo, bồi dưỡng hay tinh giản biên chế. Trong bối cảnh tinh gọn, sáp nhập, hợp nhất, yêu cầu vừa giảm số lượng nhưng tránh mất cán bộ có năng lực, phẩm chất tốt”- ông Thành nhìn nhận.

Người đứng đầu Tỉnh ủy Khánh Hòa nhấn mạnh Khánh Hòa cần bộ công cụ như KPI để chỉ rõ chất lượng làm việc của từng cán bộ trong bộ máy.

“Thực tế, qua một tháng thí điểm, tỉnh Khánh Hòa ghi nhận tình trạng rất ít cán bộ làm đủ 8 giờ/ngày. Qua đó cho thấy biên chế của một số cơ quan, đơn vị theo vị trí việc làm có sự dôi dư”- Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa

Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, cán bộ sợ nhất không phải là KPI mà sợ không có đầu việc để kê khai làm việc đủ; từ đó tìm nhiều cách để làm việc đủ 8 tiếng/ngày. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để cán bộ phải tự đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng suất lao động.

“Cần phải loại bỏ tư tưởng biên chế suốt đời, phong cách "sáng làm việc cầm chừng, chiều ngồi chơi xơi nước" sẽ không còn tồn tại trong bộ máy sắp tới. Bộ công cụ KPI sẽ nhận diện được, đo lường được năng suất, chất lượng, hiệu quả của mỗi cán bộ theo từng ngày, tháng, quý, năm. Đây là cơ sở để xác định biên chế cần thiết cho từng cơ quan của tỉnh. Đồng thời, chỉ ra những cán bộ có năng suất, chất lượng, hiệu quả thấp, từ đó, sẽ có chính sách tinh giản biên chế”- ông Nghiêm Xuân Thành nói.

Xuân Hoát

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/khanh-hoa-dung-kpi-danh-gia-hieu-qua-cong-viec-tung-can-bo-vien-chuc-post841788.html