Khánh Hòa: Nhiều chính sách hỗ trợ người dân sản xuất và tiêu thụ mía

Do thời tiết năm 2024 nắng hạn kéo dài, mưa muộn nên vụ mía đầu năm 2025 tại Khánh Hòa gặp nhiều khó khăn. Do đó, ngành nông nghiệp địa phương đang tích cực phối hợp với các công ty thu mua mía, có nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân trồng mía.

Theo cơ quan quản lý nông nghiệp tỉnh Khánh Hòa, diện tích mía niên vụ 2024-2025 toàn tỉnh là 7.694 ha, tập trung ở thị xã Ninh Hòa và các huyện như: Khánh Vĩnh, Diên Khánh, Cam Lâm; đến nay đã thu hoạch được khoảng 2.500 ha.

Hiện nay, mía niên vụ 2024-2025 đang trong thời gian thu hoạch. Năng suất bình quân đầu vụ ước đạt 54 tấn/ha, tương đương so với cùng kỳ năm trước, chữ đường bình quân 9 CCS.

Theo báo cáo của 2 công ty cổ phần đường, giá mua mía hiện nay bình quân 1.160.000 đồng/tấn/10 CCS, tương đương niên vụ trước.

Đối với mía niên vụ 2025 - 2026 đã thực hiện được 4.653 ha, dự kiến diện tích mía cả năm ước đạt khoảng 7.825 ha. Các giống mía đang được trồng phổ biến hiện nay: KK3, Suphanburi 7, K2000-89, K95-156, K95-84, KPS01-25,…

Chia sẻ với phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam, ông Lê Bá Ninh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Khánh Hòa, cho biết hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đã quy hoạch ổn định sản xuất mía là 13.000 ha, tập trung ở các địa phương: Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Ninh Hòa. Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng thời tiết khiến cho cây mía phát triển chậm, thời điểm mía sắp thu hoạch có mưa kéo dài làm ảnh hưởng đến chữ lượng đường trong mía và làm tăng chi phí vận chuyển mía.

Ông Ninh cho biết, Sở Nông nghiệp và Môi trường Khánh Hòa sẽ phối hợp với UBND các địa phương có trồng mía và 2 công ty cổ phần đường trên địa bàn tỉnh triển khai việc rà soát, phát triển vùng nguyên liệu mía phù hợp với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và quy hoạch của tỉnh.

Sở chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của sở phối hợp với 2 công ty đường tăng cường công tác khuyến nông cho cây mía; phổ biến, nhân rộng những mô hình sản xuất mía hiệu quả, lựa chọn bộ giống mía tốt, kháng sâu bệnh, thực hiện quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mía phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của từng cánh đồng trên địa bàn tỉnh để khuyến cáo người nông dân áp dụng” – ông Ninh nói.

Lợi nhuận thu được từ cây mía ngày càng giảm sút. Ảnh: Đặng Tuấn (TTXVN)

Lợi nhuận thu được từ cây mía ngày càng giảm sút. Ảnh: Đặng Tuấn (TTXVN)

Cùng với đó, 2 công ty cổ phần đường tiếp tục thực hiện tốt việc hỗ trợ cho người trồng mía như: đầu tư vốn cho nông dân trồng mía, mua sắm máy móc thiết bị cơ giới, tưới tiêu với lãi suất ưu đãi; hỗ trợ cho nông dân cải tạo, mở rộng diện tích, áp dụng cơ giới, giảm chi phí vật tư phân bón; ứng dụng giống mía có chất lượng tốt…

Đồng thời, tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ thêm như: bảo hiểm chữ đường, về giá, công, vận chuyển để khuyến khích người dân ký hợp đồng mua bán mía với 2 công ty. Thông qua đó 2 công ty có trách nhiệm thu mua hết mía và đồng thời người nông dân trồng mía sẽ được 2 công ty chia sẻ khi xảy ra các trường hợp rủi ro bất khả kháng.

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Môi trường Khánh Hòa sẽ xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa doanh nghiệp – hợp tác xã – hộ nông dân, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Lạc Nguyên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/khanh-hoa-nhieu-chinh-sach-ho-tro-nguoi-dan-san-xuat-va-tieu-thu-mia-171209.html