Khánh Hòa: Phòng chống ngộ độc thực phẩm ở khu vực trường học có khó không?
Từ việc nhiều học sinh từng phải phải nhập viện do mua và sử dụng đồ ăn không đảm bảo, bác sĩ Nguyễn Đình Thoan - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa đã đưa ra một số giải pháp đề phòng ngộ độc thực phẩm ở khu vực trường học.
PV. Thời gian qua, tại Khánh Hòa xảy ra một số vụ học sinh ngộ độc thực phẩm. Điển hình như vụ nhiều học sinh Trường tiểu học Thị trấn Tô Hạp (Khánh Sơn) ngộ độc do ăn cơm nắm, cơm cuộn rong biển mua cạnh cổng trường hay 12 học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (Nha Trang) ngộ độc thực phẩm sau khi ăn mì xào, sốt trứng, gà chiên bán gần cổng trường...
Từ các sự việc trên, bác si có suy nghĩ gì về thực trạng vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm ở khu vực trường học tại Khánh Hòa hiện nay và cần làm gì để đề phòng?
Bác sĩ Nguyễn Đình Thoan: Hiện nay, thời tiết ở Khánh Hòa có nhiều thay đổi thất thường nên tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao, nếu đồ ăn, thức uống không được bảo quản tốt, nhất là thực phẩm bán rong quanh trường học, dọc đường phố.
Để đề phòng ngộ độc, các ngành, các cấp phải chủ động, thường xuyên, liên tục kiểm tra, tuyên truyền các giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm. Đây là điều quan trọng nhất vì nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe học sinh. Đồng thời, từng cấp (cấp huyện, xã), khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải làm tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm theo phương án đã được xây dựng.
Hiện nay, tại Khánh Hòa, ngành y tế đã phối hợp với các ngành liên quan như công thương, giáo dục, nông nghiệp liên tục giám sát an toàn thực phẩm, nhất là ở trường học.
PV. Nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn liên quan thức ăn đường phố, thức ăn được bán rong ở khu vực trường học, vậy cần giải pháp cụ thể nào cho vấn đề này, thưa ông?
Bác sĩ Nguyễn Đình Thoan: Giải pháp tốt nhất là các lực lượng ở tuyến xã, phường như y tế, cán bộ văn hóa-xã hội…phải kết hợp quản lý tốt số người bán hàng rong, thức ăn đường phố quanh các trường học.
Phải nắm rõ quá trình di biến động của họ, sau đó thường xuyên mời họ đi tập huấn các kiến thức, quy định về an toàn thực phẩm. Việc tập huấn này do tuyến huyện, tuyến xã chịu trách nhiệm triển khai.
Đối với bên trong trường học, hiệu trưởng các trường phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc bảo đảm an toàn khi tổ chức bếp ăn bán trú, cung cấp suất ăn cho học sinh. Nước uống trong trường học, hiệu trưởng cũng phải chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn.
PV. Cùng với quản lý, tập huấn đầy đủ kiến thức an toàn thực phẩm cho người bán thức ăn đường phố quanh trường học thì giải pháp tiếp theo là gì, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Nguyễn Đình Thoan: Giải pháp nữa là ngành y tế phối hợp với ngành giáo dục và đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức tuyên truyền, cung cấp các tài liệu liên quan về an toàn thực phẩm, cách đề phòng ngộ độc cho quản lý các trường học, giáo viên, phụ huynh và học sinh.
Vừa rồi, đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm của tỉnh Khánh Hòa đã đi kiểm tra một số trường học, cơ sở cung cấp suất ăn cho học sinh thì thấy ngành giáo dục địa phương đã chủ động các biện pháp đề phòng ngộ độc thực phẩm.