Khánh Hòa: tổng giao dịch bất động sản hơn 16.568 tỷ đồng trong 6 tháng 2024
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Khánh Hòa đã ghi nhận 11.317 giao dịch bất động sản với tổng giá trị hơn 16.568 tỷ đồng.
Thị trường phục hồi tốt
Anh Quốc Khánh – một môi giới bất động sản (BĐS) tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho biết, anh vừa chốt một lô đất ở khu vực Hòn Xện phía bắc TP Nha Trang với giá gần 3 tỷ đồng cho 100 m2 (đường 2 ô tô tránh nhau được) cho một gia đình đến từ Hà Nội.
Theo anh Khánh, thị trường BĐS Nha Trang - Khánh Hòa đang phục hồi tốt, nhất là các lô đất có sổ, gần trung tâm TP Nha Trang hoặc gần biển.
“Từ đâu năm 2024 đến nay, tôi chốt gần 10 lô đất có sổ hồng ở khu vực Nha Trang. Sau thời gian các nhà đầu tư săn đất nền vùng ven để đón đầu thì họ đang chuyển sang các lô đất trong khu dân cư hiện hữu, gần biển hoặc trung tâm” - anh Khánh nhận định.
Cũng theo nhiều môi giới khác, hiện thị trường BĐS Khánh Hòa không có nhiều sản phẩm mới. Đặc biệt là các dự án khu đô thị, chung cư, nhà ở xã hội nên các nhà đầu tư chủ yếu tìm mua phân khúc nhà ở riêng lẻ, đất nền nội ô và một số đất nền vùng ven đã rõ quy hoạch.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, qua tham khảo các nguồn dữ liệu có liên quan trong quý II/2024 phát sinh khoảng 5.376 giao dịch với tổng giá trị giao dịch khoảng hơn 8.938 tỷ đồng.
Tuy thị trường BĐS quý II/2024 ít hơn 565 giao dịch so với quý I/2024 nhưng tổng giá trị giao dịch lại nhiều hơn 1.308 tỷ đồng. Cụ thể, trong quý I/2024, Khánh Hòa đã phát sinh khoảng 5.941 giao dịch BĐS với tổng giá trị hơn 7.630 tỷ đồng.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, Khánh Hòa đã ghi nhận 11.317 giao dịch với hơn 16.568 tỷ đồng. Trong khi đó, cả năm 2023, Khánh Hòa có gần 20.000 giao dịch BĐS với tổng giá trị hơn 12.300 tỷ đồng. Tức 6 tháng đầu năm 2024 lượng giao dịch thấp hơn cả năm 2023 gần 8.680 giao dịch nhưng tổng giá trị lại cao hơn 3.200 tỷ đồng.
Kỳ vọng thị trường 6 tháng cuối năm
Ông Phan Việt Hoàng - Tổng Thư ký Hội môi giới BĐS Khánh Hòa (KAREB) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, thị trường Khánh Hòa ghi nhận những tín hiệu hồi phục đáng kể so với giai đoạn 2022-2023, nhưng không đồng đều các phân khúc.
“Phần lớn giao dịch chủ yếu tập trung phân khúc đất nền và một số dự án hoàn thiện hạ tầng, pháp lý, được triển khai bởi các chủ đầu tư có uy tín trên thị trường… Nhiều chính sách ưu đãi được áp dụng rộng rãi nhằm gia tăng thanh khoản trong giai đoạn này cũng là một trong những lý do khiến thị trường BĐS Khánh Hòa tiếp tục duy trì mạch tăng” - ông Phan Việt Hoàng cho biết.
Tuy nhiên, Tổng Thư ký KAREB cho rằng, thực tế các doanh nghiệp BĐS vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhất là các khó khăn về thanh khoản, dòng tiền trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp.
Đặc biệt, tại Khánh Hòa, địa phương đang tập trung hoàn thiện các quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) để tiến hành đấu thầu, đấu giá các dự án mới cũng như tiếp tục các dự án cũ phải tạm dừng để điều chỉnh quy hoạch nên các sản phẩm mới chưa được giới thiệu ra thị trường.
“Trong 6 tháng năm 2024, Khánh Hòa có 3 dự án nhà ở đủ điều kiện đưa BĐS vào kinh doanh và được hấp thụ tốt. Ngoài ra còn có dự án Khu đô thị hành chính huyện Diên Khánh có diện tích 89,1 ha, tổng vốn đầu tư hơn 2.012 tỷ đồng được chấp thuận nhà đầu tư.
Dự kiến trong quý III/2024, Khánh Hòa sẽ công bố nhiều nhiều hoạch phân khu để làm cơ sở kêu gọi đầu tư và các dự án cũ đủ pháp lý để triển khai tiếp. Do đó, giai đoạn cuối năm 2024, thị trường BĐS Khánh Hòa kỳ vọng sẽ khởi sắc” – ông Phan Việt Hoàng nhận định.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân, để thị trường BĐS và nhà ở tại Khánh Hòa phát triển bền vững và ổn định trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị, TP tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ và các chỉ thị, công điện, thông báo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Đồng thời, địa phương tiếp tục đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" và triển khai hiệu quả "Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng".
Cùng với đó là đôn đốc các địa phương rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng để làm cơ sở thực hiện các dự án bất động sản trên địa bàn; giải quyết các vướng mắc liên quan đến giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm.