Khánh Hòa từng bước hiện thực hóa khát vọng vươn tầm

Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là cơ sở chính trị quan trọng, tiền đề để đưa Khánh Hòa hướng đến thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Với sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp, các ngành, sự đồng lòng quyết tâm của các tầng lớp nhân dân, việc thực hiện Nghị quyết số 09 đã đạt được những kết quả lớn, củng cố niềm tin, hi vọng của nhân dân đối với Đảng bộ, chính quyền tỉnh Khánh Hòa.

Đồng lòng, quyết tâm thực hiện

Sau hơn 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, kinh tế tỉnh Khánh Hòa tăng trưởng khá, giai đoạn 2012 - 2019 đạt mức bình quân hơn 7,32%/năm, tỉnh Khánh Hòa trở thành trung tâm du lịch biển có thương hiệu mang tầm quốc tế; từng bước trở thành một cực tăng trưởng trong khu vực. Tuy nhiên, tiềm năng, cơ hội, lợi thế của tỉnh chưa được khai thác hợp lý, chưa tạo được bước đột phá để phát triển xứng tầm. Việc thiếu các cơ chế, chính sách đặc thù cùng với định hướng phát triển đô thị chưa rõ nét, thiếu giải pháp tổng thể là nguyên nhân chủ yếu của các hạn chế để tạo ra động lực mới cho sự phát triển của tỉnh.

Xuất phát từ thực tế đó, Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị với nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách mới, vượt trội, đã khơi thông tiềm năng và góp phần giải tỏa những vướng mắc, khó khăn của tỉnh; là bệ phóng quan trọng để Khánh Hòa bứt phá, phát triển lên tầm cao mới. Nghị quyết của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao; là nơi nhân dân có mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.

Với tinh thần quyết tâm sớm đưa Nghị quyết số 09 vào cuộc sống, cùng với sự đồng lòng, quyết tâm cao của hệ thống chính trị các cấp, các ngành và nhân dân, tỉnh Khánh Hòa cùng các cơ quan Trung ương đã tích cực triển khai Nghị quyết số 09, từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế về quy hoạch, đầu tư, xây dựng và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy hiệu quả các nguồn lực kinh tế; đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới sáng tạo và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách, tổ chức các hoạt động, chương trình xúc tiến đầu tư; xây dựng kế hoạch triển khai danh mục dự án đầu tư công trọng điểm, phát triển liên kết vùng...

Trong bối cảnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 61-KH/TU về học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết số 09. Trong đó, chú trọng đưa việc tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết số 09 thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ và hệ thống chính trị, thể hiện quyết tâm cao độ của toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân về khát vọng vươn lên xây dựng Khánh Hòa ngày một giàu đẹp, góp phần đưa nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.

Quang cảnh Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quang cảnh Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ông Lê Hữu Thọ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện đã biên soạn, phát hành 6.500 cuốn tài liệu hỏi - đáp tuyên truyền các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; 6.500 cuốn tài liệu hỏi - đáp tuyên truyền Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; 3000 cuốn tài liệu hỏi - đáp tuyên truyền Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân phong tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; tài liệu hỏi - đáp tuyên truyền về quy hoạch các địa phương trong tỉnh. Qua đó, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện, khơi dậy khát vọng phát triển tỉnh Khánh Hòa theo định hướng của Trung ương. Bên cạnh đó, các cấp ủy đã chỉ đạo và tổ chức tuyên truyền rộng rãi nội dung Nghị quyết số 09 bằng các hình thức đa dạng, phù hợp; tạo bước phát triển toàn diện, bứt phá của tỉnh Khánh Hòa theo đúng quan điểm, mục tiêu mà nghị quyết đã đề ra.

Từng bước đưa nghị quyết vào cuộc sống

Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ban hành Chương trình hành động số 30-CTr/TU để triển khai thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị, nhằm cụ thể hóa toàn diện quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp bảo đảm tính khả thi cao; quyết tâm đưa nghị quyết sớm đi vào thực tiễn cuộc sống, tạo bước phát triển toàn diện, bứt phá theo đúng quan điểm, mục tiêu mà nghị quyết đã đề ra theo 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy trong xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Xây dựng và thực hiện tốt công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng của tỉnh trên nền tảng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo theo hướng đa dạng hóa, gia tăng giá trị và hiệu quả; kinh tế xanh, tuần hoàn. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại; hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số làm cơ sở để Khánh Hòa phát huy vai trò là trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ chính ra Biển Đông, có vai trò trung tâm kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ với các vùng, miền trong cả nước và quốc tế. Tăng cường hợp tác, liên kết với các tỉnh trong khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên, các tỉnh, thành phố khác trong cả nước và quốc tế. Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư, tài chính và phân cấp quản lý đặc thù, phù hợp. Tập trung phát triển nguồn nhân lực con người và khoa học - công nghệ, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tạo nền tảng để Khánh Hòa trở thành một trong những trung tâm vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên về giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu. Nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe nhân dân; gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội; thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo. Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, giữ vững chủ quyền quốc gia; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó, chú trọng các đột phá phát triển 3 vùng trọng điểm là khu vực vịnh Vân Phong, thành phố Nha Trang, khu vực vịnh Cam Ranh; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, dịch vụ logistics, công nghiệp năng lượng, kinh tế số; đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư, tài chính và phân cấp quản lý đặc thù, phù hợp để tạo sự đột phá trong công tác thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

Một góc vịnh Vân Phong.

Một góc vịnh Vân Phong.

Hiện thức hóa khát vọng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị, Khánh Hòa đã đề ra một số nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là thực hiện công tác quy hoạch theo định hướng của Bộ Chính trị, trong đó: Thành phố Nha Trang là đô thị hạt nhân; thành phố Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics; huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế; huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp; huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống; huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là các tiểu đô thị sinh thái núi rừng; có 3 khu vực được xác định là vùng trọng điểm - động lực phát triển của tỉnh là: Khu vực vịnh Vân Phong, thành phố Nha Trang và khu vực vịnh Cam Ranh. Đến nay, tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các quy hoạch quan trọng như: Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 318/QĐ-TTg, ngày 29-3-2023; Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 298/QĐ-TTg, ngày 27-3-2023; Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nha Trang đến năm 2040 tại Quyết định số 259/QĐ-TTg, ngày 31-3-2024 và Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045 tại Quyết định số 205/QĐ-TTg, ngày 28-2-2024. Đồng thời, chỉ đạo việc lập mới quy hoạch xây dựng vùng huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 và điều chỉnh quy hoạch chung đối với các địa phương còn lại; phấn đấu đến năm 2025 sẽ phủ kín quy hoạch phân khu xây dựng, phân khu đô thị trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, nhất là chú trọng không gian đô thị được điều chỉnh hợp lý, gắn với phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, miền, địa phương.

Tuy nhiên, làm thế nào để xây dựng Khánh Hòa trở thành một đô thị thông minh nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng là điều lãnh đạo tỉnh luôn trăn trở. Để hiện thực hóa khát vọng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 và xây dựng Khánh Hòa thành đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, mang tầm khu vực Châu Á, điều quan trọng là trong quá trình xây dựng và phát triển, phải giữ được sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa yếu tố tự nhiên và yếu tố nhân tạo, giữa cá nhân và cộng đồng, giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa đặc trưng của Khánh Hòa. Trong đó, bảo đảm khai thác hiệu quả, hợp lý những tiềm năng và lợi thế nổi trội sẽ giúp Khánh Hòa hiện thực hóa định hướng trở thành đô thị hiện đại, thông minh và bản sắc, nhất là công tác lập quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn, bảo đảm hiệu quả tổng thể, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch khu vực Nam Trung Bộ. Đồng thời, tiếp tục phát triển đột phá 3 vùng trọng điểm là khu vực vịnh Vân Phong, thành phố Nha Trang, khu vực vịnh Cam Ranh; phát triển nhanh và bền vững vùng đồng bằng, có vai trò hỗ trợ các vùng trọng điểm; phát triển nhanh và bền vững vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gắn với phát huy bản sắc văn hóa, giá trị tài nguyên địa phương.

Một góc TP. Nha Trang. Ảnh: VƯƠNG MẠNH CƯỜNG

Một góc TP. Nha Trang. Ảnh: VƯƠNG MẠNH CƯỜNG

Cùng với đó, thực hiện quá trình tái cơ cấu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh các ngành thế mạnh, tiềm năng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đa đạng hóa, phát huy tiềm năng kinh tế biển là nền tảng, công nghiệp năng lượng, chế tạo công nghệ cao, dịch vụ logistics, kinh tế số là đột phá; tiếp tục phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển theo hướng kinh tế xanh, bền vững. Đồng thời, tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại; phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số làm cơ sở để Khánh Hòa phát huy vai trò là trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ chính ra Biển Đông, có vai trò trung tâm kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ và các vùng, miền trong cả nước và quốc tế. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác, liên kết vùng với các tỉnh, thành phố trong cả nước và quốc tế, thu hút các nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài trên cơ sở đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tranh thủ và sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tạo nguồn lực tổng hợp để phát triển; tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu; gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh.

Nghị quyết số 09 đã tạo không khí phấn khởi trong toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa, góp phần khơi dậy mạnh mẽ truyền thống cách mạng, tinh thần chủ động, sáng tạo và ý chí tự lực tự cường của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, tạo ra không khí mới, thời cơ mới. Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Khánh Hòa đang quyết liệt vươn lên, nỗ lực thực hiện đạt hiệu quả cao các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, phát triển tỉnh với một niềm tin mới, khí thế mới nhằm hiện thực hóa khát vọng vươn tầm.

Sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, Khánh Hòa đã triển khai đồng bộ hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị, kinh tế của tỉnh Khánh Hòa đã từng bước phục hồi và có sự tăng trưởng trở lại. GRDP giai đoạn 2021 - 2023 tăng trưởng bình quân 8,2%/năm. Trong đó, GRDP năm 2022 tăng 21,24%, cao nhất cả nước; năm 2023 tăng 10,35%, đứng thứ 4 cả nước, đứng thứ nhất khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Trong 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế của Khánh Hòa tiếp tục duy trì sự tăng trưởng với mức tăng GRDP đạt 12,7%, xếp thứ 2 cả nước. Quy mô kinh tế từng bước được tăng lên; GRDP năm 2023 đạt 108,9 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 1,4 lần so với năm 2021, xếp thứ 29 cả nước và xếp thứ 8 khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tỷ trọng GRDP của tỉnh Khánh Hòa so với tổng GRDP của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên tăng dần qua các năm: Năm 2021 chiếm 7,98% và đến năm 2023 chiếm 8,98%. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 86,4 triệu đồng/người, tăng gấp 1,4 lần so với năm 2021, bằng khoảng 84,8% GDP bình quân đầu người chung của cả nước.

HỒNG NAM

(Văn phòng Tỉnh ủy Khánh Hòa)

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/dua-nq09-vao-cuoc-song/202409/khanh-hoa-tung-buoc-hien-thuc-hoa-khat-vong-vuon-tam-4c3450f/