Khánh Sơn: Gia tăng giá trị nông sản

Khánh Sơn được biết đến là thủ phủ của các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Để phát triển nông nghiệp bền vững, huyện đang tập trung chuyển đổi từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”; lấy nông nghiệp làm mũi nhọn kinh tế, cây ăn quả làm chìa khóa xóa nghèo cho người dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Chìa khóa xóa nghèo

Những ngày này, nhiều nhà vườn trên địa bàn xã Sơn Hiệp tất bật kéo nước tưới, tập trung chăm sóc sầu riêng đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch. Ông Cao Hồng Nhân (thôn Tà Giang 1, xã Thành Sơn) chia sẻ: “100 cây sầu riêng trong vườn nhà tôi đang trong giai đoạn nuôi quả nên phải chăm sóc cẩn thận để đạt sản lượng cao, cho thu nhập khá”. Ông Nhân cho biết, trước đây, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo. Nhờ chuyển đổi cây trồng ít giá trị kinh tế sang trồng cây sầu riêng nên gia đình ông đã có thu nhập ổn định, mỗi năm hơn 100 triệu đồng. Do đó, ông đang tiếp tục chuyển đổi những diện tích cây kém hiệu quả để trồng sầu riêng, bởi đây là loại cây trồng mang lại thu nhập rất cao. Hiện nay, hầu hết các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương cũng tập trung trồng sầu riêng để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Cây sầu riêng đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Khánh Sơn thoát nghèo bền vững.

Cây sầu riêng đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Khánh Sơn thoát nghèo bền vững.

Tại xã Sơn Bình, những năm qua, địa phương đã tập trung phát triển những loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Đến nay, toàn xã có 490ha sầu riêng, 8ha măng cụt, 68ha bưởi da xanh và nhiều diện tích cây ăn quả khác. Thời gian qua, nông dân trên địa bàn xã đã áp dụng các giải pháp sản xuất sạch, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, toàn xã có 1 hợp tác xã đạt chứng nhận VietGAP và 5 tổ hợp tác trồng sầu riêng, trong đó có 1 tổ hợp tác đạt chứng nhận VietGAP. Những năm qua, các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao đã được người dân địa phương chú trọng phát triển, góp phần nâng cao thu nhập, đây là chìa khóa xóa nghèo cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Đến nay, toàn huyện đã phát triển được 2.600ha sầu riêng (trong đó có hơn 1.500ha trong thời kỳ kinh doanh), 339ha bưởi da xanh, 61ha chôm chôm, 27ha măng cụt, 255ha cà phê, 125ha mía tím và nhiều diện tích cây ăn quả khác. Các loại nông sản của huyện được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Đặc biệt, sầu riêng Khánh Sơn đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, được bình chọn là Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam, được nông dân sản xuất sạch, áp dụng theo chuẩn VietGAP, một số nhà vườn đã được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu chính ngạch.

Hiện nay, nhiều loại cây ăn quả trên địa bàn huyện đã mang lại thu nhập từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, cây sầu riêng đã trở thành loại cây trồng nghìn tỷ của huyện, mang lại thu nhập khá cao cho người dân địa phương; là loại cây trồng giúp thoát nghèo cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Thống kê của địa phương cho thấy, đến cuối năm 2023, toàn huyện chỉ còn 2.429 hộ nghèo, chiếm 31,63% tổng số hộ dân. Trong 5 tháng đầu năm nay, huyện đã giảm thêm được 220 hộ nghèo, đạt 40% kế hoạch tỉnh giao. Dự kiến đến cuối năm nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện tiếp tục sẽ giảm xuống còn 22,99%.

Đổi mới tư duy phát triển kinh tế

Theo ông Mấu Thái Cư - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Khánh Sơn, để tiếp tục phát huy thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện đang tập trung triển khai đề án chuyển đổi, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng: Chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị, phù hợp với yêu cầu của thị trường; chuyển từ chuỗi liên kết cung ứng nông sản sang chuỗi liên kết giá trị ngành hàng. Cùng với đó, chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp chú trọng tăng sản lượng sang nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sinh thái, bền vững; chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ một giá trị sang tích hợp nhiều giá trị; chuyển từ hỗ trợ đầu vào sang vừa hỗ trợ đầu vào vừa chú trọng hỗ trợ và kết nối đầu ra… Ngoài ra, phát triển ngành nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch canh nông, du lịch tìm hiểu văn hóa - nghỉ dưỡng, trải nghiệm tại địa phương. “Một trong những mục tiêu quan trọng của huyện là đưa thu nhập bình quân/ha đất canh tác đến năm 2025 gấp 1,7 lần so với hiện nay; đến năm 2030, thu nhập bình quân/ha đất canh tác gấp 1,6 lần so với năm 2025”, ông Cư nhấn mạnh.

Thời gian qua, địa phương đã chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, tập trung chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới trong bảo quản và chế biến nông, lâm, thủy sản có sự tham gia của doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho người dân, trong đó có hơn 430ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Thực hiện chủ trương hỗ trợ chuyển đổi cây trồng trong giai đoạn 2019 - 2024, huyện đã chuyển đổi hơn 1.150ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, huyện còn đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương theo Chương trình OCOP với 34 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao và 1 sản phẩm đạt 4 sao. Bên cạnh đó, huyện còn triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tiến tới kết nối cung cầu, hình thành chuỗi liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ nông sản. Cùng với đó, huyện đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành này; từng bước ứng dụng chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

HẢI LĂNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202406/khanh-songia-tang-gia-tri-nong-san-1dd73ed/