Khánh Sơn: Người dân thay đổi nhận thức để thoát nghèo
Những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Khánh Sơn đã giảm nhanh, dự kiến đến cuối năm nay chỉ còn 22,99%. Kết quả này có được một phần nhờ huyện đã tập trung công tác tuyên truyền, khơi dậy được ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo của các hộ dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS).
Vượt qua tâm lý trông chờ, ỷ lại
Ở thôn Tha Mang (xã Ba Cụm Bắc), gia đình ông Bo Bo Niến - hộ ĐBDTTS Raglai được biết đến là điển hình trong nỗ lực phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững. Cũng như nhiều gia đình khác ở địa phương, chỉ cách đây vài năm, gia đình ông Niến là một trong những hộ nghèo của địa phương, thu nhập chủ yếu từ diện tích rẫy canh tác bắp, mì và việc làm thuê. Ông Niến trăn trở, xã hội ngày càng phát triển, huyện Khánh Sơn ngày càng giàu đẹp, nhiều gia đình vươn lên khá giả nhờ trồng cây ăn quả, không lẽ mình cứ nghèo mãi, cứ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước? Với suy nghĩ vươn lên thoát nghèo bằng chính sức lao động của mình, ông Niến đã quyết định vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi. Với vốn kiến thức, kinh nghiệm học được trong thời gian đi làm công cho những nhà vườn khác, ông đã tích cực áp dụng vào chăm sóc vườn cây của gia đình mình. Ban đầu, những loại cây trồng ngắn ngày, cây công nghiệp, cây keo chỉ đem lại thu nhập cho gia đình đủ ăn, đủ mặc. Sau đó, gia đình ông đã chuyển dần sang trồng cây sầu riêng, đến nay đã trồng được 200 cây trên diện tích gần 1ha, trong đó có 150 cây đã cho thu hoạch. Cùng với đó, gia đình duy trì 2ha keo ở khu vực xa nguồn nước. Lấy ngắn nuôi dài, ngoài nguồn thu từ cây ăn quả kết hợp vườn rừng, gia đình ông còn mở cửa hàng buôn bán nhỏ, thu mua nông sản của người dân trong thôn, mua ô tô để chở khách… Giờ đây, gia đình ông Niến không chỉ thoát nghèo mà còn có cuộc sống khá giả, với tổng thu nhập trong năm 2023 của gia đình lên đến 1,5 tỷ đồng.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Cao Mai Hùng (thôn Hòn Dung, xã Sơn Hiệp) gặp lúc ông Hùng đang kéo dây tưới nước cho vườn sầu riêng của gia đình. Ông Hùng cho hay, cách đây chừng 8 năm, gia đình ông ăn còn chưa đủ no, mặc còn chưa đủ ấm, nào dám mơ tưởng xe máy, tivi… Nhờ cây sầu riêng được trồng từ năm 2017, đến nay, cuộc sống của gia đình ông đã đổi thay thực sự, 2 con vào đại học, cuộc sống trở nên khấm khá. Năm 2017, gia đình ông được Nhà nước hỗ trợ cây giống, phân bón để trồng 140 cây sầu riêng trên diện tích khoảng 0,5ha. Qua 3 năm thu hoạch, ông đã có tiền làm được nhà, lo cho con ăn học, mua xe máy, tivi, tủ lạnh, đã thoát nghèo. Thấy cây sầu riêng rất hiệu quả, ông đã tiếp tục đầu tư chuyển đổi thêm 0,5ha sang trồng sầu riêng. “Cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, mỗi gia đình muốn thoát nghèo phải tự vươn lên bằng chính sức lao động của mình. Khi ấy mới có thể thoát nghèo bền vững, cuộc sống mới khấm khá được”, ông Hùng bộc bạch.
Câu chuyện của gia đình các ông Bo Bo Niến, Cao Mai Hùng chỉ là 2 trong số hàng nghìn câu chuyện thoát nghèo của các hộ ĐBDTTS ở huyện miền núi Khánh Sơn. Nhờ tinh thần ham học hỏi, nỗ lực vươn lên, họ trở thành những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, có cuộc sống khấm khá hơn. Ông Trần Thanh Tùng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện chia sẻ: “Thực hiện phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, trong 5 năm gần đây, trên địa bàn huyện có hơn 5.000 lượt hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp là ĐBDTTS, chiếm 35% tổng số hộ sản xuất kinh doanh giỏi toàn huyện. Cùng với đó, số lượng nông dân vươn lên thoát nghèo bền vững cũng tăng dần qua từng năm. Điểm chung của các hộ này là đều có khát vọng vươn lên thoát nghèo, được trợ lực của Nhà nước thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững”.
Lan tỏa đến từng nhà, từng người
Ông Đinh Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn chia sẻ: “Đến cuối năm 2023, huyện còn 2.429 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 31,63% tổng số hộ dân. Huyện quyết tâm giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đến cuối năm 2024 dưới 30%. Cùng với các tiêu chí khác đã và đang được hoàn thành, Khánh Sơn sẽ đủ tiêu chuẩn ra khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước. Hiện nay, địa phương tiếp tục triển khai toàn diện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, trong đó tập trung nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội; tập trung tháo gỡ để cuối năm nay sẽ hoàn thành việc xây dựng mới, sửa chữa hơn 2.000 căn nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Cùng với đó, huyện cũng tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất; đào tạo nghề, kết nối, giải quyết việc làm cho người dân… Dự kiến, đến cuối năm 2024, huyện sẽ giảm thêm 656 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn 22,99%”.
Cũng theo chia sẻ của lãnh đạo huyện, việc giảm nghèo được địa phương xác định phải thực chất, nghĩa là phải thực sự nâng cao được đời sống vật chất, tinh thần của người dân, người dân thực sự thụ hưởng các chính sách hỗ trợ giảm nghèo. Muốn vậy, địa phương xác định, bên cạnh việc triển khai các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, phải tập trung nâng cao nhận thức của mỗi người dân, để câu chuyện giảm nghèo lan tỏa đến với từng nhà, từng người, để hộ nghèo vượt qua tâm lý trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Thực tế, ngày càng nhiều hộ nghèo, nhất là hộ ĐBDTTS trên địa bàn đã biết giữ lại tư liệu sản xuất của mình, đầu tư phát triển sản xuất, có cuộc sống ngày càng khá giả hơn.
Để có được kết quả ấy, những năm qua, huyện đã tích cực triển khai dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin theo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 bằng nhiều hình thức, phù hợp với thực tiễn của địa phương, trong đó có 2 tiểu dự án: Giảm nghèo về thông tin và truyền thông về giảm nghèo đa chiều. Qua đó, đã góp phần thay đổi nhận thức của người nghèo về vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc xóa nghèo.
HẢI LĂNG