Khánh Sơn: Phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào Raglai để phát triển du lịch

Những năm qua, huyện Khánh Sơn đã chú trọng việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) Raglai gắn với phát triển du lịch. Tuy còn một số khó khăn, nhưng công tác này đã đạt được những kết quả khích lệ.

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Tái hiện lễ ăn đầu lúa mới của đồng bào dân tộc thiểu số Raglai tại xã Sơn Hiệp.

Tái hiện lễ ăn đầu lúa mới của đồng bào dân tộc thiểu số Raglai tại xã Sơn Hiệp.

Khánh Sơn là địa phương miền núi có 13 dân tộc cùng sinh sống, trong đó ĐBDTTS Raglai chiếm đến 73,4% dân số toàn huyện. Những năm qua, công tác phục dựng, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai được huyện chú trọng và đạt được nhiều kết quả khích lệ. Trong đó, đàn đá Khánh Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia; lễ bỏ mả được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể; ngoài ra còn có nhiều nghi lễ, phong tục đặc sắc khác như: Lễ tạ ơn cha mẹ, lễ ăn đầu lúa mới… Huyện có 4 nghệ nhân ưu tú loại hình ngữ văn dân gian đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu và tôn vinh gắn liền với công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể. Các loại hình văn nghệ dân gian của người Raglai tại Khánh Sơn cũng đa dạng, đặc sắc như: Các làn điệu dân ca, hát sử thi... Nhiều nghề thủ công truyền thống như: Đan lát, làm nhạc cụ dân tộc, chế biến rượu cần… vẫn còn được lưu giữ trong cuộc sống và sinh hoạt của người dân trên địa bàn. Địa phương cũng có nhiều di tích lịch sử - văn hóa có giá trị, ghi đậm dấu ấn của mảnh đất có lịch sử lâu đời, được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh như: Di tích lịch sử căn cứ cách mạng Tô Hạp, danh lam thắng cảnh thác Tà Gụ (xã Sơn Hiệp), di tích khảo cổ địa điểm Dốc Gạo (thị trấn Tô Hạp).

Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện, để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của ĐBDTTS gắn với phát triển du lịch, thời gian qua, huyện đã tổ chức 6 lớp truyền dạy đánh mã la, 3 lớp truyền dạy đánh đàn đá, 3 lớp học hát sử thi cho thanh thiếu niên trên địa bàn. Huyện còn tổ chức 6 lớp học tiếng nói và chữ viết Raglai cho 402 học viên; xây dựng chương trình “Tự học tiếng Raglai” trên trang thông tin điện tử của Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện nhằm giữ gìn tiếng nói và chữ viết của người Raglai; tích cực nghiên cứu, sưu tầm các tư liệu dân ca dân vũ, ghi âm các làn điệu dân ca, sử thi Raglai, biên dịch các loại sách về con người và văn hóa Raglai Khánh Sơn. Huyện đã hoàn thành công tác bảo tồn, chế tác 10 bộ nhạc cụ đàn đá Khánh Sơn, tổ chức phục dựng lễ tạ ơn cha mẹ nhằm bảo tồn nét văn hóa lễ hội truyền thống của đồng bào Raglai… Các xã, thị trấn đã thành lập các đội văn nghệ, đội mã la, đàn đá, đàn chapi và thổi kèn bầu… sẵn sàng phục vụ du khách khi có nhu cầu. Phòng truyền thống huyện đã tổ chức trưng bày hơn 100 hiện vật mang giá trị văn hóa, lịch sử của đồng bào Raglai để phục vụ công tác sưu tầm, nghiên cứu tìm hiểu văn hóa của người dân và du khách. Huyện cũng đã đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị cho 29 thôn, tổ dân phố trên địa bàn; hỗ trợ hoạt động cho 12 đội văn nghệ truyền thống tại các thôn vùng ĐBDTTS và miền núi…

Tiếp tục tăng cường công tác bảo tồn

Du khách thích thú khi trải nghiệm lễ ăn đầu lúa mới của đồng bào Raglai được tái hiện vào dịp Lễ hội trái cây Khánh Sơn năm 2024.

Du khách thích thú khi trải nghiệm lễ ăn đầu lúa mới của đồng bào Raglai được tái hiện vào dịp Lễ hội trái cây Khánh Sơn năm 2024.

Tuy đã đạt được những kết quả khích lệ, song công tácbảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Raglai ở huyện Khánh Sơn vẫn còn nhiều khó khăn khi nguồn lực đầu tư hỗ trợ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của ĐBDTTS còn hạn chế. Trước những tác động của nhịp sống hiện đại, giới trẻ dần không còn mặn mà với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Bên cạnh đó, thế hệ nghệ nhân tâm huyết, có nhiều cống hiến nay đã lớn tuổi hoặc không còn, một số loại hình di sản văn hóa truyền thống đang mai một dần trong đời sống sinh hoạt văn hóa cộng đồng người Raglai…

Theo ông Đinh Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, từ nay đến năm 2030, huyện tiếp tục tăng cường thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Raglai gắn với phát triển du lịch, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương, giảm nghèo bền vững trong ĐBDTTS. Trong đó, chú trọng phục dựng các lễ hội truyền thống tiêu biểu của người Raglai; tổ chức lớp truyền dạy nhạc cụ đàn đá, mã la và duy trì các hoạt động biểu diễn; xây dựng mô hình du lịch cộng đồng thôn Hòn Dung, xã Sơn Hiệp gắn với phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, phong tục, tập quán tốt đẹp của ĐBDTTS trên địa bàn; xây dựng Nhà trưng bày huyện để trưng bày hiện vật, cổ vật văn hóa, vừa bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Raglai vừa phục vụ du lịch. Cùng với đó, huyện tiếp tục bảo tồn di sản văn hóa, nhất là chữ viết, trang phục truyền thống, ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống của người Raglai…

HẢI LĂNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202409/phat-huy-gia-tri-van-hoa-truyen-thongdong-bao-raglai-de-phat-trien-du-lich-c5b62f7/