Khánh thành tổ hợp điện gió- điện mặt trời lớn nhất Việt Nam, vốn đầu tư 10.000 tỉ đồng

Trên cùng một mặt bằng, nhà đầu tư triển khai song song hai loại hình điện gió và điện mặt trời, tổng công suất trên 350MW, cho sản lượng điện khoảng 1 tỉ kWh mỗi năm, đồng bộ với Trạm Biến áp 220 kV.

Tối 16/4, đúng vào dịp kỉ niệm 46 năm Ngày giải phóng tỉnh Ninh Thuận (16/4/1975 - 16/4/2021), Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) đã chính thức làm thủ tục khánh thành Nhà máy Điện gió Trung Nam, công suất xấp xỉ 152MW, tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng. Nhà máy được xây dựng trên diện tích 264ha, thuộc địa bàn các xã Lợi Hải, Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, phía bắc tỉnh Ninh Thuận.

Đây là tổ hợp năng lượng tái tạo kết hợp 2 loại hình điện gió, điện mặt trời đầu tiên và lớn nhất của Việt Nam. Ảnh: TNG.

Đây là tổ hợp năng lượng tái tạo kết hợp 2 loại hình điện gió, điện mặt trời đầu tiên và lớn nhất của Việt Nam. Ảnh: TNG.

Đáng lưu ý, đây là tổ hợp năng lượng tái tạo kết hợp 2 loại hình điện gió, điện mặt trời, tổng mức đầu tư lên đến hơn 10.000 tỉ đồng. Trên cùng trên mặt bằng còn có hệ thống điện mặt trời tạo bởi cánh đồng pin 700.000 tấm, công suất 204 MW, được cho tổ hợp năng lượng tái tạo điện gió- điện mặt trời đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á.

Sản lượng điện hàng năm của tổ hợp vào khoảng 1 tỉ kWh, được đấu nối trực tiếp vào hệ thống lưới điện quốc gia thông qua Trạm Biến áp 220 kV Tháp Chàm.

Các turbine thế hệ mới có công suất tới 4MW/turbine. Ảnh: TNG.

Các turbine thế hệ mới có công suất tới 4MW/turbine. Ảnh: TNG.

Các tấm pin mặt trời được đặt trên hệ thống giá đỡ xoay 120 độ, tự động xoay và điều chỉnh hướng đón bức xạ mặt trời, cho năng suất hấp thụ năng lượng mặt trời hiệu quả nhất. Trong khi với tổ hợp điện gió, với các turbine thế hệ mới có công suất tới 4MW/turbine (28 tuabin ở giai đoạn 2 của dự án), nhập từ hãng Enercon, Đức công nghệ không hộp số, không chỉ cho phép vận hành ở tốc độ gió thấp từ 2 -2,5m/s, khả năng đón gió có vận tốc lớn, trung bình 7,1 m/s, mà còn giảm chỉ tiêu về diện tích bao chiếm đất, chỉ 0,14 ha/MW, so với suất sử dụng đất quy định không quá 0,35 ha/MW.

H.V

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kinh-te/dung-hang-viet/khanh-thanh-to-hop-dien-gio-dien-mat-troi-lon-nhat-viet-nam-von-dau-tu-10-000-ti-dong-104177.html