Khảo cổ học hé lộ khả năng sử dụng lửa tinh vi của con người trong kỷ Băng hà

Một nghiên cứu khảo cổ công bố ngày 27/4 đã làm sáng tỏ kỹ năng sử dụng lửa tinh vi của con người trong Kỷ Băng hà cuối cùng, giai đoạn lạnh giá nhất trong kỷ băng hà gần đây của Trái Đất.

Lò sưởi lớn tại Korman' 9 trong quá trình khai quật. Ảnh: sciencealert.com

Lò sưởi lớn tại Korman' 9 trong quá trình khai quật. Ảnh: sciencealert.com

Theo báo ScienceAlert, các nhà nghiên cứu đã phân tích tàn tích ba lò sưởi cổ được phát hiện tại địa điểm Korman' 9, bên bờ sông Dniester ở Ukraine. Những lò sưởi này có niên đại từ khoảng 26.500 đến 19.000 năm trước, giai đoạn mà các dấu tích sử dụng lửa được cho là rất hiếm trong hồ sơ khảo cổ học.

Theo nhà khảo cổ học địa chất William Murphree từ Đại học Algarve (Bồ Đào Nha), mặc dù bằng chứng về việc con người sử dụng lửa xuất hiện khá phổ biến trước và sau Kỷ băng hà cuối cùng, nhưng trong giai đoạn lạnh giá cực độ này, các dấu tích lại vô cùng ít ỏi. Phát hiện tại Korman' 9 vì vậy mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Thông qua các phân tích vi địa tầng, vi hình thái và đo màu, nhóm nghiên cứu xác định rằng các lò sưởi tại đây được xây dựng đơn giản, phẳng và chủ yếu sử dụng gỗ làm nhiên liệu. Mặc dù vậy, ngọn lửa có thể đạt nhiệt độ đủ cao để làm nóng mặt đất tới 600 độ C, cho thấy khả năng kiểm soát lửa rất tinh vi của người thời kỳ này.

Phân tích than củi cho thấy nhiên liệu chủ yếu là gỗ vân sam. Ngoài ra, dấu vết của xương động vật bị cháy ở nhiệt độ hơn 650 độ C cũng được tìm thấy, song nguyên nhân - liệu chúng được sử dụng làm nhiên liệu hay bị đốt cháy tình cờ - vẫn đang được nghiên cứu.

Dấu tích sử dụng lửa được cho là rất hiếm trong thời kỳ này. Ảnh: sciencealert.com

Dấu tích sử dụng lửa được cho là rất hiếm trong thời kỳ này. Ảnh: sciencealert.com

Nhà khảo cổ học động vật học Marjolein Bosch từ Đại học Vienna cho biết sự khác biệt giữa ba lò sưởi có thể phản ánh các lần cư trú khác nhau theo mùa hay theo thời gian dài. Theo nhà khảo cổ Philip Nigst, những người săn bắt hái lượm thời kỳ này đã biết điều chỉnh kỹ thuật sử dụng lửa tùy theo mục đích và các giai đoạn khác nhau trong quá trình di cư hàng năm.

Tuy nhiên, giới nghiên cứu vẫn đặt ra câu hỏi vì sao có rất ít dấu tích lò sưởi được tìm thấy từ thời kỳ này. Một giả thuyết cho rằng quá trình đóng băng và tan băng liên tục đã phá hủy phần lớn các bằng chứng khảo cổ. Một giả thuyết khác cho rằng điều kiện khí hậu khắc nghiệt khiến nguồn nhiên liệu trở nên khan hiếm, buộc con người phải hạn chế sử dụng lửa và tìm kiếm các giải pháp công nghệ thay thế.

"Mặc dù bằng chứng mới cho thấy con người thời kỳ băng hà vẫn duy trì kỹ năng sử dụng lửa tinh vi, chúng ta vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu đầy đủ về đời sống và cách thích ứng của họ trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt", ông Murphree nhận định.

Hoàng Anh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/khao-co-hoc-he-lo-kha-nang-su-dung-lua-tinh-vi-cua-con-nguoi-trong-ky-bang-ha-20250427135253180.htm