Khảo cứu đặc biệt về lịch sử của giấy

Qua 'Giấy: Lật từng trang thế giới', tác giả Mark Kurlansky không chỉ kể những câu chuyện thú vị về một trong những phương thức chứa đựng tri thức của nhân loại, mà còn khẳng định vai trò truyền tải văn hóa của nó.

Nổi tiếng với các cuốn sách nghiên cứu về những đối tượng riêng biệt, có khả năng làm thay đổi thế giới như cá tuyết và muối… giấy cũng giữ vai trò quan trọng trong lịch sử nhân loại. Nhưng, khác với những đối tượng trước đó, người ta không thể biết nó chính xác xuất hiện khi nào và từ nơi đâu. Tính cho đến nay, nhiều giả thuyết đồng thuận nhất là do Thái Luân thời Đông Hán sáng tạo vào năm 105, thế nhưng bằng những phân tích khoa học ngày càng vững chắc, Kurlansky cho rằng nhận định nói trên là thiếu chính xác.

Vậy nên ông đã ngược dòng lịch sử trở về “bản nguyên” của phương tiện này. Từ giấy cói papyrus làm bằng loại sậy sinh trưởng gần sông Nile, đến bản sáp có thể xóa được của Hy Lạp thế kỷ 8 TCN, cho đến giấy làm từ da động vật vào thế kỷ 1 TCN... Sau cùng là giấy làm từ cellulose cuối cùng cũng xuất hiện vào hơn 2.000 năm trước ở Trung Quốc, khi các sợi thực vật có thể được tách để làm nên giấy, từ đó lan khắp toàn cầu và làm xuất hiện nhiều công nghệ in. Tuy điểm khởi nguồn vẫn còn bất định, nhưng những nghiên cứu cũng làm hé lộ những điều thú vị.

Tác giả Mark Kurlansky. Ảnh: TIME

Tác giả Mark Kurlansky. Ảnh: TIME

Từng bị xem nhẹ

Kurlansky khẳng định giấy giữ vai trò tương đối quan trọng trong đời sống kinh tế - văn hóa - chính trị nhiều thiên niên kỷ trước. Ông dẫn chứng, chẳng hạn vua Ptolemy của Ai Cập - nơi có loài cây papyrus sinh trưởng chỉ ở một số vùng nhất định, đã có thời gian kiểm soát giá giấy trên toàn thế giới. Ngoài ra để không có sự cạnh tranh nào với thư viện Alexandria của mình, ông cũng từ chối nhập papyrus vào Hy Lạp, vì lúc này Eumenes cũng đang nỗ lực xây dựng thư viện Pergamon có mục đích và ý nghĩa tương đương…

Tuy vậy khi còn ở dạng papyrus hoặc da động vật, nó lại không hẳn được đón nhận một cách hoàn toàn. Với văn hóa truyền miệng tồn tại lâu đời, người xưa xem việc viết xuống gì đó là “trí nhớ nhân tạo”, khi đó văn bản sẽ “đi khắp nơi”, đến cả những nơi mà người ở đó không cần hoặc không hiểu nó, từ đó những tri thức không còn xuất phát bên trong con người. Điều này, theo Kurlansky, cũng góp phần giải thích vì sao âm nhạc từ cổ chí kim thường bao gồm những điệp khúc lặp đi lặp lại, vì vốn dĩ não người có hạn, nên đó là cách tốt nhất để họ ghi nhớ.

Nhưng khi hàm lượng trí thức cao hơn, việc tri nhận những kiến thức hàng ngày không thể còn được ghi nhớ chỉ bởi con người, thì giấy bắt đầu chứng minh được giá trị của mình, từ đó xuất hiện trên khắp thế giới.

Quang cảnh một xưởng làm giấy vào thế kỷ 18. Ảnh: Diderot Encyclopedia

Quang cảnh một xưởng làm giấy vào thế kỷ 18. Ảnh: Diderot Encyclopedia

Kurlansky đưa ta lướt qua thế giới Hồi giáo, nơi vào thế kỷ 7 những Hafiz – người thuộc làu kinh Qur'an, không còn, dẫn đến việc phải thành lập các xưởng làm giấy. Đó cũng đồng thời là Trung Quốc vào thế kỷ 9 với nhu cầu lớn từ phương tiện này, nơi mà từ lâu nghề làm giấy từ đã lan ra cả Việt Nam, Ấn Độ, Nhật Bản…

Thoát khỏi góc nhìn "dĩ Âu vi trung" (lấy châu Âu làm trung tâm), bên cạnh việc bám theo những trung tâm làm giấy trên khắp thế giới, Kurlansky cũng không ngần ngại thừa nhận tuy biết về phương tiện này, nhưng giấy xuất hiện rất muộn tại châu Âu. Sớm nhất là vào thế kỷ thứ 10 ở Andalusia (nay là Tây Ban Nha), từ đó lan ra châu Âu vào thế kỷ 11, 12 với những cải thiện ngày càng phong phú, như phát triển watermark, kiểu chữ in di động hoặc cải tiến chất lượng và môi trường trong các xưởng làm giấy…

Nói về nguyên nhân của sự chậm trễ, Kurlansky đưa ra giả thuyết rằng trước khi giấy xuất hiện, với tư tưởng bài ngoại (khi lúc này giấy chỉ được sản xuất ở các thị trường ngoài châu Âu), cũng như đời sống văn hóa – trí thức trước thế kỷ 10 ở lục địa già chưa thật phát triển, dẫn đến giấy chưa được quan tâm đúng ở đây. Ngoài ra ông cũng tiết lộ, từng có lúc những người nơi đây coi việc sử dụng chữ in là… thông đồng với quỷ (vì trước đó các văn bản quan trọng như Kinh Thánh chỉ được viết trên da động vật), tương tự như những luận điểm về văn hóa truyền miệng trước đó.

Trang đầu của Kinh Kim Cang từ năm 868 - cuốn sách in sớm nhất từng được tìm thấy. Ảnh: Britannica

“Giải trung tâm” cho giấy

Tuy trong quá khứ, những nhận định về tầm quan trọng của giấy như “Không có giấy, sẽ không có thời kỳ Phục Hưng. Không có giấy, Cách mạng Công nghiệp sẽ không thể xảy ra”, hay không có giấy sẽ không có những Michelangelo hay Leonardo de Vinci… xuất hiện nhan nhản, thế nhưng với Kurlansky, trong Đời giấy, ông lập luận rằng không phải giấy thay đổi xã hội, mà là chính những nhu cầu từ đời sống văn minh đã đòi hỏi nó xuất hiện và không ngừng cải tiến. Đây là nhận định có phần quan trọng, khi đã giải trừ đi vị trí trung tâm và tình thế bị quan trọng hóa của đối tượng này trong nhiều nghiên cứu khoa học trước đây.

Trang mở đầu của Gregorius, được in ở Venice vào năm 1498. Cuốn sách thường được coi là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của nghệ thuật in sách trang trí thời Phục hưng. Ảnh: AbeBooks

Trang mở đầu của Gregorius, được in ở Venice vào năm 1498. Cuốn sách thường được coi là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của nghệ thuật in sách trang trí thời Phục hưng. Ảnh: AbeBooks

Ông dẫn chứng, theo chiều phát triển, con người có ngôn ngữ nói, sau đó là tranh vẽ, chữ tượng hình, rồi bảng chữ cái, sau đó là ngữ âm, rồi chữ viết rồi đến giấy. Kể từ đó, đi theo sau giấy là in ấn, kiểu in con chữ di động, máy đánh chữ, máy in điều khiển bằng máy móc. Kế tiếp là máy xử lý văn bản và máy in điện tử… Tất cả những quá trình không phải thay đổi vì giấy. Khi có giấy, người ta vẫn sẽ ghi nhớ theo kiểu truyền miệng, giấy chỉ được dùng với những đòi hỏi nghiêm ngặt và khắt khe hơn. Từ đó, như Kurlansky nhận định “khi nhu cầu xuất hiện, giải pháp sẽ ra đời”. Mọi ý tưởng đều sinh ra nhu cầu về một ý tưởng khác.

Vì vậy mà Kurlansky cũng nhận định rằng với việc sử dụng in ấn để tuyên truyền, thì nghề in là “đứa con” của phong trào Kháng Cách thay vì ngược lại. Sách, pamphlet, báo khổ lớn, áp phích và tờ rơi trên phố… cần dùng trong giai đoạn này đòi hỏi cải tiến giấy in và công nghệ in, hoàn toàn không phải giấy tự xuất hiện, từng bước thay đổi cả thế giới này.

Bìa sách Đời giấy: Lật từng trang thế giới. Ảnh: Minh Anh

Cũng tương tự thế ở châu Á, chính vì mong muốn lưu truyền nghệ thuật thư pháp, hội họa, tôn giáo… mà giấy nhanh chóng lan rộng ra khắp khu vực, qua đó giúp phương tiện này giữ được vai trò quan trọng. Như vậy càng có cơ sở để khẳng định rằng “Quan lại Trung Quốc và các nhà sư Phật giáo không xuất hiện nhờ giấy. Giấy được tạo ra cho họ”.

Bằng nguồn tư liệu quý giá và cách dẫn truyện hài hước, hấp dẫn, thu hút, Mark Kurlansky đã kể lại một câu chuyện vô cùng khác biệt về một trong những phương tiện vô cùng quan trọng của nhân loại này. Qua đó, ông cũng đặt lại vai trò chính xác của nó với dòng chảy lịch sử, từ đó cũng cho thấy được sự vận động của tri thức và những lĩnh vực khác trong đời sống nhân loại.

Mark Kurlansky là nhà báo và nhà văn người Mỹ. Ông có niềm đam mê viết sách phi hư cấu, nhiều tác phẩm trong số đó là best seller (sản phẩm bán chạy nhất) trên toàn thế giới như: Cod: A Biography of the Fish that Changed the World - chiến thắng giải Glenfiddich Best Food Book Award, The Basque History of the World, 1968: The Year that Rocked the World… Tại Việt Nam, các tựa sách đã chuyển ngữ của ông bao gồm Đời muối, Khi loài cá biến mất.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/khao-cuu-dac-biet-ve-lich-su-cua-giay-43179.html