Khảo sát kỹ thực tế để xây dựng quy hoạch không phải 'trên giấy'

Sáng 3/8, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, Liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô phối hợp với Sở LĐTB&XH Hà Nội tổ chức tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia, sở ngành TP về định hướng quy hoạch ngành để tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô.

Lực lượng lao động đang già hóa

Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương cho hay, trước đây, đối với các lĩnh vực của ngành đều có đã có quy hoạch. Tuy nhiên, thực hiện nhiệm vụ xây dựng phương án quy hoạch ngành để tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô, hiện, Sở còn gặp nhiều lúng túng, khó khăn. Với việc TP Hà Nội đang tiến hành lập Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 theo phương pháp tích hợp là cơ hội rất lớn để từng ngành, lĩnh vực xây dựng lại quy hoạch ngành mình đảm bảo phù hợp với tình hình mới, xu hướng phát triển bền vững.

Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương phát biểu tại tọa đàm.

Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương phát biểu tại tọa đàm.

“Đặc thù của ngành LĐTB&XH có lĩnh vực, đối tượng phụ trách rất rộng. Vì vậy, ngành rất mong muốn nhận được ý kiến đóng góp, gợi mở từ các chuyên gia, sở, ngành TP để ngành đưa ra được mong muốn, kỳ vọng và có những bước đi vững chắc đáp ứng được yêu cầu quy hoạch của TP trong giai đoạn tới. Về trách nhiệm của Sở, sẽ đáp ứng tất cả yêu cầu và sẵn sàng phối hợp với Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, Liên danh tư vấn để xây dựng phương án quy hoạch sát thực, hiệu quả” – Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội nhấn mạnh.

Tại tọa đàm, đại diện Liên danh tư vấn đã trình bày báo cáo nghiên cứu sơ bộ, trong đó, nêu hiện trạng và định hướng, giải pháp phát triển 4 lĩnh vực thuộc Sở LĐTB&XH phụ trách gồm: thu hút nguồn nhân lực theo nhu cầu phát triển Thủ đô giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phát triển giáo dục nghề nghiệp Thủ đô; quy hoạch phát triển các lĩnh vực xã hội Thủ đô Hà Nội (an sinh, bảo trợ xã hội); phương án phát triển cơ sở nghĩa trang, nhà tang lễ.

Trong đó, đánh giá hiện trạng về nguồn nhân lực, đại diện Liên danh tư vấn cho biết, quy mô nguồn lao động của Hà Nội khá lớn, đứng thứ 2 cả nước (sau TP Hồ Chí Minh) nhưng lực lượng lao động đang già hóa khá nhanh, cảnh báo nguy cơ thiếu hụt lao động trong tương lai.

Quy mô lực lượng lao động tiếp tục gia tăng chủ yếu là do tăng nguồn lao động nhập cư vào Hà Nội. Hà Nội đang phải chịu sức ép rất lớn của tình trạng gia tăng dân số cơ học do di dân từ các địa phương khác đến, khoảng 1 triệu lao động di cư đang làm việc ở khu vực phi chính thức. Lao động nông thôn vẫn chiếm khoảng hơn ½ lực lượng lao động ở Hà Nội. Lực lượng lao động đang già hóa…

Hà Nội đặt chỉ tiêu bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho khoảng 160 nghìn lượt người. Ảnh: Trần Oanh

Hà Nội đặt chỉ tiêu bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho khoảng 160 nghìn lượt người. Ảnh: Trần Oanh

Về cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Hà Nội có số lượng lớn nhất cả nước (tăng từ 267 đơn vị năm 2011 lên 362 đơn vị năm 2020). Về phân bố mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Hà Nội hiện có 62 trường cao đẳng, cao đẳng nghề, chủ yếu tập trung chủ yếu tại một số quận,huyện gần trung tâm TP. Có 80 trường Trung cấp, Trung cấp nghề phân bố không đồng đều tại 27 quận, huyện, thị xã . Có tổng số 75 trung tâm Dạy nghề & giáo dục thường xuyên. Tuy mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp lớn nhưng phần đông còn chưa hiện đại, nhất là các điều kiện đảm bảo chất lượng; quy mô giáo dục nghề nghiệp nhỏ, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo còn thiếu, chưa cập nhật với sự thay đổi của công nghệ…

Các chỉ tiêu quy hoạch thể hiện được đặc thù của Thủ đô

Nêu định hướng, giải pháp phát triển, thu hút nguồn nhân lực theo nhu cầu phát triển Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đơn vị tư vấn đưa ra các mục tiêu cụ thể: Tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo trong nền kinh tế đạt mức 80% năm 2025 lên 85% năm 2030; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ tăng từ 56% năm 2025 lên 62% năm 2030.

Thực hiện đào tạo cho khoảng 230 nghìn lượt người mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2025 và khoảng 260 nghìn lượt người mỗi năm trong các giai đoạn tiếp theo. Tăng tỷ lệ lao động được đào tạo, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ của lao động có việc làm từ mức 25% năm 2025 lên mức 50% năm 2030. Bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho khoảng 160 nghìn lượt người trong cả giai đoạn.

Về mục tiêu phát triển giáo dục nghề nghiệp Thủ đô đến năm 2030, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề của Thủ đô văn minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và thế giới. Giảm ít nhất 20% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập so với năm 2020, trong đó, giảm khoảng 40% trường trung cấp công lập; nâng tỷ lệ cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lên khoảng 60%. Thực hiện đào tạo đạt 260.000 lượt người/năm, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm khoảng 30%...

Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh kết luận buổi làm việc

Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh kết luận buổi làm việc

Tại buổi tọa đàm, lãnh đạo Sở LĐTB&XH cùng chuyên gia đã trao đổi, thảo luận, góp ý làm rõ những hạn chế trong việc thực hiện từng lĩnh vực giai đoạn vừa qua. Từ đó, đề xuất phương án quy hoạch với các mục tiêu sát thực tế.

Trong đó, lãnh đạo Sở LĐTB&XH Hà Nội đề xuất các chỉ tiêu của quy hoạch cần đặt cao hơn so với bình quân cả nước. Bên cạnh đó, lưu ý việc cần phải làm rõ các khái niệm mới trong quy hoạch, để khi khi ban hành có thể triển khai được ngay. Về định hướng, mục tiêu quy hoạch cần bám sát định hướng, quy hoạch ngành của TƯ, nhưng đồng thời vẫn phải bám sát vào Luật Thủ đô sửa đổi để tạo hành lang, chính sách phù hợp để thực hiện.

Kết luận buổi tọa đàm, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh cho nhấn mạnh, là ngành bao trùm nhiều lĩnh vực, đều là những vấn đề lớn của TP nên còn rất nhiều nội dung cần thảo luận. Trong khi thời gian lập quy hoạch không còn nhiều, do đó, đề nghị Sở LĐTB&XH chủ động cập nhật những định hướng quy hoạch ngành quốc gia để phối hợp với đơn vị lập Quy hoạch Thủ đô, Liên danh tư vấn sớm hoàn thành phương án quy hoạch ngành tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô. Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở LĐTB&XH cần chỉ đạo phòng ban chuyên môn cung cấp số liệu một cách cập nhật, chuẩn xác cho đơn vị tư vấn.

Đồng thời, lãnh đạo Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đề nghị đơn vị Liên danh tư vấn tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các chuyên gia để cùng với Viện, ngành LĐTB&XH Nội tập hợp số liệu, dữ liệu, khảo sát thực tế, cập nhật xu hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số nhằm xây dựng được bản quy hoạch chất lượng, sát thực tế, mang tính thực thi cao, chứ không phải quy hoạch trên giấy.

Vũ Lê

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khao-sat-ky-thuc-te-de-xay-dung-quy-hoach-khong-phai-tren-giay.html