Khảo sát PISA 2025: Lực đẩy đổi mới

Từ 15/4 - 29/4, 7.200 học sinh tại 195 trường của 60/63 tỉnh/thành phố tham gia kỳ khảo sát PISA 2025.

Tham gia khảo sát PISA giúp học sinh làm quen với các câu hỏi mở, đánh giá năng lực theo hướng ra đề trong Kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025. Ảnh: INT

Tham gia khảo sát PISA giúp học sinh làm quen với các câu hỏi mở, đánh giá năng lực theo hướng ra đề trong Kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025. Ảnh: INT

Đây là tiền đề, thí điểm để tổ chức các kỳ thi, kỳ đánh giá trên máy tính ở phạm vi toàn quốc; đồng thời giúp học sinh rèn tư duy phản biện, khả năng vận dụng kiến thức và chuẩn bị tâm thế trước những đổi mới của Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tiền đề tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên máy tính

Đến nay, Trường THPT Phan Liêm (Bến Tre) sẵn sàng các điều kiện cho kỳ khảo sát PISA chính thức diễn ra vào 24/4. Quá trình nghiên cứu, chuẩn bị cho kỳ khảo sát, Hiệu trưởng Bùi Văn Kiệt cho rằng, Trường THPT Phan Liêm nói riêng, các trường Việt Nam tham gia PISA chu kỳ 2025 nói chung sẽ tích lũy được kinh nghiệm tổ chức thi trực tuyến, vận hành hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo an toàn dữ liệu và xử lý sự cố.

Đồng thời, hình thức này giúp giáo viên, học sinh các trường thích nghi với chuyển đổi số trong giáo dục, thúc đẩy đầu tư công nghệ, tạo tiền đề cho việc triển khai thi trên máy tính ở quy mô lớn hơn, trong đó có Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

“Bộ GD&ĐT đã đưa lộ trình giai đoạn sau 2030 từng bước thí điểm thi tốt nghiệp THPT các môn trắc nghiệm trên máy tính ở các địa phương có đủ điều kiện. Nếu được chọn, nhà trường sẵn sàng đáp ứng, miễn được trang bị hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo”, ông Bùi Văn Kiệt cho hay.

Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) đã hoàn thành khảo sát PISA chu kỳ 2025 vào ngày 17/4. Theo Phó Hiệu trưởng Phạm Lê Hồng Anh, việc tổ chức kiểm tra đánh giá trên máy tính với nhà trường có nhiều thuận lợi vì được trang bị 2 phòng thực hành Tin học với 80 máy tính, đường truyền Internet đảm bảo phục vụ học tập.

Ngoài ra, giáo viên và học sinh nhà trường được làm quen với hình thức thi trực tuyến do tham gia các bài thi về kỹ năng Tin học Văn phòng (MOS) hoặc thi thử kỳ thi đánh giá năng lực (HSA) của ĐHQG Hà Nội tại trường hàng năm.

Chia sẻ quan điểm cá nhân, ông Phạm Lê Hồng Anh cho rằng, triển khai tổ chức các kỳ thi, đánh giá trên máy tính tại thời điểm hiện tại còn gặp nhiều khó khăn trong khâu đảm bảo cơ sở vật chất như không có đủ máy tính, đường truyền Internet không đảm bảo. “Tuy nhiên, tham gia khảo sát PISA lần này cũng là cơ hội để các trường được chọn tổ chức khảo sát làm quen với phương thức kiểm tra, đánh giá trên máy tính”, ông Phạm Lê Hồng Anh cho hay.

Thông tin từ ông Phạm Quốc Khánh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), qua rà soát chuẩn bị tham gia PISA trên máy tính, thấy rằng, nếu có giải pháp phần mềm phù hợp như của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thì hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở vật chất, thiết bị liên quan (phòng máy vi tính, đường truyền Internet, điện…) của các cơ sở giáo dục Việt Nam hiện nay đáp ứng yêu cầu tổ chức thi trên máy tính.

Bên cạnh đó, sau khi triển khai PISA chu kỳ 2025 trên máy tính cho thấy giáo viên và học sinh đều hứng thú, tự tin, hoàn thành tốt việc thi, kiểm tra trên máy tính ở các nhà trường.

“Bộ GD&ĐT dự kiến xem xét, đánh giá sự phù hợp, khả thi và lựa chọn thi tốt nghiệp THPT trên máy tính vào thời điểm thích hợp, có thể thí điểm ở một số địa phương đủ điều kiện.

Kinh nghiệm thực tiễn từ việc chuẩn bị và triển khai PISA trên máy tính giúp các nhà quản lý hình dung rõ hơn về yêu cầu kỹ thuật cụ thể và quy trình triển khai một kỳ đánh giá diện rộng trên máy tính, nhất là vận hành hệ thống phần mềm quản lý tổ chức thi và bảo đảm an toàn, bảo mật dữ liệu người dùng trên quy mô lớn.

Ngoài ra, từ việc tham gia PISA trên máy tính giúp Việt Nam có những đánh giá về thuận lợi, khó khăn, hạn chế; từ đó có kế hoạch chuẩn bị tốt cho những kỳ thi, đánh giá trên máy tính ở phạm vi toàn quốc”, ông Phạm Quốc Khánh cho hay.

 Khảo sát PISA 2025 tại Trường THPT Ngô Sĩ Liên (Bắc Giang). Ảnh: Nguyễn Mạnh

Khảo sát PISA 2025 tại Trường THPT Ngô Sĩ Liên (Bắc Giang). Ảnh: Nguyễn Mạnh

Phát huy lợi thế từ đề mẫu

Theo ông Bùi Văn Kiệt, đề thi PISA rất thực tiễn, tập trung đánh giá năng lực vận dụng kiến thức, tư duy phân tích, giải quyết vấn đề. Trải nghiệm đề PISA giúp học sinh rèn luyện đọc hiểu sâu, tư duy toán học thực tế, giải quyết tình huống linh hoạt. Đây là những kỹ năng cần thiết cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 và những năm tiếp theo, khi đề thi chuyển hướng đánh giá năng lực toàn diện.

“Nhà trường sẽ cho học sinh tiếp cận đề mẫu PISA qua tiết học, sinh hoạt chuyên đề; lồng ghép bài tập PISA vào kiểm tra; tập huấn giáo viên xây dựng đề kiểm tra theo định hướng đánh giá năng lực. Hiện có nhóm giáo viên nghiên cứu viết sáng kiến về đề tài này.

Nhà trường đồng thời khuyến khích học sinh tự học, tự nghiên cứu để đáp ứng yêu cầu đề kiểm tra năng lực, tích cực tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực do các trường đại học tổ chức. Mục tiêu là rèn luyện tư duy phản biện, khả năng vận dụng thực tế và chuẩn bị tâm thế chủ động trước những đổi mới Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới”, ông Bùi Văn Kiệt thông tin.

Qua các câu hỏi minh họa do Ban tổ chức cung cấp, ông Phạm Lê Hồng Anh đánh giá cao các câu hỏi trong đề thi PISA khi đánh giá năng lực đọc hiểu, tư duy phân tích và giải quyết vấn đề trong các tình huống thực tế. Các câu hỏi trong đề PISA đề cập đến nhiều vấn đề thực tế trong cuộc sống, đòi hỏi học sinh vận dụng kiến thức đã học để đưa ra câu trả lời.

Tham gia khảo sát PISA giúp học sinh làm quen với các câu hỏi mở, đánh giá năng lực theo hướng ra đề trong kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025, chuẩn bị tâm lý và kỹ năng làm bài thi. Việc tiếp xúc với các dạng câu hỏi phong phú và yêu cầu tư duy phản biện giúp học sinh làm quen cấu trúc, yêu cầu của kỳ thi, từ đó giảm lo lắng và tăng sự tự tin khi thi.

Ngoài ra, đề thi PISA khuyến khích học sinh tư duy độc lập và đưa ra quyết định dựa trên phân tích thông tin. Điều này hữu ích trong việc giải quyết các câu hỏi yêu cầu suy luận trong kỳ thi. Các chủ đề đa dạng trong đề thi PISA khuyến khích học sinh tự học, nghiên cứu, từ đó các em chuẩn bị tốt hơn cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

“Ban giám hiệu nhà trường đã giao nhiệm vụ cho các tổ chuyên môn nghiên cứu đề thi PISA minh họa do Bộ GD&ĐT cung cấp; từ đó tổ chức buổi sinh hoạt chuyên môn, tiết dạy chuyên đề để thầy trò nhà trường được tiếp cận rộng rãi với cách thức, yêu cầu của đề thi PISA. Hướng tới việc giáo viên các môn khoa học tích cực đưa thực tiễn vào bài giảng và xa hơn nữa là xây dựng các đề kiểm tra đánh giá học sinh theo cách thức của kỳ thi PISA”, ông Phạm Lê Hồng Anh chia sẻ.

Cách thức ra đề khảo sát PISA phù hợp với định hướng, mục tiêu của Chương trình GDPT 2018. Đó là phát triển phẩm chất và năng lực, theo phương thức dạy những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại; kết hợp hài hòa giữa đức, trí, thể, mỹ và chú trọng thực hành, để học sinh biết vận dụng những điều đã học vào thực tế. - Ông Phạm Lê Hồng Anh

Hiếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khao-sat-pisa-2025-luc-day-doi-moi-post728146.html