Khảo sát thực địa về phát triển bền vững gắn với phòng, chống giảm thiểu rủi ro thiên tai, tai biến địa chất

Ngày 20/5, Ban Quản lý Công viên địa chất (CVĐC) Non nước Cao Bằng tổ chức khảo sát thực địa tại xóm Khuổi Ngọa, xã Ca Thành (Nguyên Bình) về phát triển bền vững gắn với phòng, chống giảm thiểu rủi ro thiên tai, tai biến địa chất cho cộng đồng dân cư khu vực dễ bị ảnh hưởng trong vùng CVĐC.

Tham gia và hướng dẫn chuyên môn có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Tân Văn, thành viên Ban Cố vấn mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản.

Đoàn khảo sát đánh giá hiện trạng môi trường, địa hình và địa chất tại xóm Khuổi Ngọa, xã Ca Thành (Nguyên Bình).

Đoàn khảo sát đánh giá hiện trạng môi trường, địa hình và địa chất tại xóm Khuổi Ngọa, xã Ca Thành (Nguyên Bình).

Tại buổi khảo sát, chuyên gia và các học viên trực tiếp đánh giá hiện trạng môi trường, địa hình và địa chất tại một số khu vực có nguy cơ cao xảy ra tai biến địa chất. Theo đánh giá sơ bộ của chuyên gia, khu vực khảo sát có đặc điểm địa hình đồi núi dốc, cấu trúc dạng vòng. Về đặc điểm địa chất, đá gốc ban đầu đã bị phong hóa mạnh theo thời gian, biến đổi thành lớp sét mềm yếu, tiềm ẩn nguy cơ trượt đất khi có tác động từ nước mưa. Trong quá trình khảo sát, đoàn ghi nhận nhiều dấu hiệu cảnh báo sạt lở như: hiện tượng cây cối nghiêng, gốc bị lộ do có trượt đất; sau mưa xuất hiện tình trạng nước rò rỉ từ taluy và hình thành các dòng chảy nhỏ bất thường.

Những ghi nhận tại hiện trường là cơ sở quan trọng để xây dựng phương án cảnh báo sớm và đề xuất các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại do tai biến địa chất, góp phần đảm bảo an toàn cho cộng đồng dân cư sinh sống trong khu vực.

Chương trình khảo sát nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, tai biến địa chất và thiên tai; đồng thời, trang bị kiến thức, kỹ năng nhận diện và ứng phó hiệu quả với các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra tại địa phương. Đặc biệt, hoạt động chú trọng hỗ trợ đội ngũ cán bộ cơ sở tại những khu vực có nguy cơ cao, góp phần tăng cường năng lực quản lý rủi ro thiên tai, bảo vệ an toàn cho người dân và tài sản. Chương trình còn nhấn mạnh vai trò chủ động và trách nhiệm của cộng đồng địa phương trong việc nhận diện rủi ro, bảo vệ môi trường sống, gìn giữ và phát huy giá trị di sản CVĐC. Qua đó, đóng góp vào quá trình xây dựng CVĐC Non nước Cao Bằng theo định hướng phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới sự phát triển hài hòa giữa bảo tồn di sản và nâng cao sinh kế cho người dân địa phương.

Lương Thảo

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/khao-sat-thuc-dia-ve-phat-trien-ben-vung-gan-voi-phong-chong-giam-thieu-rui-ro-thien-tai-tai-bien-di-3177328.html