Khảo sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường tại doanh nghiệp than, điện tại Quảng Ninh
Chiều 15/7, Đoàn công tác số 3 thuộc Đoàn giám sát chuyên đề 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành' đã có các cuộc làm việc, khảo sát tại Công ty CP Than Cao Sơn - TKV và Công ty TNHH Điện lực AES Mông Dương.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Đoàn Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn công tác số 3, phát biểu tại cuộc làm việc với Công ty CP Than Cao Sơn - TKV.
Phát biểu tại cuộc làm việc với các đơn vị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Đoàn Thị Thanh Mai - Phó Trưởng đoàn công tác số 3, cho biết, Quốc hội lựa chọn giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành.
Mục tiêu của chuyên đề giám sát là đánh giá toàn diện việc ban hành và thực thi các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó tập trung làm rõ kết quả triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng như các nghị quyết liên quan của Quốc hội và UBTVQH.
Quá trình giám sát sẽ giúp chỉ ra những vướng mắc, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trên cơ sở đó, rút ra bài học kinh nghiệm và quan trọng hơn là đưa ra các kiến nghị, giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi trong thời gian tới.

Đoàn công tác khảo sát tại bãi đổ thải Bàng Nâu của Công ty CP Than Cao Sơn - KTV.
Tại cuộc làm việc với Đoàn, lãnh đạo Công ty CP Than Cao Sơn - TKV, cho biết, Công ty là đơn vị khai thác than lộ thiên lớn của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam với diện tích khu vực khai thác hơn 603,88 ha, trong đó, diện tích khu vực được phép khai thác là 339,93 ha.
Hoạt động khai thác than lộ thiên tại Công ty có nguy cơ tác động đến môi trường, chủ yếu phát sinh từ quá trình khoan nổ mìn, bốc xúc, vận chuyển và đổ thải đất đá. Quá trình này đồng thời cũng làm biến đổi địa hình tự nhiên.
Nhận thức rõ điều đó, song song với hoạt động sản xuất, Công ty đặc biệt chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, cải tạo phục hồi môi trường bãi thải và xử lý nước thải mỏ là những giải pháp được triển khai đồng bộ, nhằm giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực, đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Ghi nhận nỗ lực của Công ty CP Than Cao Sơn - TKV trong công tác bảo vệ môi trường, các thành viên Đoàn công tácđề nghị Công ty làm rõ quy trình ứng phó sự cố môi trường; phương án bảo vệ môi trường tổng thể bãi thải Bàng Nâu; công tác cải tạo và phục hồi môi trường; thu gom, xử lý nước thải mỏ…
Tại cuộc làm việc với Đoàn công tác, lãnh đạo Công ty TNHH Điện lực AES Mông Dương, cho biết, Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2 có công suất 1.200 MW với hai tổ máy, đi vào vận hành thương mại từ tháng 4/2015. Năm 2024, nhà máy cung cấp tổng cộng 7,4 tỷ kWh điện; đóng góp thuế từ 2010 đến 2024 hơn 320 triệu USD.

Đoàn công tác làm việc với Công ty TNHH Điện lực AES Mông Dương.
Nhà máy được vận hành theo hình thức BOT và sẽ được chuyển giao cho Chính phủ sau 25 năm vận hành. Công ty luôn đặt việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và quy định môi trường địa phương là ưu tiên hàng đầu trong quá trình hoạt động kinh doanh tại Việt Nam để bảo đảm không có bất kỳ tác động tiêu cực nào đến môi trường và xã hội đối với cộng đồng địa phương.
Đại diện Công ty TNHH Điện lực AES Mông Dương cho biết, nhờ Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có những quy định tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.
Đơn cử, theo quy định của Luật này, tro, xỉ, thạch cao được coi là chất thải thông thường và sau khi được hợp chuẩn hợp quy, tro, xỉ, thạch cao được quản lý như đối với sản phẩm hàng hóa. Nhờ đó, lượng tiêu thụ tro xỉ của nhà máy tăng mạnh trong giai đoạn 2020 - 2024, trong khi trước đó không thể tiêu thụ được.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng quy định về tái sử dụng nước thải công nghiệp. Đây là cơ sở để Công ty xây dựng đề án tái sử dụng nước thải công nghiệp cho hệ thống khử ô xít lưu huỳnh trong khói lò (hệ thống FGD), giúp tiết kiệm 2.000m3 nước/ngày.

Đoàn công tác chụp ảnh cùng lãnh đạo, nhân viên Công ty AES Mông Dương.
Kết luận các cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Đoàn Thị Thanh Mai ghi nhận đóng góp của các đơn vị trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh và với ngành than, khoáng sản, điện; nêu rõ, công tác bảo vệ môi trường được các đơn vị quan tâm và triển khai tích cực.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị các đơn vị bổ sung báo cáo, gửi Đoàn giám sát trước ngày 21/7/2025. Trong đó, phần kiến nghị cần được bổ sung toàn diện, có chiều sâu, đặc biệt trong việc thực thi các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để Đoàn giám sát tổng hợp, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật, bảo đảm hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế và yêu cầu gìn giữ môi trường sinh thái bền vững.