Biệt thự cổ Tây Ban Nha giữa lòng Đà Lạt
Những công trình được xây dựng trên thành phố hoa này nửa đầu thế kỷ 20 chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi phong cách kiến trúc Pháp. Đó là điều dễ hiểu, bởi Đà Lạt (Lâm Đồng) là thành phố duy nhất ở Việt Nam được Toàn quyền Đông Dương cho thiết kế, quy hoạch bài bản trước khi xây dựng. Dù vậy, trong khoảng 2.000 căn biệt thự được người Pháp xây dựng thời bấy giờ, có một căn lại rất khác biệt, mô phỏng kiến trúc Tây Ban Nha nhuộm sắc màu huyền bí, đến nay vẫn chưa có lý giải nào thuyết phục.
Đà Lạt và những đồ án quy hoạch của người Pháp
Chỉ 4 năm sau khi nhà thám hiểm người Pháp gốc Thụy Sỹ Alexandre Yersin (1863 - 1943) phát hiện ra Đà Lạt, năm 1897 Toàn quyền Paul Doumer quyết định xây dựng một thành phố trên cao nguyên Lâm Viên, nơi có chức năng nghỉ dưỡng dành cho những người Pháp tại vùng Đông Dương. Quy hoạch thành phố vừa manh nha, năm 1902, Toàn quyền Paul Doumer trở về Pháp, những công trình đang xây dựng bị dừng lại vì thiếu kinh phí. Khát vọng về một thành phố nghỉ dưỡng trên cao nguyên quanh năm khí hậu ôn đới, mát lạnh, tương đối giống với nước Pháp xa xôi đã không trở thành hiện thực.
Tuy nhiên, năm 1921, Toàn quyền Maurice Long tiếp tục giao trách nhiệm cho kiến trúc sư Ernest Hébrard thiết lập đồ án quy hoạch thành phố. Lần này, nhiệm vụ thiết kế phải đạt được mục tiêu chiến lược, đó là: Phát triển Đà Lạt từ một nơi nghỉ dưỡng thành thủ đô hành chính của Liên bang Đông Dương khi cần thiết. 2 năm sau, kiến trúc sư Ernest Hébrard cùng các cộng sự đã hoàn thành đồ án, được Toàn quyền Maurice Long phê duyệt và đưa vào áp dụng từ tháng 8 cùng năm đó. Đồ án quy hoạch của Ernest Hébrard ra đời năm 1923 và được áp dụng trong vòng gần 10 năm.


Biệt thự cổ duy nhất ở Đà Lạt chịu ảnh hưởng của phong cách kiến trúc Tây Ban Nha.
Năm 1933, kiến trúc sư Louis Georges Pineau đã trình bày một nghiên cứu mới về chỉnh trang Đà Lạt. Louis Georges Pineau đề xuất tạo lập một vùng bất kiến tạo rộng lớn hình rẻ quạt có gốc từ Đà Lạt và tỏa về hướng núi Lang Biang. Trong khu vực này sẽ là công viên rừng săn bắn hoặc công viên rừng quốc gia. Tiếp đó, năm 1940, kiến trúc sư H. Mondet đưa ra “Tiền dự án chỉnh trang và phát triển Đà Lạt”, phần nào trở lại quan điểm của Ernest Hébrard nhưng mang tính thực tế hơn. Theo dự tính của H. Mondet, khu vực phân lô biệt thự cho người Pháp sẽ gồm 1.000 lô, kể cả những lô sẵn có. Khu vực dành cho người bản xứ đáp ứng khoảng 5.000 lô, khu ngoại ô gồm những khoáng địa rộng lớn được phân tách khoảng 1.500 đến 2.000 lô.
Chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, người Pháp không thể trở về cố hương, Đà Lạt trở nên chật hẹp bởi sự phát triển quá độ và thiếu tổ chức, Toàn quyền Jean Decoux phải thiết lập một “Chương trình chỉnh trang và phát triển Đà Lạt” có hiệu lực pháp lý để điều chỉnh sự phát triển của thành phố theo một trật tự hợp lý và hài hòa. Nhiệm vụ này được giao cho Sở Quy hoạch Đô thị và Kiến trúc Trung ương nghiên cứu thực hiện. Năm 1943, đồ án chỉnh trang Đà Lạt của kiến trúc sư Jacques Lagisquet cùng nhóm nghiên cứu được Toàn quyền Jean Decoux chấp thuận và đưa vào áp dụng. Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, Đà Lạt được điều chỉnh bởi 5 đồ án quy hoạch do các kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp thực hiện, trở thành thành phố duy nhất Việt Nam được thiết kế, quy hoạch bài bản trước khi triển khai xây dựng.
Khi người Pháp sang Việt Nam, họ mang theo hoài niệm về cố hương, kiến trúc nhà cửa chính là điều gần gũi nhất. Đà Lạt đầu thế kỷ 20 gắn liền với những công trình kiến trúc độc đáo, đa dạng về thể loại và phong phú về phong cách. Phổ biến là kiểu biệt thự hai mái, có mái nhô tròn (chặt góc) là của miền Trung và Bắc Pháp. Mái nhọn nhô cao, có cửa kính lớn, đích thị của miền Nam Paris. Loại mái dài, mái ngắn dốc nhiều là vùng núi Alpes. Mái dốc, xây đá chẻ là ở vùng biển Normandie. Biệt thự có mái lợp ardoise (đá mài miếng mỏng) của miền Trung Pháp.
Trong tất cả các căn biệt thự, lò sưởi và ống khói chính là điểm nhấn không thể thiếu. Mái ít dốc ống khói thấp, mái dốc nhiều ống khói cao. Loại biệt thự được xây theo kiến trúc miền Bắc Pháp có từ 1- 3 ống khói tròn, trên đầu có chóp che mưa. Trong khi đó, những căn mang phong cách miền Trung và Nam nước Pháp lại có ống khói tỏa ra bốn phía, có tấm che mưa phía trên. Lò sưởi trong nhà, vừa để trang trí, vừa để sưởi ấm, gắn liền với phòng khách rộng lớn.
Phong cách và ngôn ngữ kiến trúc đều được thiết kế phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Từ phong cách kiến trúc thuộc địa tiền kỳ đơn giản với những cửa cuốn vòm, hành lang bao quanh mặt bằng hình chữ nhật, tiếp đó là phong cách tân cổ điển với những trang trí phong phú sáng tạo, kiểu lợp mái bản thạch và cửa sổ tròn trên mái. Phong cách kiến trúc địa phương Pháp cũng xuất hiện phổ biến ở Đà Lạt, thể hiện rõ qua các kiểu biệt thự. Cuối cùng là phong cách hiện đại chịu ảnh hưởng trào lưu hiện đại Châu Âu 1920-1930. Dù vậy, khi xây dựng, các công trình kiến trúc tại Đà Lạt lại có những nét sáng tạo mới cho phù hợp với thiên nhiên, khí hậu địa phương.
Bí ẩn về căn biệt thự… “lạc loài”
Riêng căn biệt thự cổ tọa lạc tại số 1a và 1b, đường Quang Trung, phường Lâm Viên - Đà Lạt ngày nay là một trường hợp ngoại lệ đặc biệt. Đây là công trình duy nhất mô phỏng kiến trúc xứ Basque của Tây Ban Nha trong hơn 2.000 biệt thự cổ mang phong cách kiến trúc Pháp được xây dựng. Trong căn biệt thự này, kỳ lạ hơn là những bức phù điêu nhuốm đậm sắc màu huyền bí, tâm linh đến nay vẫn chưa có lý giải xác đáng. Một số tài liệu cho biết, căn biệt thự được xây dựng vào năm 1928 nhưng không rõ chủ nhân đầu tiên là ai.
Ấn tượng nhất là công trình được thiết kế theo hình bán nguyệt. Điều này khác hẳn với những căn biệt thự chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi kiến trúc Pháp ở Đà Lạt. Tường được xây hoàn toàn bằng đá chẻ hình vuông, tứ giác và lục giác, tùy vào từng vị trí. Tường đá dày 60 - 80cm, được xây dựng rất tinh tế. Các lò sưởi trong nhà trang trí công phu bằng những đường nét độc đáo.
Ở giữa tòa biệt thự là sảnh lớn, không gian thoáng đãng của mặt trước và mặt sau, phù hợp với việc tổ chức các buổi tiệc tùng đông người. Điểm nhấn kiến trúc là hành lang ba vòm cong bằng đá hình bán nguyệt nối hai khối nhà chính. Điều này không chỉ tạo nên trục trung tâm độc đáo về ánh sáng và khí lưu mà còn là yếu tố hiếm gặp trong kiến trúc Pháp thời bấy giờ.

Các bức phù điêu được trang trí trong căn biệt thự cổ.
Phía ngoài hai đầu được xây dựng gồm tầng hầm, tầng trệt và tầng lầu. Đây là nơi bố trí các phòng khách, phòng ngủ, nhà vệ sinh và các sảnh lớn. Ở mỗi phòng đều có ban công rộng, hướng ra xung quanh. Căn biệt thự có rất nhiều cửa sổ với hình vuông, chữ nhật, tròn, vòm cung, chữ thập… với nhiều kích cỡ khác nhau. Năm 1940, trong một lần nghỉ mát ở Đà Lạt, biệt thự trên lập tức lọt vào mắt Vua Bảo Đại. Với sự nổi tiếng hào phóng, sẵn sàng chi mạnh của mình, không lâu sau, một cuộc đàm phán chuyển nhượng về căn biệt thự này diễn ra. Vua Bảo Đại tặng căn biệt thự độc đáo trên cho người vợ không chính thức, bà Phi Ánh. Đây cũng là nơi nhà vua thường xuyên ghé lại mỗi khi gác chuyện triều chính lên Đà Lạt nghỉ dưỡng. Người Đà Lạt gọi đây là biệt thự Phi Ánh.
Năm 2007, trong lúc trùng tu, các công nhân phát hiện tại phòng khách có tới 8 bức phù điêu liền kề, thoáng nhìn giống những đồng hồ treo tường, nhưng khi cọ rửa sạch thì không nhìn rõ hình thù và không thể lý giải được ý nghĩa. Cũng trong thời gian này, lần lượt 12 bức phù điêu hai mặt, kích thước khác nhau (khoảng 40 x 40 cm đến 40 x 80 cm) dần phát lộ khi nhóm công nhân dùng axít loãng để cọ rửa. Trong biệt thự còn có 4 bức hoa sen cách điệu, một bức có hình hai đầu chim lạ được bố trí ở gần cửa sổ mặt ngoài. Đặc biệt là hai bức phù điêu cô gái Chăm cao khoảng 1,5m, đầu đội mũ vàng hình ba ngọn tháp Chăm, chân quấn ba vòng vàng còn nguyên vẹn được đắp nổi ở phần tường vòm, gần cửa chính của biệt thự.

Không gian bên trong ngôi biệt thự cổ.
Đây chính là điều khác biệt rõ ràng nhất của căn biệt thự này với tất cả những căn biệt thự khác ở Đà Lạt cùng thời. Ngoài khác biệt về phong cách kiến trúc, đó còn là sự khác biệt về yếu tố tinh thần, tâm linh. Điều này lại dấy lên câu hỏi chủ nhân đầu tiên của biệt thự trên là ai? Gần 100 năm đã trôi qua, không có tài liệu nào về tòa biệt thự được lưu trữ, tất cả lý giải đều chỉ dựa trên phỏng đoán. Tuy nhiên, theo chúng tôi, chủ nhân đầu tiên của căn biệt thự có thể là người Pháp, quê ở vùng giáp ranh với Tây Ban Nha. Khi tới Đà Lạt, người này đã đem theo kiến trúc của vùng Địa Trung Hải để xây dựng căn biệt thự trên. Đây là kiến trúc nổi bật với mặt tiền lớn, tạo cảm giác rộng rãi, bề thế và mang đến sự thông thoáng cho không gian bên trong.
Bố cục đối xứng được thể hiện qua cách sắp xếp cân đối của cột trụ, cửa ra vào và các khối nhà, giúp công trình trở nên hài hòa và tinh tế. Ngày nay, phong cách kiến trúc này vẫn được xây dựng phổ biến ở vùng Địa Trung Hải. Các bức phù điêu được trang trí trên tường đá cho thấy chủ nhân của căn biệt thự là người am hiểu về văn hóa Á Đông. Chính sở thích này cũng góp phần tạo nên sự khác biệt lạ thường so với những căn biệt thự khác được xây dựng cùng thời.
Nhiều người ở Đà Lạt vẫn truyền tai nhau một câu chuyện nhuốm màu sắc hoang đường. Sau năm 1975, biệt thự Phi Ánh trở thành “chung cư” của nhiều gia đình, trong đó có bà Nguyễn Thị Phú cùng chồng là ông Bùi Như Gôm. Năm 1982, ông Gôm bỗng mắc bệnh tâm thần. Trong một đêm ông Gôm gặp giấc mơ lạ và bật dậy mang cuốc đến rãnh nước thải trong khuôn viên hì hục đào. Khi đạt độ sâu nửa mét thì phát hiện hai bức tượng không còn nguyên vẹn bị chôn vùi lâu ngày. Sau đó, gia đình bà Phú đã thỉnh hai bức tượng này về một góc vườn để lập miếu thờ.
Kỳ lạ thay, cũng từ đó ông Gôm bỗng nhiên hết bệnh. Hai bức tượng ông Gôm tìm thấy qua giấc mơ có hình dáng tương tự bức phù điêu cô gái Chăm được đắp nổi gần cửa chính của căn biệt thự. Tất nhiên, những lời đồn trên đều không có cơ sở khoa học nhưng vẫn được lan truyền tới ngày nay. Điều đó góp phần làm tăng thêm sự kỳ bí của ngôi biệt thự “lạc loài” này.