'Khát' cả lao động phổ thông
'Khát' lao động chất lượng cao đã đành, song dù nhiều doanh nghiệp đang tuyển dụng số lượng lớn lao động phổ thông, không có bằng cấp, nhưng số lượng người lao động ứng tuyển vào các vị trí này lại rất thấp, không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM (thuộc Sở LĐTB&XH TP.HCM) về nhu cầu người tìm việc, việc tìm người trên cổng thông tin việc làm thành phố trong 5 tháng đầu năm 2024 cho thấy, có 8.568 người lao động tìm việc và có tới 48.837 vị trí tuyển dụng.
Trong đó, doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng hơn 15.000 việc làm dành cho nhóm lao động phổ thông (31,48%), gần 7.000 việc làm dành cho ngành thực phẩm - đồ uống (14,27%) và hơn 7.000 việc làm trong ngành sản xuất da giày - may mặc (14,41%). Ngược lại, chỉ có hơn 2.700 lao động đang tìm việc lao động phổ thông, 257 lao động muốn tìm việc ngành thực phẩm đồ uống và 645 lao động tìm việc da giày - may mặc.
Trái lại, ngành nông, lâm và thủy sản tiếp tục là ngành không có doanh nghiệp nào tuyển dụng dù trung tâm tiếp nhận đến 1.155 lượt tìm việc của lao động ngành này, chiếm đến 13,48% tổng nhu cầu tìm việc. Thực tế, đây là ngành luôn có nhu cầu tuyển dụng rất thấp trong nhiều tháng qua.
Ngoài ra, ngành báo chí và thông tin, ngành kinh tế, ngành luật, sư phạm, giáo dục, tài nguyên, môi trường… cũng có người có nhu cầu tìm việc nhưng các doanh nghiệp và đơn vị sử dụng lao động không tìm lao động mới.
Phân theo trình độ chuyên môn kỹ thuật thì nhu cầu tuyển dụng lao động không bằng cấp của doanh nghiệp chiếm tới 35,76%; có chứng chỉ ngắn hạn dưới 3 tháng chiếm 20,97%; trình độ sơ cấp dưới 12 tháng chiếm 8,67%; trình độ cao đẳng chiếm 10,9% và trình độ đại học trở lên nhu cầu tuyển dụng chỉ chiếm 6,81%.
Trong tháng 6, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM dự kiến tổ chức 10 phiên sàn giao dịch trong đó có 7 phiên sàn giao dịch trực tiếp và trực tuyến tại Trung tâm và các chi nhánh BHTN và 3 phiên sàn giao dịch phối hợp với Phòng LĐTB&XH quận 6, quận 12 và thành phố Thủ Đức nhằm kết nối người lao động với doanh nghiệp.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, trong ngày 4/6, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có rất nhiều công ty treo bảng tuyển dụng lao động phổ thông và lao động có tay nghề. Các tờ tuyển dụng ghi rõ số lượng tuyển, mức lương, vị trí công việc và yêu cầu về trình độ chuyên môn để người lao động dễ tham khảo.
Đơn cử như Công ty Saigon Precision (Khu chế xuất Linh Trung, thành phố Thủ Đức) có nhu cầu tuyển dụng 50 công nhân không yêu cầu kinh nghiệm và bằng cấp vào vị trí vận hành máy CNC, lắp ráp linh kiện điện thoại với mức lương từ 7-10 triệu đồng. Để ứng tuyển, người lao động chỉ cần căn cước công dân và hồ sơ xin việc, ngoài ra công nhân cũng được ứng lương khi khó khăn.
Hay Công ty TNHH Sản xuất thương mại Nam Thiên Long (quận Bình Tân) tuyển dụng 50 nam công nhân lao động phổ thông tuổi từ 18-40 trình độ tốt nghiệp THCS, mức lương dao động từ 7-10 triệu đồng. Ngoài ra, công ty này cũng cam kết đào tạo lại từ đầu miễn phí nếu lao động không có kinh nghiệm, trong giai đoạn thử việc 30 ngày lao động sẽ được hưởng 90% lương chính thức.
Có nhu cầu tuyển dụng 100 lao động phổ thông tuổi từ 18-42, Công ty Cổ phần thực phẩm Cholimex (Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh) cũng đang ráo riết tuyển dụng lao động trong thời gian qua với mức lương từ 9-11 triệu đồng. Công ty này đang có nhu cầu tuyển lao động vào vị trí sơ chế, chế biến các loại thực phẩm đông lạnh như bánh bao, há cảo, chả giò. Người lao động sẽ được đi làm ngay sau khi phỏng vấn.
Thực tế, qua quan sát của phóng viên, các doanh nghiệp hiện đã tung ra nhiều “chiêu” để thu hút lao động phổ thông trong giai đoạn hiện nay. Điển hình là các doanh nghiệp sẽ nêu các phúc lợi được hưởng nếu làm việc như: Hỗ trợ cơm trưa, cơm chiều (nếu tăng ca), bồi dưỡng bằng hiện vật; chế độ đi du lịch nghỉ mát hằng năm; khám sức khỏe định kỳ; khu làm việc có máy lạnh; được tham gia BHXH, BHYT, BHTN đầy đủ, phép năm 14 ngày/năm…
Mặc dù nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp nhiều là vậy, nhưng không ít lao động hiện nay đã không còn mặn mà với nghề công nhân trong các nhà máy - xí nghiệp. Nguyên nhân họ đưa ra là những công việc như vậy có mức lương không cao, không có thăng tiến và dễ bị sa thải nếu công ty gặp vấn đề về tài chính…
Đơn cử như anh Nguyễn Trung Đức (36 tuổi, quê Hà Tĩnh) từng làm công nhân may mặc tại quận 12 suốt 6 năm với mức lương 8 triệu đồng, đến khi doanh nghiệp này gặp khó khăn về đơn hàng, thì anh nằm trong nhóm đầu tiên bị sa thải của công ty. Chính điều này khiến anh ngán ngẩm với nghề công nhân và chuyển hướng sang tự kinh doanh. Hiện nay, anh đang bỏ mối trái cây cho các tiểu thương tại một số khu chợ ở TP.HCM.
“Khi doanh nghiệp cần mình thì họ nói tốt đẹp lắm, nhưng khi làm rồi mới biết thực tế khác rất nhiều. Dù công việc không quá nặng nhọc, nhưng thực tế làm công nhân thu nhập chỉ ở mức đủ sống chứ không thể giúp mình khá giả hơn. Do đó, tôi chuyển hướng ra kinh doanh riêng thay vì làm công nhân như trước, dù nhiều nơi đang gọi tôi về làm việc”, anh Đức chia sẻ.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Điểm (29 tuổi, quê Quảng Bình) cho biết, trước đây chị từng làm công nhân tại nhà máy của Công ty thực phẩm Dân Ôn (Bình Dương) với mức lương khoảng 9-10 triệu đồng. Nhưng sau đó, do khó khăn nên đơn hàng của công ty bị giảm và thu nhập của chị cũng không còn như trước.
Sau đó, chị Điểm phải xin nghỉ việc để chuyển hướng sang bán hàng online. “Làm công nhân gần như không trau dồi thêm được kỹ năng gì hay kiến thức gì, mà chỉ như một cái máy làm theo hướng dẫn, đến hết ngày thì về nhà. Lỡ sau này tuổi cao mà bị sa thải, thì tôi không biết làm gì để sống, nên phải chuyển hướng để tính đường lâu dài”, chị Điểm chia sẻ.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/khat-ca-lao-dong-pho-thong-171779.html