Khát khao xây dựng miền quê đáng sống
Từ nông dân nghèo thành tỷ phú, lan tỏa khát khao thay đổi một miền quê, đi đầu trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu – Đó là dấu ấn đặc biệt trong lòng bà con và cũng là cảm nhận của những ai gặp gỡ ông Nguyễn Văn Cường, bí thư chi bộ kiêm trưởng bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La.
Tỷ phú nông dân trên vùng đất khó
Đứng trên triền đồi rộng thênh thang, nhìn lại thành quả hơn 20 năm vun trồng, chăm sóc, ông Nguyễn Văn Cường, Bí thư chi bộ kiêm trưởng bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La chia sẻ, bản Nghĩa Hưng thành lập từ năm 1964. Và tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Ngày trước, bản khó khăn lắm, chủ yếu thời bao cấp thì trồng chè, sau đó chuyển sang cây ngô, cây sắn... cũng kém hiệu quả; đời sống bà con cũng như gia đình tôi rất chật vật. Sau khi học hỏi, tôi đã chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn sang trồng cây ăn quả có múi, đem lại thu nhập đáng kể cho gia đình.
Từ một nông dân khó khăn như bao hộ gia đình ở Nghĩa Hưng ngày ấy, ông Cường đã vươn lên trở thành triệu phú, rồi tỷ phú. Gia đình hiện có 2 ha trồng cây ăn quả, 6 ha rừng trồng, ngoài ra còn nuôi đàn lợn nái 40 con, hàng năm từ 100 – 200 con lợn thịt; nuôi vài trăm con gia cầm... Thu nhập mỗi năm giao động từ 500 - 600 triệu đến 1 tỷ đồng.
Với kinh nghiệm của người đi trước, làm trước, ông Cường đã tìm cách, lan tỏa tinh thần vượt khó và làm giàu chính đáng cho bà con trong bản. Ông Nguyễn Văn Tiến, người dân bản Nghĩa Hưng cho biết, anh em tôi trong làng này đa số là dân lên khai hoang thôi; được bí thư, trưởng bản hỗ trợ thêm kiến thức, quan tâm các chính sách phù hợp. Gia đình chúng tôi cũng phấn đấu làm ăn, chủ yếu nuôi trâu, bò, ngựa... dao động trên dưới 50 con, thu nhập trừ chi phí cũng được 400 – 600 triệu đồng/ năm.
Vùng đất cằn cỗi với cây ngô, cây sắn làm ra không đủ ăn, đủ mặc nay đã xanh màu cây trái, cùng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Bản Nghĩa Hưng có hơn 120 hộ, thì có 50 hộ chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ. Diện tích trồng ngô từ trên 200 ha giảm xuống còn 60 ha. Cả bản có trên 100 ha rừng trồng, 50 ha cây ăn quả có múi...
Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Cường cùng nông dân ở bản Nghĩa Hưng đã xây dựng một thương hiệu ấn tượng về “trái vàng” trên đất Phù Hoa. Tôi cùng với các thành viên sáng lập HTX trồng cây ăn quả có múi năm 2018. Đến năm 2020, sản phẩm quýt ngọt Nghĩa Hưng của HTX được cấp chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Năm 2022 được vinh danh là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Sơn La. Xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị, đem lại thu nhập cao cho thành viên... Đó là những mục tiêu mà HTX hướng đến, ông Cường thổ lộ.
“Đầu tàu” xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu
Không chỉ trở thành vùng trồng cây ăn quả có múi nổi tiếng, bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi còn là bản đầu tiên của huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu vào tháng 4/2023.
Bức tranh nông thôn được tô điểm bởi những tuyến đường trục bản rộng thênh thang, 100% được đổ bê tông và rải nhựa, hai bên là tường rào bằng cây xanh và hoa rực sắc màu...
Bà Lê Thị Hồng Gấm, người dân bản Nghĩa Hưng chia sẻ, những điều tuy nhỏ, nhưng có ý nghĩa lớn, thể hiện sự quyết tâm, đổi thay của người dân khi xây dựng bản NTM kiểu mẫu. Mấy năm trước, người dân ở đây chưa nỗ lực bảo vệ môi trường, huy động cũng hơi khó. Chi bộ, ban quản lý bản mấy năm nay phải rất nỗ lực, gương mẫu. Có người lãnh đạo gương mẫu thế thì chúng tôi phải noi theo thôi... Nay có nơi gom rác đúng nơi quy định, bản đưa ra quy định, huy động thế nào chúng tôi chấp hành, tham gia đầy đủ.
Sự đồng lòng, đồng thuận ấy bắt nguồn từ tinh thần nêu gương của người đứng đầu ở bản Nghĩa Hưng. Từ việc dễ đến việc khó, ông Nguyễn Văn Cường, bí thư chi bộ kiêm trưởng bản luôn làm gương, làm trước để bà con noi theo.
Cốt lõi là nói phải đi đôi với làm, điểm nào khó khăn vướng mắc mình trực tiếp xuống động viên, chung tay làm thì ý thức bà con nâng lên rất cao. Ví dụ bản Nghĩa Hưng phát triển chăn nuôi phải gắn với việc bảo vệ môi trường. Cho nên gia đình tôi đã chủ động lắp 2 bể biogas, các bể chứa để lắng chất thải, thường xuyên dọn dẹp chuồng trại, khơi thông rãnh suối... rồi tuyên truyền bà con làm theo, ông Cường bộc bạch.
Nhớ lại những ngày đầu triển khai chủ trương xây dựng Nghĩa Hưng thành bản nông thôn mới kiểu mẫu, ông Hà Văn Phương, Bí thư đảng ủy xã Mường Cơi, huyện Phù Yên cho biết, xuất phát điểm của bản rất khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, nhận thức của người dân chưa cao. Ban chỉ đạo của xã xuống họp dân, xin ý kiến dân về chủ trương, đường lối, cách làm, được bà con ủng hộ. Nhất là bí thư chi bộ với quyết tâm cao, phát huy được vai trò của người lãnh đạo ở cơ sở, lan tỏa, vận động người dân vào cuộc một cách tích cực. Đến giờ phút này, bộ mặt nông thôn của Nghĩa Hưng đã đổi thay, cơ sở hạ tầng được đầu tư, nhà cửa khang trang, đường làng ngõ xóm xanh, sạch, đẹp...
Cùng với diện mạo mới, đời sống của bà con Nghĩa Hưng cũng đã đổi thay. 3 năm trở lại đây, bản không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo. Năm 2022, thu nhập bình quân của bà con đạt trên 42 triệu đồng/người/ năm.
Theo gia đình lên Nghĩa Hưng khai hoang từ những năm 1966, chứng kiến đổi thay của mảnh đất này, ông Nguyễn Văn Thuận, người dân trong bản phấn khởi nói: Chúng tôi sẽ cố gắng làm thế nào để giữ được bản NTM kiểu mẫu. Riêng gia đình tôi từ ngày ấy kinh tế mọi mặt cũng đi lên, xóa nghèo rồi. Nói chung là bí thư kiêm trưởng bản đã vào cuộc nhiều năm rồi, sát sao, đôn đốc bà con, tận tình với dân hết lời, hết lòng.
Thắp sáng “ngọn lửa” nêu gương
Xây dựng nông thôn mới không có điểm kết là thông điệp mà ông Nguyễn Văn Cường Bí thư chi bộ kiêm trưởng bản Nghĩa Hưng thường chia sẻ với bà con, cũng là điều mà ông luôn trăn trở: Trăn trở nhất của tôi bây giờ là xây dựng được bản NTM kiểu mẫu đã khó rồi thì tới đây làm sao duy trì, giữ vững, phát triển thêm được. Cũng tuyên truyền bà con, mong bà con đồng tâm, đồng sức, không bằng lòng với những gì đã đạt được mà phải hướng tới những cái nâng cao hơn, ông Cường nói.
Dẫu mọi phần việc, phong trào hoạt động của cấp ủy, chính quyền và người dân trong bản đều bắt nguồn từ tinh thần nêu gương, trách nhiệm và mong muốn cống hiến. Tuy nhiên, ông Cường cho biết, để có thể hướng đến những mục tiêu lớn hơn, các cấp, các ngành cần quan tâm, xem xét chế độ phụ cấp phù hợp với những người thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở. Chế độ phụ cấp với cấp thôn, bản còn rất thấp, nhất là từ khi thực hiện chủ trương bí thư chi bộ đồng thời là trưởng bản cũng tạo ra một số bề bộn công việc. Các đồng chí phụ trách đoàn thể phụ cấp cũng rất thấp, chỉ hơn 100.000 đồng/ người/ tháng. Vậy nên chúng tôi huy động làm việc gì đó thì động viên tinh thần là chính thôi, đã tham gia không nói đến chuyện tiền nong, làm với tinh thần, trách nhiệm với bà con, đã làm thì làm hết mình.
Những thành quả bước đầu trong xây dựng NTM kiểu mẫu ở bản Nghĩa Hưng là động lực để xã Mường Cơi, huyện Phù Yên hiện thực hóa mục tiêu có thêm từ 2 – 3 bản NTM kiểu mẫu; phấn đấu đưa xã đạt chuẩn NTM nâng cao trong nhiệm kỳ này.
Theo Bí thư đảng ủy xã Mường Cơi Hà Văn Phương, cùng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành với các chính sách hỗ trợ bà con và phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đề nghị Đảng, Nhà nước có chủ trương, trước mắt là tạo điều kiện cho người dân về vốn để dân phát triển kinh tế hộ, nhất là mô hình vườn, trang trại; tạo điều kiện cho người dân đi thăm các mô hình kinh tế ở nơi khác để được mở mang, tiếp cận, về áp dụng ở địa phương. Một vài hộ làm được thì chắc chắn các hộ khác sẽ noi theo. Đối với những cán bộ, tập thể, cá nhân nêu gương, làm tốt nên có chính sách động viên, khen thưởng kịp thời, khích lệ để họ có động lực phát huy.
Khi “ngọn lửa” nêu gương được thắp sáng và lan tỏa chắc chắn sẽ có thêm nhiều miền quê đáng sống được dựng xây. Từ đó, những người nông dân sẽ có cuộc sống khấm khá hơn, hạnh phúc hơn trên chính mảnh đất quê hương mình.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/khat-khao-xay-dung-mien-que-dang-song-post1030750.vov