'Khát vàng' cận ngày 'vía' Thần Tài và cảnh báo rủi ro 'mũ vàng'

Theo cảnh báo của nhiều chuyên gia, người dân không nên đổ xô đi mua vàng nhân ngày 'vía' Thần Tài do giá vàng thường bị đẩy lên rất cao.

Cảnh xếp hàng dài chờ mua vàng đã không còn xa lạ mỗi dịp đầu năm mới, nhất là dịp vía Thần Tài.

Cảnh xếp hàng dài chờ mua vàng đã không còn xa lạ mỗi dịp đầu năm mới, nhất là dịp vía Thần Tài.

Thế nhưng, bất chấp giá vàng trong nước tăng liên tục kể từ sau Tết Nguyên đán, rất nhiều người dân vẫn tìm đến vàng để mong vận may.

Giá vàng nhẫn lập kỷ lục mới

Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn tăng với tốc độ chậm hơn thế giới nhưng đều đang ở vùng đỉnh lịch sử.

Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn tăng với tốc độ chậm hơn thế giới nhưng đều đang ở vùng đỉnh lịch sử.

Sáng 6/2, giá vàng trong nước tiếp tục tăng 200.000 đồng/lượng. Giá vàng nhẫn có nơi lên trên mốc 91 triệu đồng/lượng, lập kỷ lục mới ở mức 91,15 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng SJC giao dịch ở mức 88,2 - 91,2 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 200.000 đồng/lượng mỗi chiều so với cuối ngày 5/2.

Thời gian qua, diễn biến tăng giá của vàng nhẫn luôn được dư luận quan tâm. Phiên sáng 6/2, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu đã niêm yết giá vàng nhẫn vượt mốc 91 triệu đồng/lượng. Lần đầu tiên giá vàng nhẫn vượt mốc này, lập mức kỷ lục mới ở mức 91,15 triệu đồng/lượng.

Theo đó, doanh nghiệp này niêm yết giá vàng nhẫn tròn trơn là 88,1 - 91,15 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 100.000 đồng/lượng (mua vào) nhưng tăng 200.000 đồng/lượng (bán ra) so với cuối ngày 5/2. Với diễn biến trên, giá vàng nhẫn đang bám sát giá vàng miếng SJC. Trong khi đó, tại Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng nhẫn loại 1 - 5 chỉ giao dịch là 88,1 - 90,6 triệu đồng/lượng.

Biên độ chênh lệch giá mua vào - bán ra được giãn rộng lên tới 3 triệu đồng/lượng, được các doanh nghiệp cho là để giảm thiểu rủi ro nhưng khiến người mua chịu nhiều thiệt thòi.

Biên độ chênh lệch giá mua vào - bán ra được giãn rộng lên tới 3 triệu đồng/lượng, được các doanh nghiệp cho là để giảm thiểu rủi ro nhưng khiến người mua chịu nhiều thiệt thòi.

Biên độ mua - bán được doanh nghiệp để ở mức rộng, phổ biến là 3 triệu đồng/lượng với vàng miếng SJC và 2,5 - 3 triệu đồng/lượng với vàng nhẫn, có lợi cho các cửa hàng vàng.

Giới chuyên gia tài chính phân tích, nhu cầu trú ẩn của nhà đầu tư trong căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã tiếp tục kéo giá vàng lên kỷ lục mới, tại 2.882 USD/ounce trong chốt phiên giao dịch 5/2. Đến gần 9 giờ sáng 6/2, giá vàng giao dịch tại mức 2.870,6 USD/ounce, quy đổi thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 3,2 triệu đồng/lượng. Chốt phiên giao dịch 5/2, giá vàng thế giới giao ngay tăng 23 USD lên 2.866 USD một ounce. Trong phiên, giá có thời điểm lập đỉnh mới tại 2.882 USD.

Giá vàng tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn từ bất ổn thương mại. Việc Mỹ áp thuế nhập khẩu với Trung Quốc và Trung Quốc trả đũa gần như ngay lập tức khiến nhu cầu mua vàng trú ẩn thống trị thị trường

Tại thị trường trong nước gần đây, mặc dù giá vàng trong nước luôn lập đỉnh do ảnh hưởng của giá vàng thế giới và nhu cầu trong nước tăng mạnh. Nhiều người dân vẫn xếp hàng mua vàng để mong cầu may, nhân ngày ‘vía’ Thầy Tài. Theo quan sát của phóng viên báo Tin tức, nhu cầu mua và bán tăng nhưng phần nhiều là người mua vàng, cầu lớn hơn cung nên giá vàng càng bị đẩy lên.

Cảnh báo rủi ro “mũ vàng”

Ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính Ngân hàng - Đại học Nguyễn Trãi.

Ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính Ngân hàng - Đại học Nguyễn Trãi.

Trao đổi với phóng báo Tin tức sáng 6/2, ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính Ngân hàng - Đại học Nguyễn Trãi nêu cảnh báo rủi ro “mũ vàng”, nhất là những trường hợp “lướt sóng” nhân ngày “vía” Thần Tài.

“'Mũ vàng’ là thuật ngữ chỉ hiện tượng giá vàng tăng vọt do nhu cầu mua cao vào một thời điểm nhất định, thường là ngày ‘vía’ Thần Tài, nhưng ngay sau đó, giá giảm mạnh khi nhu cầu nguội. Điều này thường xảy ra do tâm lý mua vàng lấy may của người dân khiến giá tăng đột biến trong ngắn hạn”, ông Nguyễn Quang Huy cho biết.

Do cầu tăng nên các tổ chức, cá nhân đầu cơ đã đẩy giá lên, sau đó bán ra khi nhu cầu giảm, gây thua lỗ cho nhà đầu tư nhỏ lẻ. Chưa kể, các cửa hàng kinh doanh vàng thường để chênh lệch giá mua – bán quá cao trong ngày ‘vía’ Thần Tài khiến người mua lỗ ngay khi vừa sở hữu vàng”, ông Nguyễn Quang Huy nhận định.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Quang Huy, giá vàng biến động không theo quy luật ngắn hạn nên lướt sóng vàng tiềm ẩn rủi ro cao; phí chênh lệch mua – bán lớn khiến nhà đầu tư dễ mất lợi thế nếu thị trường điều chỉnh. Đó là chưa kể rủi ro chính sách, tức là phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể can thiệp thị trường bất cứ lúc nào, làm đảo chiều xu hướng giá.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính trao đổi với phóng viên báo Tin tức.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính trao đổi với phóng viên báo Tin tức.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu dự đoán, giá vàng thế giới và Việt Nam còn tiếp tục tăng trong thời gian tới do các nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn an toàn trước những xung đột thương mai giữa Mỹ và các quốc gia Trung Quốc, Canada và Mexico.

“Các nhà đầu tư Việt Nam nên cẩn thận vì NHNN vẫn muốn kìm hãm giá vàng miếng. Đối với người dân, không nên mua vàng trước hay trong ngày Thần Tài để mong cầu may. Đây là hình thức mê tín dị đoan, người dân đang tin tưởng vô căn cứ. Giá vàng được dự báo sẽ rớt mạnh sau ngày Thần Tài”, ông Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ với phóng viên báo Tin tức.

Với mức chênh lệch mua vào - bán ra trong ngày này thường bị đẩy lên ngưỡng rất cao, nhiều nhà đầu tư vàng “lướt sóng” có thể bị lỗ nên theo TS Nguyễn Trí Hiếu, người mua vàng hết sức cẩn trọng. “Người mua phải chú ý chọn cửa hàng có uy tín, đảm bảo chất lượng, cần lấy hóa đơn đầy đủ vì đây là giấy tờ chứng thực giao dịch sản phẩm vàng chất lượng", ông Nguyễn Trí Hiếu tư vấn.

Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh cho biết thêm, nhiều năm qua dù giá vàng tăng cao nhưng người mua chỉ có lãi khi giữ vài tháng đến một năm. Còn nếu "lướt sóng" hoặc chỉ giữ trong ngắn hạn, vàng vẫn giảm giá, cộng thêm chênh lệch giá mua và giá bán trong dịp này bị đẩy lên cao đến hơn 3 triệu đồng/lượng, người mua không có lãi, thậm chí bị lỗ.

Nhiều chuyên gia đưa ra lời khuyên, đầu tư vàng nên có chiến lược dài hạn, tránh đầu cơ theo phong trào. Chiến lược đầu tư khôn ngoan là đa dạng hóa danh mục, tận dụng cơ hội.

Để tránh tình trạng đầu cơ và biến động giá mạnh, chuyên gia Nguyễn Quang Huy đề xuất NHNN có thể thực hiện các biện pháp như: Điều tiết nguồn cung vàng bằng cách bán vàng dự trữ, giảm bớt áp lực tăng giá; kiểm soát chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, tránh tình trạng vàng trong nước cao hơn quá nhiều so với quốc tế, gây tâm lý đầu cơ; siết chặt quản lý thị trường vàng, tránh tình trạng “sốt vàng” làm méo mó thị trường tài chính.

Những nguyên tắc vàng khi đầu tư vào vàng được nhiều chuyên gia tài chính đưa ra:

• Không “all-in” vào vàng: Hãy phân bổ tài sản hợp lý, không nên dồn toàn bộ vốn vào vàng.

• Tận dụng các nhịp điều chỉnh để mua vào thay vì chạy theo cơn sốt giá.

• Theo dõi chặt chẽ chính sách tiền tệ từ Cục Dự trữ Liên bang (Fed), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và NHNN để ra quyết định hợp lý. Cân nhắc kênh đầu tư thay thế:

• Chứng khoán, bất động sản, công nghệ là những lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng dài hạn cao hơn so với vàng.

• Đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn nền kinh tế đang phục hồi có thể mang lại lợi nhuận tốt hơn.

Tiến sỹ Nguyễn Thức - Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch):

Hiện tượng tâm lý “khát vàng”, “săn vàng” bất chấp rủi ro trong ngày “vía” Thần Tài mong lấy khước cầu may ở một bộ phận dân chúng gần đây, vô tình tạo cơ hội cho một số doanh nghiệp lợi dụng kích cầu, thổi giá kinh danh vàng trục lợi, gây bất ổn thị trường như truyền thông, báo chí đã đưa tin.

Bài, chùm ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/khat-vang-can-ngay-via-than-tai-va-canh-bao-rui-ro-mu-vang-20250206102656277.htm