Khát vọng cống hiến cho quê hương
Tiếng nói tâm huyết
Sinh sống, học tập và làm việc tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn sáu triệu người Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò, vị thế và uy tín trong xã hội sở tại. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đóng vai trò là cầu nối, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và quốc gia sở tại. Với nhiều hoạt động hướng về quê hương, người Việt Nam ở nước ngoài phát huy vai trò là nguồn lực quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, trong hơn 30 năm qua, tổng lượng kiều hối chuyển về nước đạt hơn 200 tỷ USD. Bên cạnh đó, còn rất nhiều đóng góp quan trọng, quý giá.
Cùng với mong muốn không ngừng đóng góp cho quê hương giàu mạnh, người Việt Nam ở nước ngoài cũng mang nhiều tâm tư, nguyện vọng. Những điều này được nêu bật tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ IV và Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 diễn ra mới đây tại Hà Nội. Từ khắp các châu lục, hơn 400 kiều bào tham dự mang theo tình cảm và tiếng nói tâm huyết của mình đối với đất nước.
Nhiều chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đã đạt được những thành tựu xuất sắc trong nhiều lĩnh vực, được vinh danh tại các giải thưởng quốc tế. Đây là niềm tự hào và cũng là nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Cũng bởi vậy, việc tăng cường kết nối chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài được nhiều đại biểu tham dự hội nghị và diễn đàn nhấn mạnh. Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu Hoàng Đình Thắng mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục có các chính sách trọng dụng nhân tài kiều bào. Theo đó, cần tổ chức các hoạt động kết nối mạng lưới trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với các cơ quan, địa phương trong nước; các diễn đàn quy mô lớn cho chuyên gia, trí thức kiều bào bày tỏ sáng kiến, đề xuất.
Việt Nam đã đạt được những bước tiến rõ rệt trong nỗ lực chuyển đổi số. Để có thể đẩy nhanh tiến trình này, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng, Việt Nam cần có chiến lược phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo với hạ tầng kỹ thuật số hiện đại, đặt tại các thành phố lớn và vùng kinh tế trọng điểm, nơi các công ty công nghệ có thể tương tác, chia sẻ tri thức và hợp tác nghiên cứu. Việt Nam cần tạo cơ chế ưu đãi đặc biệt cho những dự án hạ tầng dữ liệu quốc gia, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), ngành bán dẫn, thúc đẩy các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này không chỉ giúp tăng cường năng lực của quốc gia trong lĩnh vực công nghệ mà còn mang đến nguồn vốn và tri thức quốc tế cho quá trình chuyển đổi số.
Giữ gìn, phát huy và quảng bá những giá trị văn hóa của Việt Nam, cũng như duy trì và lan tỏa tiếng Việt cũng là điều được các cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đặc biệt quan tâm. Bà Văn Hương Phênh Khăm May, Hiệu trưởng Trường Song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du tại Lào cho biết, khoảng 1.000 học sinh của trường, trong đó một phần ba là con em người Việt, không chỉ được học tiếng Việt, mà còn học lịch sử, văn hóa của Việt Nam. Mỗi người Việt Nam ở nước ngoài đều là một sứ giả văn hóa, góp phần lan tỏa, quảng bá nền văn hóa nghìn năm văn hiến của Việt Nam. Cùng quan điểm này, nhiều kiều bào ở nhiều nước cho rằng, cần tăng cường tổ chức các lớp học tiếng Việt, cử thêm giáo viên dạy tiếng Việt, hỗ trợ giáo trình, tài liệu, giáo cụ cho con em kiều bào; tổ chức thêm nhiều sự kiện văn hóa, văn nghệ ở nước ngoài để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Thông qua hội nghị và diễn đàn vừa qua, đại diện các cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có cơ hội bày tỏ những ý kiến, đề xuất quý báu về nhiều vấn đề, như phát triển công nghệ cao, thúc đẩy kinh tế-thương mại-đầu tư, tăng cường đại đoàn kết dân tộc, điều chỉnh chính sách, pháp luật… Các cộng đồng đều khẳng định tiếp tục định hướng cho các thế hệ con em tiếp bước cha anh chung tay xây dựng quê hương.
Nguồn lực phát triển
Với chủ trương nhất quán, xuyên suốt, Đảng và Nhà nước luôn khẳng định, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc. Điều này đã được nêu rõ trong Nghị quyết số 36, Chỉ thị số 45 và Kết luận số 12 về công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi người dân, trong đó có đồng bào ta ở nước ngoài, công tác người Việt Nam ở nước ngoài đạt được những kết quả toàn diện, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Nhằm nỗ lực triển khai và cụ thể hóa những quan điểm, chủ trương của Đảng, Bộ Ngoại giao phối hợp các ban, bộ, ngành, địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động ý nghĩa, thiết thực như chương trình Xuân Quê hương, đoàn kiều bào dự Giỗ Tổ Hùng Vương, Trại hè Việt Nam, Ngày Tôn vinh tiếng Việt, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới… Những hoạt động này góp phần vun đắp tình cảm của các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài với quê hương, từ đó thổi bùng khát khao được chung tay góp sức cho đất nước.
Với chủ đề “Người Việt Nam ở nước ngoài chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước”, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ IV kỳ vọng góp phần nâng tầm công tác người Việt Nam ở nước ngoài, phù hợp yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của bà con.
Với sự tham dự của đông đảo kiều bào từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới những lần trước đã tạo diễn đàn trao đổi chuyên sâu giữa kiều bào với trong nước về những vấn đề mang tính chiến lược trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và các nội dung liên quan cộng đồng. Những kiến nghị chính sách của kiều bào đã được các cơ quan chức năng tiếp nhận, nghiên cứu và chuyển hóa thành các chính sách, quy định pháp luật. Điều này có thể thấy rõ qua hàng loạt những chính sách mới trong lĩnh vực căn cước, đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản… đã được ban hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho bà con về nước sinh sống, làm việc, đầu tư, kinh doanh.
Với chủ đề “Người Việt Nam ở nước ngoài chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước”, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ IV kỳ vọng góp phần nâng tầm công tác người Việt Nam ở nước ngoài, phù hợp yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của bà con.
Việt Nam đang nỗ lực thực hiện thắng lợi những mục tiêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phấn đấu trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Để đạt được những mục tiêu quan trọng này, sự đóng góp của đồng bào ta ở nước ngoài là không thể thiếu. Tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ IV, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng bày tỏ hy vọng rằng, bà con tiếp tục phát huy truyền thống tương thân, tương ái, tuân thủ pháp luật và hội nhập tích cực, đóng góp vào sự phát triển của nước sở tại, đồng thời luôn hướng về quê hương, tiếp tục đóng góp tâm huyết, trí, lực cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/khat-vong-cong-hien-cho-que-huong-5019702.html