Khát vọng đưa hồ Thanh Long thành Khu du lịch quốc gia
Với mục tiêu xây dựng khu vực hồ Thanh Long thành khu du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, sinh thái mang tầm cỡ quốc gia, tỉnh Hải Dương đã lên ý tưởng quy hoạch và đề xuất chủ trương đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái hồ Thanh Long với mong muốn khi được đưa vào sử dụng sẽ cải tạo cảnh quan khu vực, đặc biệt là điểm kết nối, làm nổi bật Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc.
Tiềm năng lớn chưa được khai phá
Hồ Thanh Long thuộc địa phận các xã Hưng Đạo, Lê Lợi (TP Chí Linh) và một phần xã Đan Hội (huyện Lục Nam, Bắc Giang), trong khu vực Khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc. Hồ Thanh Long có diện tích trên 1.200ha là vùng đất trũng ở hạ lưu Ngòi Mô (sông An Mô), tạo thành hồ nước lớn.
Lịch sử ghi lại ở thế kỷ XIII, Hưng Đạo Vương xây dựng căn cứ quân sự Vạn Kiếp chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, khu vực hồ Thanh Long là nơi tập kết thuyền chiến, luyện thủy binh, các làng xóm quanh hồ là những căn cứ hậu cần của đại bản doanh Vạn Kiếp.
Hằng năm, từ tháng 6 - 11 âm lịch, nước mưa thượng nguồn đổ về lòng hồ rộng lớn, mênh mông giúp các loài tôm, cá sinh sôi. Trong đó, nổi tiếng là cá chép lưng gù, chạch chấu, cá trắm đen... Cuối thu sang đông khi nước hồ rút (tháng 10, 11 âm lịch), các loại chim, cò, sâm cầm, le le, vịt trời... hàng đàn bay về ăn cá, tôm. Tận dụng khi nước cạn, Nhân dân quanh vùng cấy được một vụ lúa chiêm (từ tháng 1 - 6 âm lịch).
Hiện nay, một phần diện tích canh tác lúa 1 vụ bấp bênh, nguồn thủy sản tự nhiên được chính quyền giao khoán cho Nhân dân. Hệ thống di tích tại đây xuống cấp, nhiều năm chưa được trùng tu, tôn tạo, cảnh quan thiên nhiên chưa được quy hoạch nên việc khai thác chưa hiệu quả.
Dự án Khu du lịch sinh thái hồ Thanh Long dự kiến có tổng diện tích khoảng 1.502ha bao gồm các hạng mục xây dựng, tôn tạo tháp thờ Phật, tháp chuông… với tâm điểm là 3 ngọn tháp ở hồ Tam Tôn, nối với nhau bằng hệ thống đường ngầm dưới lòng hồ. Trên các đảo nổi trong lòng hồ, tôn tạo xây dựng chùa Thanh Long thành ngôi chùa lớn để thu hút khách du lịch.
Khi dự án được triển khai hứa hẹn tạo nguồn lợi kinh tế lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho Nhân dân địa phương, đồng thời sẽ giải quyết được các tiêu chí còn thiếu như: cơ sở hạ tầng, lưu trú, vui chơi giải trí, mua sắm… để đưa khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc trở thành khu du lịch quốc gia.
Kỳ vọng khu du lịch sinh thái mang tầm quốc gia
Theo đúng quy hoạch phân khu trước đây, khu vực hồ Thanh Long thuộc phân khu khai thác đặc biệt của Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc.
Tuy nhiên đến nay, tỉnh Hải Dương đang đề xuất điều chỉnh lại quy hoạch chung di tích này cho phù hợp xu thế và tạo điều kiện phát triển riêng biệt cho Khu du lịch sinh thái hồ Thanh Long.
Theo đó, Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương đến năm 2040 đã định hướng phát triển khu vực hồ Thanh Long trở thành Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.
Đồng thời, tại văn bản ngày 15/3/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có ý kiến đối với kiến nghị, đề xuất của UBND tỉnh Hải Dương. Theo đó, riêng về Khu du lịch sinh thái hồ Thanh Long, Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao UBND tỉnh Hải Dương chủ động phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Bộ, ngành liên quan triển khai các bước cần thiết theo đúng quy trình, thủ tục để đầu tư, phát triển khu vực hồ Thanh Long.
Theo báo cáo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đề cử cùng với quần thể di tích, danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh), Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) đệ trình UNESCO công nhận là di sản thế giới với ranh giới bảo vệ 838,66ha, không có diện tích hồ Thanh Long. Khu vực hồ Thanh Long chỉ là không gian cảnh quan, bổ trợ và làm phong phú thêm quần thể di sản. Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định vùng phát triển du lịch hồ Thanh Long có diện tích 1.380ha. Đây là khu vực đã nằm trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và là dự án trọng điểm, ưu tiên thu hút đầu tư.