Khát vọng giúp bà con dân tộc thiểu số vùng biên xóa đói giảm nghèo

Có duyên với những vùng đất giáp biên, chị Đỗ Thị Nhung đã nhiều năm liên tục kết nối từ thiện, tạo kế sinh nhai cho đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn.

Có duyên với đồng bào vùng biên giới

Từ nhân viên kế toán của một bệnh viện ở TP.HCM, chị Đỗ Thị Nhung (nhóm từ thiện Phước Hạnh) đã bỏ ngang công việc để chuyển sang làm tự do. Trực tiếp tới những vùng biên giới, nơi đồng bào dân tộc thiểu số vô cùng khó khăn, càng khiến chị muốn gắn bó, giúp đỡ họ.

Theo chị Nhung, thời gian đầu, chị chủ yếu kêu gọi bạn bè, đồng nghiệp góp tiền hỗ trợ đồng bào. Sau này, chị thành lập nhóm từ thiện Phước Hạnh với sự tham gia của nhiều người, có sự lan tỏa trong cộng đồng.

Chị từng kêu gọi làm đường bê tông cho trẻ em nghèo đến trường ở Quảng Nam, đưa các chương trình tầm soát ung thư cho phụ nữ về vùng sâu, vùng xa. Trong các chuyến đi từ thiện, khi gặp người dân mắc bệnh trọng, khó khăn, không thể về thành phố chữa bệnh, chị Nhung sẽ vận động các mạnh thường quân cùng giúp đỡ. Cứ như vậy, hơn 10 năm nay chị như con thoi đi lại giữa các vùng biên giới từ Thanh Hóa tới các tỉnh ở Bắc Trung bộ.

Chị Nhung chia sẻ với phóng viên VietNamNet rằng bà con khó khăn quá mà sức người có hạn. Chị đến các cơ sở khảo sát, bà con khó khăn ở đâu, thiếu gì chị lại tìm các nguồn hỗ trợ. Tuy nhiên, chị cũng cho rằng mình không thể đi từ thiện lo áo ấm, chăn ấm, phát quà cho bà con mãi nên đã tìm đủ mọi cách để tạo kế sinh nhai cho họ.

Tại xã Tén Tằn, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, chị Nhung và bạn bè đã kết nối lại với nhau tặng bà con hạt để trồng hướng dương tạo thành các vườn hoa có thể phát triển du lịch. Mô hình đã thu hút nhiều chị em phụ nữ trong xã tham gia. Mọi người vô cùng mong đợi những vườn hoa hướng dương khoe sắc, đón du khách ở nhiều nơi tới xã vùng biên này.

Trước đây, khu vực quanh đồn biên phòng Tén Tằn người dân chỉ trồng lúa với năng suất thấp. Đời sống người dân khó khăn nên việc đưa những cây trồng mới tới đây sẽ giúp vùng biên khởi sắc hơn.

Những đứa trẻ ở miền núi Nghệ An cầm can đi lấy nước về trường dùng. Ảnh: NVCC

Những đứa trẻ ở miền núi Nghệ An cầm can đi lấy nước về trường dùng. Ảnh: NVCC

Năm 2022, chị Nhung và nhóm Thiện sinh Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) còn tặng cho bà con tại xã Mường Chanh (huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) 500 cây trám đen cho 10 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn với hi vọng sẽ giúp bà con thoát nghèo. Hiện nay quả trám đen được bán với giá từ 70 – 130 nghìn đồng/kg và chỉ vài ba năm là cây trám có thể cho thu hoạch.

Gia đình anh Lộc Văn Mốc (trú tại bản Na Hin, xã Mường Chanh, huyện Mường Lát; người dân tộc Thái) là hộ nghèo. Khi nhận 50 cây trám về trồng, anh Mốc rất xúc động và hi vọng nó sẽ giúp gia đình có thêm thu nhập trong tương lai.

Anh Mốc cho biết bản thân anh cũng chưa nghe thấy cây trám nhưng khi được mọi người cho xem hình ảnh của cây trám và các thông tin về cây trám đen thì cả gia đình anh đều cố gắng trồng, chăm sóc cây để được thu hoạch quả.

Theo chị Nhung, vì bà con chưa có kỹ thuật trồng và chăm cây trám nên nhóm đã liên hệ với đồn biên phòng Quang Chiểu (Thanh Hóa) hỗ trợ bà con chăm bón để cây có thể mang lại kinh tế.

Mong ước "nước sạch cho em"

Không chỉ giúp đỡ bà con dân tộc có cái ăn, cái mặc, chị Nhung còn làm cầu nối kêu gọi nhiều mạnh thường quân hỗ trợ khoan giếng cho các trường học ở vùng biên giới các huyện Mường Lát (Thanh Hóa), Kỳ Sơn, Tương Dương (Nghệ An)…

Chị Nhung cho biết, ở vùng biên giới phía Tây của Tổ quốc, tình trạng khan hiếm nước sạch thường xuyên diễn ra nhất là mùa khô. Tại nhiều điểm trường, học sinh, thầy cô giáo không có nước sạch để dùng. Nguồn nước dẫn từ suối đều phụ thuộc vào thời tiết. Học sinh học nội trú 1 tuần mới về gia đình 1 lần nên nước sạch ở trường vô cùng quan trọng.

Theo chị Nhung, đói có thể chịu được, rét đốt đống lửa sưởi ấm nhưng khát không ai chịu được. Nhìn học sinh mang can đi xa thật xa ra suối xách từng can nước nhỏ về sinh hoạt, có đêm 2h sáng thầy cô giáo phải đi canh từng chút nước rỉ ra từ khe núi để mang về trường sinh hoạt... chị Nhung càng khao khát dự án nước sạch nơi biên cương.

Từ đó, chị và nhóm từ thiện Phước Hạnh đã vận động, kêu gọi các mạnh thường quân, nhà hảo tâm triển khai khoan giếng nước sạch cho các trường tiểu học, mầm non ở nhiều huyện vùng biên giới. Với chị, nước sạch góp phần giúp cho sự phát triển tốt nhất về thể chất, trí tuệ cho trẻ... Mỗi giếng khoan có độ sâu từ 70 - 90m, kinh phí để khoan thành công mỗi giếng từ 40 - 60 triệu đồng.

Trong năm 2023, chị Nhung đã kết nối Bộ Đội biên phòng tỉnh Nghệ An và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An kêu gọi các mạnh thường quân, nhà hảo tâm triển khai khoan giếng nước sạch với chủ đề “Nước sạch cho em”. Chương trình đến nay đã khoan được 68 giếng tặng cho các điểm trường và các đồn biên phòng tại hai huyện Kỳ Sơn và Tương Dương, tỉnh Nghệ An.

Khánh Chi

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/khat-vong-giup-ba-con-dan-toc-thieu-so-vung-bien-xoa-doi-giam-ngheo-2195870.html