Khát vọng nâng tầm giá trị nông sản
Những năm gần đây, Bình Phước đã và đang trở thành tỉnh có nền kinh tế trẻ, năng động trong khu vực Đông Nam Bộ. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh ngày càng đúng xu hướng phát triển của vùng. Từ đó tạo sự liên kết chặt chẽ, trở thành thành phần kinh tế không thể thiếu trong khu vực. Ngoài sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp, dịch vụ thì nông nghiệp được xem là trụ cột kinh tế vững chắc, có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và khu vực nói chung.
Trụ đỡ kinh tế quan trọng
Với tầm quan trọng về vị trí địa chính trị trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, lợi thế không gian, quỹ đất so với các tỉnh, thành lân cận trong khu vực Đông Nam Bộ, tỉnh Bình Phước dần trở thành một nhân tố quan trọng trong hệ thống địa phương vệ tinh của nền kinh tế đầu tàu TP. Hồ Chí Minh và khu vực Tây Nguyên.
Xác định nông nghiệp là một trong các trụ cột chính trong hệ thống kinh tế của tỉnh, những năm gần đây, Bình Phước triển khai đồng bộ chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Cùng với đẩy mạnh cơ cấu lại ngành đi vào thực chất, hiệu quả hơn, chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, quy mô và trình độ sản xuất nông nghiệp hàng hóa được nâng cao trên cơ sở phát huy các lợi thế vùng, miền, chuyển dịch theo hướng hiện đại.
Đến nay, ngành nông nghiệp của Bình Phước tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế. Giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản năm 2022 đạt hơn 34 tỷ 599 triệu đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2021. Giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 16 tỷ 421 triệu đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2022. Toàn tỉnh hiện có 226 hợp tác xã (HTX), 86 tổ hợp tác đăng ký hoạt động và có 495 trang trại hoạt động về lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Đến nay, toàn tỉnh có 96 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao, 4 sao và đã có 3 sản phẩm OCOP 5 sao. Qua đó, giúp tạo ra sản phẩm chất lượng, xây dựng chuỗi sản phẩm có giá trị.
Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo chuỗi liên kết, Bình Phước còn tập trung xúc tiến thương mại, chú trọng liên kết vùng, mở rộng thị trường để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bình Phước đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 20% trang trại, doanh nghiệp (DN) với khoảng 5-7 sản phẩm được số hóa; các xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm số hóa phải có 100% sản phẩm OCOP được số hóa.
Mở rộng thị trường, thúc đẩy liên kết vùng
Thời gian qua, tỉnh Bình Phước và TP. Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ kết nối cung - cầu, tạo điều kiện cho DN gặp gỡ, tìm hiểu, ký kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ, tư vấn và tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa của tỉnh Bình Phước đi vào hệ thống các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích của TP. Hồ Chí Minh đạt nhiều kết quả khả quan.
Đến nay, các DN Bình Phước và DN các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ đã ký kết với 33 DN phân phối của TP. Hồ Chí Minh về kết nối cung - cầu, tiêu thụ nông sản chủ lực của địa phương. Các tỉnh và DN trong quá trình liên kết phát triển phải tạo lập được không gian kinh tế chung cho tăng trưởng của toàn vùng và của TP. Hồ Chí Minh; phát huy tốt nhất lợi thế từng địa phương và của vùng. Các địa phương đã xác định trọng tâm, trọng điểm; trong đó ưu tiên tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu của địa phương, DN có lợi thế để tạo môi trường thuận lợi và tiền đề cho sự phát triển chung của cả vùng. Cụ thể là các lĩnh vực hợp tác phát triển nông nghiệp, thương mại, dịch vụ.
Là DN trẻ, Công ty TNHH Vinahe ở TX. Phước Long đã có nhiều đột phá mạnh mẽ. Giám đốc công ty Nguyễn Hoàng Đạt cho biết: Để tồn tại trong thời kỳ khó khăn, Công ty TNHH Vinahe nói riêng và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước nói chung không thể tách rời cộng đồng DN trong khu vực Đông Nam Bộ. Vì đây là thị phần kinh tế lớn trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Thông qua các chương trình hợp tác cung - cầu đã thúc đẩy sự phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Đến nay, Công ty TNHH Vinahe đã có 6 dòng sản phẩm hạt điều, trong đó có 5 sản phẩm đạt OCOP 4 sao. Những sản phẩm hạt điều của Vinahe đã hiện diện ở các siêu thị lớn tại TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành trên cả nước và đã xuất khẩu sang các thị trường lớn, khó tính trên thế giới.
Bình Phước hiện có 206 dự án của các nhà đầu tư đến từ TP. Hồ Chí Minh, với số vốn đăng ký 19.739 tỷ đồng; có 2 siêu thị Co.opmart tại TP. Đồng Xoài và huyện Đồng Phú, có 71 cửa hàng tiện ích Bách Hóa Xanh ở 11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Điều đó khẳng định, Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Bình Phước với TP. Hồ Chí Minh rất có hiệu quả, góp phần tăng thu ngân sách và giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong nhiều năm qua.
“Chất keo kết dính”
Với khát vọng phát triển mạnh mẽ, thời gian qua, tỉnh Bình Phước đã chủ động kết nối giao thương trong khu vực. Nhờ đó, nhiều DN, hợp tác xã, đơn vị kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh có hướng sản xuất, chế biến phù hợp nhu cầu thị trường khu vực hiện nay.
Ông Vũ Mạnh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Hạt Điều Vàng, Giám đốc HTX nông nghiệp sạch Hòa Phú, huyện Phú Riềng cho biết: Công ty đã xây dựng được vùng nguyên liệu sạch, ổn định về diện tích với hơn 300 ha. HTX hoạt động theo mô hình nông nghiệp kiểu mới, hiệu quả gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Tất cả thành viên HTX cam kết sản xuất sạch, sau đó hướng tới sản phẩm Organic. Nhờ hướng đi đúng đắn này công ty đã tìm được cơ hội phát triển trong liên kết vùng và đưa ra thị trường 8 sản phẩm chế biến chuyên sâu từ hạt điều Bình Phước. Các sản phẩm của công ty đã có mặt tại thị trường các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ và vươn ra thị trường thế giới. Trung bình mỗi năm, công ty bán từ 100-150 ngàn túi sản phẩm ra thị trường trong nước và quốc tế.
Đến nay, Bình Phước đã cấp 19 mã số vùng trồng với diện tích 1.997,8 ha; sản lượng khoảng 223.539 tấn/năm. Hiện trên địa bàn tỉnh có 84 HTX nông, lâm nghiệp tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị và cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng tiện lợi; có 22 HTX ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất, trong đó có 18 HTX nông nghiệp đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, RA, Organic… Các đơn vị sản xuất đã bước đầu kết nối, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Đồng thời các nhà nông, DN chủ động đưa sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử.
Việc chú trọng thúc đẩy liên kết vùng giúp Bình Phước chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế. Đây là chất keo gắn kết nền kinh tế của Bình Phước với các tỉnh, thành lân cận với vai trò vệ tinh trong phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ. Khi các địa phương, DN liên kết lại sẽ tạo nên không gian rộng lớn để cùng phát triển, xứng tầm khu vực đầu tàu kinh tế phía Nam, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế thế mạnh của từng tỉnh, thành.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/146724/khat-vong-nang-tam-gia-tri-nong-san