Khát vọng phát triển luôn rực cháy
Trong 60 năm xây dựng và phát triển (1963-2023), hơn 35 năm đổi mới, từ một tỉnh chỉ có khai thác than, đời sống của nhân dân còn khó khăn, Quảng Ninh ngày nay đã vươn lên thành một địa phương năng động, phát triển về mọi mặt. Thành tựu đó là quá trình hiện thực hóa đường lối đổi mới của Đảng trên Đất mỏ anh hùng; là truyền thống bất khuất, tinh thần kỷ luật và đồng tâm của những người công nhân mỏ. Đó cũng chính là nền tảng quan trọng trên hành trình xây dựng Quảng Ninh thành một tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ - công nghiệp hiện đại, là cực phát triển của miền Bắc và cả nước.
Từ truyền thống bất khuất của Vùng mỏ
Nằm nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc, Quảng Ninh từ lâu được ví như một “Việt Nam thu nhỏ” vì có cả biển, đảo, đồng bằng, trung du, đồi núi và biên giới trên đất liền, trên biển. Cùng với đó, Quảng Ninh cũng được thiên nhiên ưu đãi với nhiều tài nguyên khoáng sản cùng tiềm năng lớn về cảnh quan... Nơi đây còn là vùng đất có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, một trong những cái nôi của người Việt cổ và là nơi có nhiều di tích lịch sử gắn với quá trình dựng nước, giữ nước vẻ vang của dân tộc.
Trải qua những thăng trầm lịch sử, với rất nhiều tên gọi khác nhau đến thời Pháp thuộc được đặt tên là Quảng Yên và Hải Ninh. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến hòa bình lập lại năm 1954, tỉnh Quảng Yên và Đặc khu Hòn Gai hợp nhất thành khu Hồng Quảng. Ngày 30-10-1963, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa II, kỳ họp thứ 7 phê chuẩn việc hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành một đơn vị hành chính mới lấy tên là Quảng Ninh.
Sau ngày thành lập tỉnh, mặc dù công việc còn rất bề bộn, nhưng Quảng Ninh đã phải đối mặt ngay với cuộc chiến tranh phá hoại leo thang đánh phá miền Bắc của đế quốc Mỹ. Điển hình là trận chiến thử lửa đầu tiên ngày 5-8-1964 đã đi vào lịch sử. Lực lượng dân quân tự vệ thị xã Hồng Gai đã phối hợp với các đơn vị bộ đội hải quân, pháo cao xạ đánh trả quyết liệt, bắn rơi 3 máy bay phản lực Mỹ, bắt sống 1 phi công. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người đã có mặt tại Hồng Gai ngày 5-8-1964, sau này nhớ lại đã viết: “Tôi đã tận mắt chứng kiến trận chiến đấu oanh liệt của các đơn vị pháo cao xạ, tàu hải quân, dân quân, tự vệ, công an vũ trang và nhân dân Hồng Gai chiều ngày 5-8-1964 giáng trả không quân Mỹ đến gây tội ác tại đây. Ba máy bay phản lực bị bắn rơi, 1 giặc lái Mỹ bị bắt sống. Đó là chiến công tuyệt vời của quân và dân Quảng Ninh, là kết quả 10 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, là sự mở đầu cho những thành tựu to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Quảng Ninh…”.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, bên cạnh chiến đấu chống chiến tranh, giai cấp công nhân, lực lượng nông dân và các tầng lớp người lao động vẫn luôn “Vững tay cày, chắc tay súng”, duy trì nhịp độ sản xuất, đảm bảo giao thông thông suốt. Năm 1964, lần đầu tiên Quảng Ninh khai thác vượt mức một triệu tấn than, trở thành địa phương đầu tàu trong khai thác than của cả nước. Năm 1975 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2.169 tỷ đồng, tăng gấp 1,37 lần; giá trị sản lượng nông nghiệp tăng 1,21 lần so với năm 1965.
Đại thắng mùa Xuân 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội theo cương lĩnh Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976). Song, ngay tức thì, đất nước ta lại đứng trước những khó khăn, thách thức không hề nhỏ. Trong bối cảnh chung của đất nước, Quảng Ninh đã tự tháo gỡ khó khăn, tiếp tục phát triển kinh tế, giữ vững an ninh quốc phòng và nâng cao chất lượng cuộc sống. Hàng vạn thợ mỏ vẫn bám tầng, bám máy để sản xuất thật nhiều than cho nền kinh tế quốc dân. Quảng Ninh đã thành lập đoàn tàu viễn dương để xuất khẩu hàng hóa, giao thương với nước ngoài thu ngoại tệ. Từ năm 1981 đến 1985, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 26,7 triệu đồng Rúp - Đô la; góp phần đẩy mạnh đầu tư phát triển, cải thiện đời sống nhân dân và bước đầu có tích lũy…
Nhìn lại chặng đường trước đổi mới với vô vàn những khó khăn, càng thấy rõ hơn đổi mới là đòi hỏi hết sức bức thiết từ chính thực tiễn địa bàn, vừa là quyết sách đúng đắn của Đảng, của cấp ủy, chính quyền địa phương. Từ sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, hòa bình lập lại trên toàn miền Bắc đến trước đổi mới (giai đoạn 1955-1985), nhất là từ khi tỉnh Quảng Ninh được thành lập ngày 30-10-1963 đến nay, đặc biệt từ sau Đại hội XI của Đảng, cả hệ thống chính trị của tỉnh luôn chủ động khắc phục khó khăn, không ngừng vươn lên, đã phát hiện, nhận diện sâu sắc hơn về những tiềm năng, lợi thế cùng với thách thức, khó khăn phải giải quyết và mâu thuẫn nội tại của sự phát triển để đề ra các mục tiêu, định hướng trong từng giai đoạn…
Đến đầu tàu phát triển của khu vực phía Bắc
Kế thừa những thành tựu đạt được qua 60 năm xây dựng và phát triển, từ một Vùng mỏ bị thực dân Pháp khai thác kiệt quệ, thời kỳ đầu đổi mới còn phụ thuộc vào ngân sách trung ương, đến nay Quảng Ninh trở thành một trong những tỉnh phát triển mạnh, tỉnh đầu tiên trong cả nước có 4 thành phố, tốc độ tăng trưởng GRDP những năm gần đây hơn 10%/năm, luôn nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu về mức nộp ngân sách nhà nước và được đánh giá là hình mẫu trong huy động các nguồn lực phát triển với diện mạo đổi thay từng tháng, từng ngày, từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi, biên giới đến hải đảo…
Đặc biệt, ghi dấu ấn trên chặng đường xây dựng và phát triển của Vùng mỏ thời gian qua, không thể không nhắc đến Hạ Long - thành phố thủ phủ của tỉnh. 60 năm không quá dài, nhưng cũng đủ để TP Hạ Long đón nhận những thời cơ và vận hội mới, nhằm thay đổi một cách toàn diện, phát triển mạnh mẽ diện mạo thành phố. Những thế hệ đang cùng học tập, lao động và công tác tại đây chắc chắn sẽ không thể nào quên những năm tháng cùng phát huy sức bền, ý chí sáng tạo, nghị lực lớn lao để cùng nhau đưa thành phố lập nên những kỳ tích mới. Sự phát triển, những thành tựu đạt được có thể nhìn thấy từ mọi con đường, góc phố hay từ mỗi công trình đang ngày càng vươn cao hơn, xa hơn.
Những thay đổi diệu kỳ ấy có thể cảm nhận được qua sự trân trọng và lòng tự hào trong sâu thẳm trái tim mỗi người dân, từ cảm nhận và ấn tượng của bất cứ ai đến thăm Hạ Long. Chị Nguyễn Thị Thương Huyền, du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ: “Tôi đã đến nhiều nơi, nhưng Hạ Long có nét đẹp và sự hấp dẫn rất riêng mà không nơi nào có được. Đặc biệt, trong những năm gần đây ngành Du lịch Hạ Long đã có sự phát triển vượt bậc, bằng việc có thêm nhiều sản phẩm độc đáo, cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang mang tầm cỡ quốc tế. Tin chắc rằng với sự quan tâm đầu tư như thế này, Hạ Long sẽ thực sự “cất cánh” đúng như kỳ vọng của nhiều người dành cho vùng đất đầy tiềm năng này”.
Có thể thấy sự thay đổi này còn được nhận ra từ nếp nghĩ, cách làm, từ kết cấu hạ tầng đô thị được hoàn thiện đến nhịp sống đô thị ngày càng sôi động, hối hả. Từ một thị xã có quy mô nhỏ, dân số ít, kinh tế lạc hậu, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Hòn Gai xưa - Hạ Long nay đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành đô thị loại I, thành phố dịch vụ, du lịch, thương mại tầm cỡ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với những công trình lớn mang dấu ấn lịch sử, hằng năm thu hút hàng triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Nơi đây cũng đang khẳng định vị thế của mình, trở thành nơi cần đến và nơi đáng sống...
Cùng với sự phát triển của thành phố thủ phủ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh đã và đang tiếp tục phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”; đi sâu đổi mới, quyết tâm tìm tòi, tạo ra động lực phát triển mới… Quảng Ninh đã mạnh dạn thực hiện những giải pháp sáng tạo, đột phá để tiến hành đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cải cách tiền lương, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, suy thoái tư tưởng, tha hóa quyền lực. Trong đó, đã có nhiều biện pháp triển khai sáng tạo, đi trước những chỉ đạo của Trung ương, là cơ sở thực tiễn để Trung ương nhận thức rõ hơn trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế. Đặc biệt tỉnh đã mạnh dạn, quyết tâm triển khai thực hiện các đột phá về thể chế, về tổ chức, bộ máy, đột phá về quy hoạch, tuyển chọn, đào tạo cán bộ, xây dựng nguồn lực con người; xây dựng mô hình mới về phương thức đầu tư, quản lý, cải cách hành chính, chính quyền điện tử...
Trên phương diện kinh tế, Quảng Ninh cũng đã đạt được những thành tựu to lớn, xác lập và khẳng định vị thế mới, giá trị mới trong tương quan quốc gia và quốc tế. Tỉnh đã chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm về phát triển kinh tế, đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn để đưa vào khai thác làm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Diện mạo Quảng Ninh cũng đã có bước thay đổi ngoạn mục khi nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng được hoàn thành, đưa vào khai thác, phá thế "độc đạo" của Quảng Ninh khi trước đây, trở thành địa phương có số km đường cao tốc lớn nhất cả nước hiện nay (176/1.046km), cùng với đó là hệ thống sân bay, cảng biển, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hợp tác hội nhập quốc tế, mở ra cơ hội và không gian phát triển mới.
Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước có 4 thành phố, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt cao trong nhiều năm gần đây. Đến nay Quảng Ninh đã trở thành trung tâm đổi mới của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, khu vực tăng trưởng toàn diện của phía Bắc; 7 năm liên tục (2016-2022) đạt tốc độ tăng trưởng GRDP trên hai con số. Trong đó năm 2020 đạt 10,05%, năm 2021 và năm 2022 đều đạt 10,28% trong bối cảnh dịch Covid-19 (xếp thứ 13/63 toàn quốc và 3/7 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ).
Đi cùng với đó là tốc độ đô thị hóa đứng ở top đầu cả nước. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện đáng kể; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững, chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh"; quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2022 ước đạt 269.000 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt trên 8.200 USD, cao nhất khu vực phía Bắc; năng suất lao động tăng trên 13%.
Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2020-2022 đạt trên 156.200 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt trên 117.800 tỷ đồng, tăng bình quân khoảng 10%/năm và luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Tổng chi đầu tư phát triển đạt trên 48.300 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch; tỷ trọng chi đầu tư tăng lên, đạt khoảng 57-58% tổng ngân sách.
Trong khó khăn, tỉnh đã có nhiều cách làm hiệu quả để huy động nguồn lực thông qua hợp tác công tư. Giai đoạn 2020-2022, tổng thu hút vốn ngoài ngân sách đạt trên 475.200 tỷ đồng, trong đó FDI đạt 2,15 tỷ USD, tăng bình quân 54%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 267.000 tỷ đồng, tăng bình quân 10%/năm; bình quân mỗi năm thành lập mới khoảng 2.000 doanh nghiệp. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 7,684 tỷ USD, tăng bình quân trên 9%/năm.
Đặc biệt, ở lĩnh vực văn hóa - xã hội, với quan điểm xây dựng con người Quảng Ninh văn minh, thân thiện, qua mỗi kỳ Đại hội (từ Đại hội VIII đến nay), những giá trị văn hóa tinh thần của giai cấp công nhân Vùng mỏ, cộng với các giá trị lịch sử của vùng đất được ví như hình ảnh đất nước Việt Nam thu nhỏ đã từng bước được bồi đắp, nâng tầm trong nền hội tụ và giao thoa của vùng văn minh Sông Hồng. Nhiều công trình trên lĩnh vực văn hóa - xã hội được đầu tư như Bảo tàng - Thư viện tỉnh, Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm, các dự án hạ tầng, nghỉ dưỡng tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn... đã góp phần tạo bộ mặt mới về tỉnh Quảng Ninh văn minh, hiện đại.
Trong công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, với tinh thần đổi mới liên tục từ thấp lên cao, từ hẹp đến rộng, toàn diện và có chiều sâu, tỉnh đã mở rộng hợp tác với đối tác mới, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối tác, xác định đối tác chiến lược, đối tác tiềm năng để chủ động hợp tác, không để tình trạng bị động và dàn trải như trước đây. Từ khi chỉ có quan hệ kết nghĩa với Kemerovo (Liên Xô trước đây) và các nước trong hệ thống XHCN, đến nay tỉnh Quảng Ninh chính thức thiết lập quan hệ đối ngoại với hàng chục địa phương nước ngoài, có quan hệ kinh tế thương mại với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, xúc tiến quan hệ với một số đối tác mới, tiềm năng. Bên cạnh đó, sự hợp tác hiệu quả với các địa phương biên giới Trung Quốc đã từng bước xác lập vị trí “cửa ngõ, cầu nối” trong mắt xích hợp tác giữa Việt Nam - ASEAN - Trung Quốc…
Nhìn lại chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển có thể thấy rõ nỗ lực không mệt mỏi của chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Ninh. Tiếp nối những thành công đó, Quảng Ninh lại mang trong mình những kỳ vọng lớn hơn trong thời kỳ phát triển kinh tế mới. Có thể thấy, chặng đường phía trước đang mở ra cho tỉnh nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn và thách thức. Nhưng tin rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa truyền thống cách mạng kiên cường, truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của giai cấp công nhân Vùng mỏ, đoàn kết một lòng, nêu cao ý chí tự lực, tự cường; không ngừng đổi mới, quyết tâm xây dựng tỉnh Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/150838/khat-vong-phat-trien-luon-ruc-chay