Khát vọng phát triển Quảng Trị: Ngày mai, bắt đầu từ ngày hôm nay
(QTO) - Nhân kỷ niệm 32 năm Quảng Trị tái lập, đổi mới và phát triển 1/7 (1989-2021), Báo Quảng Trị Online trân trọng giới thiệu bài viết: Khát vọng phát triển Quảng Trị: Ngày mai, bắt đầu từ ngày hôm nay của đồng chí NGUYỄN ĐĂNG QUANG, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị về những thành tựu đạt được và khát vọng vươn lên của mảnh đất, con người Quảng Trị
Sau 13 năm hợp nhất trong mái nhà chung Bình Trị Thiên, từ ngày 1/7/1989, Quảng Trị được trở về tên gọi của chính mình với một xuất phát điểm vô cùng thấp.
Ngày trở về và lời thề với quê hương, đất nước
“Chúng ta đang sống trên một vùng lãnh thổ mà địa hình khí hậu đa dạng và phức tạp. Đồng bằng vốn nhỏ hẹp lại ít màu mỡ. Núi liền kề biển, sông suối ngắn, độ dốc cao. Hằng năm, lượng phù sa bị cuốn trôi, lớp đất màu rất mỏng. Như một chu kỳ định sẵn, mỗi năm chúng ta phải chịu đựng ít nhất vài ba tháng luồng gió Tây Nam khô nóng và 3, 4 tháng gió mùa Đông Bắc, hầu như năm nào cũng phải chống chọi với ít nhất vài trận lũ lụt, vài cơn bão với biết bao tổn thất, mất mát. Hơn bất cứ nơi nào trên đất nước ta, quê hương chúng ta là nơi phải chịu đựng hậu quả hết sức nặng nề của hai cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù, Nhân dân ta chịu đựng nhiều đau thương mất mát, mà cho đến nay chưa có điều kiện để khắc phục… chiến tranh đã cướp đi hàng chục ngàn sinh mệnh của đồng bào, đồng chí chúng ta”.
Kể từ đây “Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân toàn tỉnh sẽ đạp bằng gian khó, quyết tâm đổ mồ hôi, nước mắt của cải, dồn cả trí lực tâm huyết để xây dựng tỉnh nhà đàng hoàng và giàu đẹp, xứng đáng với quê hương trung dũng, kiên cường…”. “Chúng ta hết sức trân trọng yếu tố con người. Chúng ta tin tưởng với truyền thống đoàn kết, ý chí kiên cường, với lòng dũng cảm vượt qua khó khăn, với trí tuệ tập thể, với trách nhiệm chính trị cao của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, chiến sĩ, hội viên các đoàn thể quần chúng, nhất định Quảng Trị sẽ tiến lên mạnh mẽ tràn đầy hy vọng. Chúng ta nguyện đồng cam cộng khổ với Nhân dân, làm việc hết sức mình cho Quảng Trị ngày một phát triển, mãi mãi là niềm tin yêu của mọi người, “cùng cả nước, vì cả nước” Quảng Trị nguyện đóng góp xứng đáng sức mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu quý…”.
Những lời trên được trích trong diễn văn tại Lễ mít tinh chào mừng tỉnh Quảng Trị tái lập của đồng chí Nguyễn Đức Hoan, nguyên Quyền Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị đã tái hiện phần nào bối cảnh của tỉnh nhà cách đây 32 năm về trước khiến mọi người vô cùng xúc động. Gian khổ đó, khó khăn đó nhưng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Trị chưa bao giờ ngừng ý chí và khát vọng vươn lên phát triển.
Những quyết sách và bước đi phù hợp, tạo dựng nền tảng phát triển
Với khát vọng cùng ý chí “làm việc hết sức mình cho Quảng Trị ngày một phát triển, mãi mãi là niềm tin yêu của mọi người”, qua 6 kỳ Đại hội và 6 kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trung hạn, bám sát cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII của Đảng; đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Đảng bộ tỉnh Quảng Trị đã nỗ lực xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang nhân dân các cấp vững mạnh toàn diện, xây dựng và phát huy sức mạnh tổng hợp khối đại đoàn kết toàn dân với những quyết sách và bước đi thích hợp.
Hơn 30 năm trước, Quảng Trị có 4 đơn vị hành chính cấp huyện là Bến Hải, Triệu Hải, Hướng Hóa và thị xã Đông Hà, có 8 đô thị trực thuộc cấp huyện gồm 5 phường thuộc thị xã Đông Hà và 3 thị trấn Quảng Trị, Hồ Xá và Khe Sanh. Quá trình hoạch định sự phát triển và theo định hướng của Đảng, Nhà nước, tỉnh đã điều chỉnh đơn vị hành chính cấp huyện thành 10 đơn vị gồm các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, Cam Lộ, Đakrông, Hướng Hóa, đảo Cồn Cỏ, thành phố Đông Hà và thị xã Quảng Trị với 101 xã và 24 phường, thị trấn. Đồng thời, định hướng trong tương lai phát triển các đô thị Nam Cửa Việt, Mỹ Thủy, Mỹ Chánh và La Vang, Hướng Phùng, Tà Rụt,… Việc điều chỉnh các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã tạo tiền đề cho quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia là “Xây dựng nông thôn mới”, “Giảm nghèo bền vững” và “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Hơn 30 năm qua, thành công lớn nhất là quy hoạch và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh; nhất là hạ tầng giao thông và điện. Mạng lưới phục vụ điện cho sản xuất, sinh hoạt đã phủ kín gần 100% địa chỉ có nhu cầu, thực sự “thắp sáng niềm tin” vào tương lai của từng gia đình và xã hội. Tỉnh đã chăm lo quy hoạch và từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, những tuyến đường huyết mạch đã được đầu tư, cải tạo, mở rộng, những dòng sông lớn đã “nối những chiếc cầu, nối nhịp bờ vui”, giao thông nông thôn và đô thị từng bước hoàn thiện gấp nhiều lần 30 năm trước, đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân, lưu thông và thúc đẩy sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế, tạo sự công bằng cho các vùng được hưởng thành tựu của công cuộc đổi mới. Hạ tầng kinh tế, khu công nghiệp, dịch vụ thương mại… có sự tiến bộ tích cực. Hạ tầng các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nhất là y tế, giáo dục, thông tin - truyền thông, thể dục - thể thao, du lịch, di tích lịch sử văn hóa cách mạng, các công trình tưởng niệm, đền ơn đáp nghĩa, nghĩa trang liệt sĩ và các Di tích lịch sử đặc biệt quốc gia như: Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Đường 9, Thành Cổ Quảng Trị, Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Địa đạo Vịnh Mốc… được đặc biệt quan tâm. Qua đó tạo điều kiện cho “sự nghiệp trồng người”, nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể lực, tuổi thọ bình quân đầu người, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa con người Quảng Trị trong tiến trình hội nhập và phát triển cùng cả nước.
Đi đôi với tập trung quy hoạch và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, Quảng Trị từng bước quy hoạch và phát triển sản xuất hàng hóa; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỉ trọng khu vực phi nông nghiệp 78,49%, khu vực nông nghiệp 21,51% (cuối năm 2020). Tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 6,43%; các lĩnh vực an sinh xã hội, chính sách đối với người có công, thu hút đầu tư, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, việc thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo có nhiều tiến bộ. 30 năm nhìn lại, Quảng Trị đã đạt được trình độ phát triển trung bình, chuẩn bị được các tiền đề cần thiết để đi lên cùng cả nước.
Khát vọng phát triển: “Ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay”
Khát vọng Quảng Trị phát triển trở thành tỉnh có trình độ trung bình cao vào năm 2025 và tỉnh khá vào năm 2030 đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định. Đó cũng là tâm nguyện của hơn 63 vạn đồng bào, chiến sĩ trong toàn tỉnh. Để hiện thực hóa được khát vọng này, trước hết phải đánh giá, xây dựng quy hoạch tỉnh Quảng Trị 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Trên cơ sở đó chú trọng quy hoạch vùng đô thị, nông thôn, hệ thống kết cấu hạ tầng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, khu cụm kinh tế, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp… mở đường thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, trở thành tỉnh có trình độ phát triển trung bình cao vào năm 2025 và tỉnh khá vào năm 2030.
Tập trung hoàn thiện quy hoạch vùng nông thôn mới huyện và xã, gắn thực hiện các nghị quyết của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân; 3 chương trình mục tiêu quốc gia “Xây dựng nông thôn mới”, “Giảm nghèo bền vững”, “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số”… Coi nhiệm vụ phát triển “tam nông”, nhất là nông nghiệp trở thành 1 trong 3 trụ cột chính, là “bệ đỡ” của nền kinh tế Quảng Trị với trên 70% cư dân cư trú ở khu vực nông thôn; ban hành các chính sách “dồn điền đổi thửa”, tạo cánh đồng lớn, thực hiện cơ giới hóa áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, hỗ trợ chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu hàng hóa nông nghiệp, thủy lợi, giống, bảo vệ thực vật, thú y để nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích canh tác... của các sản phẩm nông nghiệp như lúa hữu cơ, vùng trồng cây ăn quả, dược liệu và rau màu các loại. Đối với công tác chăn nuôi, thực hiện quy hoạch và tăng nhanh chăn nuôi, gia trại, nhất là lợn, bò, nuôi trồng và đánh bắt chế biến thủy hải sản, chuyển đổi nghề nghiệp, chăm lo sinh kế và nâng cao đời sống nông dân, nhất là khu vực miền núi, hải đảo. Phát triển khu vực “tam nông”, phấn đấu có trên 75% xã đạt chuẩn nông thôn mới (trên 101 xã), 4 - 5 huyện (Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng, Triệu Phong) đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025, đi đôi với phát triển mọi mặt, toàn diện ở khu vực đô thị.
Đối với công tác xây dựng nền tảng quy hoạch và thu hút đầu tư phát triển công nghiệp - xây dựng, ngoài việc tăng hiệu quả và tỉ lệ lấp đầy các khu công nghiệp như Quán Ngang, Nam Đông Hà, Tây Bắc Hồ Xá cũng như cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, tỉnh cần điều chỉnh quy hoạch lại vùng lõi Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, Khu Công nghiệp Quảng Trị (VSIP 8); quy hoạch phát triển bền vững hệ sinh thái vùng năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió). Phải làm hết sức mình để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp. Trong đó công nghiệp năng lượng sẽ là nhiệm vụ đột phá, tạo con đường lớn để Quảng Trị đứng vững trên đôi chân của mình, tiến kịp đà phát triển chung của cả nước.
Quảng Trị cũng phải cần hoàn thiện quy hoạch để phát triển các tiềm năng, lợi thế về thương mại, dịch vụ và du lịch; tôn tạo, nâng cấp các di tích lịch sử cách mạng, nhất là các Di tích đặc biệt cấp quốc gia như: Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Thành Cổ Quảng Trị, Địa đạo Vịnh Mốc, các Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Đường 9, Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, phát triển tam giác du lịch Cửa Việt - Cửa Tùng - Cồn Cỏ; các cơ sở tôn giáo như Nhà thờ La Vang, Chùa Sắc Tứ… đi đôi với các loại hình phát triển du lịch biển đảo, lễ hội văn hóa mang đặc trưng Quảng Trị như “Nhịp cầu xuyên Á”, “Lễ hội hoa đăng” trên dòng Thạch Hãn, Hiếu Giang. Cũng như lễ hội mang thông điệp “Ước nguyện hòa bình”, việc xây dựng nền tảng tinh thần xã hội góp phần để Quảng Trị phát triển bền vững trong tương lai.
Để thực hiện khát vọng phát triển cháy bỏng của nhiều thế hệ ấp ủ đối với mảnh đất đã đi qua nhiều thương đau, thiên tai địch họa, con đường tiến lên phía trước chắc chắn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những “rào cản” về thiên tai, dịch bệnh, xuất phát điểm thấp, quy mô nền kinh tế còn nhỏ bé nhưng với ý chí lạc quan “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây” và đường lớn đã mở - mảnh đất “trung dũng, kiên cường, nhân nghĩa, bao dung” sẽ vững vàng cùng cả nước, vì cả nước, tận dụng thời cơ, vận hội mới, phát huy nội lực, tranh thủ mọi nguồn lực để xây dựng quê hương phát triển, mãi mãi xứng đáng với niềm tin yêu và mong đợi của Trung ương và cả nước, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta.
“Ngày mai, bắt đầu từ ngày hôm nay”!