Khát vọng phát triển vùng đất cực Nam

Nếu như trong những năm tháng kháng chiến, Cà Mau tự hào là căn cứ địa cách mạng kiên cường của miền Nam, ghi dấu những chiến công vang dội, thì sau nửa thế kỷ thống nhất đất nước, vùng đất này đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Dựa trên nền tảng vững chắc từ kinh tế biển, năng lượng tái tạo và công nghiệp, Cà Mau đang ấp ủ khát vọng vươn lên, khẳng định vị thế là 'lục địa cực Nam' đầy tiềm năng của Việt Nam trong tương lai.

Sức bật sau 50 năm

Quê hương ngừng tiếng đạn bom, Ðảng bộ, quân và dân Cà Mau tiếp tục đoàn kết một lòng vừa nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa kiên trì khắc phục khó khăn, quyết tâm vươn lên. Ðồng bào trở về ruộng vườn, khôi phục sản xuất và tái thiết những xóm làng bị chiến tranh tàn phá. Cơ cấu kinh tế thời kỳ này chủ yếu là nông - lâm nghiệp và thủy sản. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 1975 là 226,2 triệu đồng, đến năm 1985 là 3.446,3 triệu đồng.

Thực hiện đường lối đổi mới giai đoạn 1986-1990, tỉnh Minh Hải (nay là 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu) phát triển kinh tế với 3 thế mạnh nông - lâm - ngư nghiệp, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó, phát triển thủy sản với mô hình liên doanh khoa học sản xuất thủy sản (nuôi tôm thâm canh kết hợp trồng rừng, nuôi tôm kết hợp bảo vệ rừng...). Mô hình liên doanh liên kết của Minh Hải được nhiều tỉnh như Quảng Ninh, Hà Nam Ninh, Gia Lai, Long An... đến tham quan, học tập. GRDP tăng bình quân 4,48% thời kỳ 1986-1990, tăng bình quân 6,88% thời kỳ 1991-1995.

Ðại tá Nguyễn Xuân Hùng, nguyên Phó tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bạc Liêu, nhớ lại: “Năm 1997, khi chia tách từ tỉnh Minh Hải thành tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, thu nhập bình quân chỉ hơn 3 triệu đồng/người/năm. Ðại hội Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ nhất (khóa XI) nhiệm kỳ 1997-2000 cũng diễn ra vào năm này, đánh dấu bước ngoặt mới của quê hương. Từ đó, điện dần về trung tâm các xã, phát triển các tuyến giao thông nối liền tỉnh đến trung tâm các huyện, diện mạo Cà Mau dần khởi sắc”.

Ánh sáng công nghiệp về với đất cực Nam, khi giai đoạn 2008-2012, Cụm công nghiệp Khí - Ðiện - Ðạm Cà Mau, công trình tầm cỡ quốc gia, với đường ống dẫn khí MP3 - Cà Mau, Nhà máy Ðiện, Nhà máy Ðạm, lần lượt đi vào hoạt động, tạo ra sức bật mạnh mẽ cho kinh tế Cà Mau trong tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Ðến nay, tổng doanh thu của các đơn vị thuộc Cụm Khí - Ðiện - Ðạm Cà Mau đạt khoảng 13,5 tỷ USD, đóng góp ngân sách Nhà nước trên 21.000 tỷ đồng, thực hiện công tác an sinh xã hội gần 731 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ tỉnh Cà Mau là 300 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 1.533 lao động...

Ðến nay, tổng doanh thu của các đơn vị thuộc Cụm Khí - Ðiện - Ðạm Cà Mau đạt khoảng 13,5 tỷ USD, đóng góp ngân sách Nhà nước trên 21.000 tỷ đồng.

Ðến nay, tổng doanh thu của các đơn vị thuộc Cụm Khí - Ðiện - Ðạm Cà Mau đạt khoảng 13,5 tỷ USD, đóng góp ngân sách Nhà nước trên 21.000 tỷ đồng.

Song hành cùng với phát triển kinh tế là sự khởi sắc các lĩnh vực văn hóa - xã hội, chuyển đổi số... thúc đẩy đổi mới toàn diện. Ðến nay, toàn tỉnh có 66/82 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 80,5%; 386/486 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 79,4%. Công tác giảm nghèo đạt nhiều thành tựu, đến cuối năm 2024 tỉnh chỉ còn 2.890 hộ nghèo, chiếm 0,94% và 3.865 hộ cận nghèo, chiếm 1,26%. Không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo là người có công với cách mạng.

Khẳng định thế mạnh cực Nam

Cà Mau là địa phương duy nhất cả nước sở hữu 3 mặt giáp biển, với bờ biển dài hơn 250 km (chiếm 1/3 chiều dài bờ biển toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long), có tiềm năng thủy sản vô cùng lớn. Vùng biển rộng 71.000 km² được đánh giá là 1 trong 4 ngư trường trọng điểm quốc gia, với trữ lượng hải sản dồi dào, đa dạng chủng loại, đội tàu khai thác hùng mạnh với hơn 4.500 chiếc. Các sản phẩm thủy sản của tỉnh đã xuất khẩu qua hơn 60 quốc gia, kể cả những thị trường khắt khe như Mỹ, Nhật Bản và EU.

Là tỉnh có diện tích nuôi và khai thác thủy sản lớn nhất cả nước, đây là điều kiện thuận lợi để Cà Mau phát triển thành trung tâm chế biến thủy sản của vùng cũng như cả nước.

Là tỉnh có diện tích nuôi và khai thác thủy sản lớn nhất cả nước, đây là điều kiện thuận lợi để Cà Mau phát triển thành trung tâm chế biến thủy sản của vùng cũng như cả nước.

Bên cạnh đó, Cà Mau còn có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời. Toàn tỉnh có 12 dự án điện gió đang được triển khai, với tổng công suất 700 MW, trong đó có 3 nhà máy điện gió đã vận hành thương mại hòa vào lưới điện quốc gia hơn 100 MW.

Với vị trí địa lý chiến lược, nằm ở trung tâm vùng biển Ðông Nam Á và gần các tuyến hàng hải quốc tế, Cà Mau có nhiều lợi thế trong giao thương với các nước trong khu vực và trên thế giới. Việc xây dựng cầu ra đảo Hòn Khoai là một hướng chiến lược rất quan trọng của quốc gia cũng như đối với tỉnh Cà Mau, từ đó mở ra cơ hội lớn để tăng cường hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế thủy sản.

Việc xây dựng cầu từ đất liền ra Hòn Khoai là một hướng chiến lược rất quan trọng của quốc gia cũng như đối với tỉnh Cà Mau.

Việc xây dựng cầu từ đất liền ra Hòn Khoai là một hướng chiến lược rất quan trọng của quốc gia cũng như đối với tỉnh Cà Mau.

Trên cơ sở tiềm năng thế mạnh, tỉnh Cà Mau đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh, dựa trên nền tảng chuyển đổi số, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu... Theo đó, tỉnh tập trung phát triển các ngành có giá trị gia tăng cao hơn, tiềm năng tăng trưởng lớn hơn, như năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến sâu và các dịch vụ hỗ trợ; áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào nuôi trồng, chế biến thủy sản, như nuôi tôm công nghệ biofloc, nhà màng, tự động hóa quy trình chế biến... nhằm xây dựng chuỗi liên kết hiệu quả và bền vững.

Ðến nay, GRDP bình quân đầu người của tỉnh đạt 72,6 triệu đồng/người/năm, tổng sản lượng thủy sản đạt 647 ngàn tấn, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,26 tỷ USD, tổng sản lượng lúa khoảng 570 ngàn tấn, thu ngân sách đạt 5.945 tỷ đồng. Giao thông vận tải phát triển nhanh, nhiều công trình lớn được hoàn thành, đáp ứng nhu cầu giao thương trong và ngoài tỉnh.

Thực hiện chuyển đổi số, Cà Mau đã tích hợp công nghệ vào hệ thống giáo dục, nhằm cải thiện chất lượng giảng dạy, học tập và quản lý.

Thực hiện chuyển đổi số, Cà Mau đã tích hợp công nghệ vào hệ thống giáo dục, nhằm cải thiện chất lượng giảng dạy, học tập và quản lý.

Quy hoạch tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2030, với tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1386/QÐ-TTg ngày 16/11/2023. Theo đó, tỉnh Cà Mau sẽ ưu tiên bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả không gian phát triển theo mô hình 3 vùng kinh tế, 5 cực tăng trưởng, 2 hành lang kinh tế và nhiều trục liên kết phát triển, khát vọng trở thành "lục địa cực Nam" của đất nước như định hướng của Trung ương đối với tỉnh Cà Mau.

Mỗi lần họp mặt cán bộ hưu trí, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thạnh Trị đều bày tỏ sự phấn khởi khi tỉnh Cà Mau đang có nhiều điều kiện và cơ hội để tăng tốc phát triển, đặc biệt là việc ưu tiên đầu tư vào phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, như: hoàn thành tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau vào năm 2025; nâng cấp và mở rộng Cảng Hàng không Cà Mau; đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Cà Mau - Ðất Mũi; nâng cấp và mở rộng các tuyến giao thông huyết mạch; xây dựng Dự án Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai cùng tuyến đường kết nối từ đất liền ra đảo; mở rộng các nhà máy trong Cụm công nghiệp Khí - Ðiện - Ðạm Cà Mau...

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp để ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, của quê hương, đồng thời tiếp thêm sức mạnh, ý chí và quyết tâm để Cà Mau bứt phá vươn lên trở thành "lục địa cực Nam", cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới./.

Mộng Thường

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/khat-vong-phat-trien-vung-dat-cuc-nam-a38577.html