Pin năng lượng mặt trời lo ngại bị áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp rất cao tại thị trường Hoa Kỳ
Mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho doanh nghiệp Việt Nam phổ biến từ 52,54%% - 120,38%, cá biệt là 271,28% đối với các doanh nghiệp không hợp tác. Mức thuế chống trợ cấp cuối cùng đối với 02 công ty bị đơn bắt buộc của Việt Nam từ 68,15% - 230,66%...

Sản phẩm pin năng lượng mặt trời của Việt Nam có nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp của Hoa Kỳ. Ảnh minh họa.
Theo thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, ngày 22 tháng 4 năm 2025, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) ban hành kết luận cuối cùng vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với sản phẩm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Việt Nam, Campuchia, Malaysia và Thái Lan sau gần 1 năm điều tra.
Sản phẩm bị điều tra là một số sản phẩm pin năng lượng mặt trời thuộc mã HS 8541.42.0010, 8541.43.0010, 8501.71.0000, 8501.72.1000, 8501.72.2000, 8501.72.3000, 8501.72.9000, 8501.80.1000, 8501.80.2000, 8501.80.3000, 8501.80.9000, 8507.20.8010, 8507.20.8031, 8507.20.8041, 8507.20.8061 và 8507.20.8091.
Theo số liệu hải quan Hoa Kỳ, kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam năm 2023 (trước khi bị điều tra) là 4,2 tỷ USD. Theo đó, nhập khẩu từ Việt Nam chiếm tỷ trọng 26% trong tổng nhập khẩu pin năng lượng mặt trời của Hoa Kỳ (cao nhất trong số những nước bị điều tra).
Thời kỳ điều tra chống bán phá giá: Ngày 01/10/2023 – 31/3/2024.
Thời kỳ điều tra trợ cấp: Năm 2023.
Theo kết luận của DOC, mức thuế chống bán phá giá cuối cùng đối với 2 công ty bị đơn bắt buộc của Việt Nam chịu mức thuế chống bán phá giá từ 52,54% - 120,38%.
Đối với 09 công ty hưởng thuế suất riêng rẽ: Mức thuế chống bán phá giá là 77,12%.
Đối với các công ty khác (không hợp tác với DOC): Mức thuế chống bán phá giá toàn quốc được tính dựa trên thông tin sẵn có bất lợi là 271,28%.
Như vậy, mức thuế áp dụng cho doanh nghiệp phổ biến từ 52,54%% - 120,38%, cá biệt là 271,28% đối với các doanh nghiệp không hợp tác.
Trong khi đó, mức thuế chống bán phá giá cuối cùng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu từ 03 nước khác bị điều tra lần lượt là: Campuchia có mức thuế chung là 117,18%; Malaysiam từ 0% - 81,24% và Thái Lan từ 111,45% - 172,68% và đều cao hơn so với kết luận sơ bộ.
Theo Cục Phòng vệ Thương mại, mức thuế chống bán phá giá của Việt Nam bị đẩy lên cao do Hoa Kỳ không công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường nên sử dụng giá trị thay thế của nước thứ ba để tính toán.
Đối với vụ việc chống trợ cấp, mức thuế chống trợ cấp cuối cùng đối với 02 công ty bị đơn bắt buộc của Việt Nam từ 68,15% - 230,66%.
Đối với 04 công ty không hợp tác, mức thuế chống trợ cấp được tính dựa trên thông tin sẵn có bất lợi là 542,64%.
Đối với các công ty khác: Mức thuế chống trợ cấp là 124,57%.
Trong khi đó, mức thuế chống trợ cấp cuối cùng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu từ 3 nước khác bị điều tra lần lượt là: Campuchia 534,67% - 3.403,96%; Malaysia 14,64% - 168,80% và Thái Lan từ 263,74 - 799,55% và đều cao hơn đáng kể so với kết luận sơ bộ.
Mức thuế chống trợ cấp cuối cùng bị đẩy lên cao do DOC đưa ra kết luận về các chương trình trợ cấp xuyên quốc gia dựa trên thông tin sẵn có bất lợi.
Cục Phòng vệ Thương mại cho biết Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) sẽ ban hành kết luận cuối cùng về thiệt hại trong vòng 45 ngày kể từ ngày DOC ban hành kết luận cuối cùng về phá giá và trợ cấp, dự kiến vào ngày 02 tháng 6 năm 2025.
"Chỉ khi ITC kết luận ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ chịu thiệt hại đáng kể do pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Việt Nam bán phá giá hay được trợ cấp, lệnh áp thuế mới chính thức được ban hành, dự kiến vào ngày 9 tháng 6 năm 2025", Cục Phòng vệ Thương mại lưu ý.
Do đó, Cục khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên quan của Việt Nam tiếp tục theo dõi diễn biến điều tra tại ITC. Đồng thời chủ động tìm kiếm thị trường mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, tuân thủ chặt chẽ quy định của nước nhập khẩu trong trường hợp Lệnh áp thuế được áp dụng chính thức.