Khát vọng rừng xanh - Bài 2: Nghề rừng và những bước chuyển mình

Nhìn vào thực tế phát triển ngành lâm nghiệp trong những năm qua, có thể khẳng định: Hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) trên địa bàn cả nước nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng đã có nhiều bước phát triển, đổi mới, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao. Trong những kết quả đã đạt được, các ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) đã làm tốt vai trò là 'bà đỡ', nòng cốt cho phát triển kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn, góp phần thay đổi nhận thức và nâng cao trình độ kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng (BVR) cho người dân miền núi.

Mô hình rừng trồng gỗ lớn của Ban Quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh (tại xã Trí Nang). Ảnh: Thùy Dương

Đi giữa bạt ngàn màu xanh của những cánh rừng do BQLRPH Lang Chánh quản lý, bảo vệ và tổ chức sản xuất, kinh doanh (SXKD); mấy ai biết được rằng, trước khi chuyển đổi, đơn vị đã từng có giai đoạn khó khăn, chật vật trang trải nợ nần; đời sống cán bộ, công nhân viên (CBCNV) gặp nhiều khó khăn khiến cho nhiều người không yên tâm gắn bó với rừng. Kể từ sau khi chuyển đổi (ngày 7-11-2006), cùng với chủ trương, chính sách xã hội hóa (XHH) nghề rừng, BQLRPH Lang Chánh đã nhanh nhạy nắm bắt cơ hội, chủ động giải quyết tồn tại, hạn chế của những năm trước đó, sắp xếp lại tổ chức bộ máy hợp lý, đội ngũ CBCNV theo hướng tinh giảm, rút gọn, bố trí lực lượng thành 5 trạm BVR hoạt động tại cơ sở, gắn với trách nhiệm cụ thể trong quản lý, BV&PTR.

Được biết, mô hình phát triển lâm nghiệp bền vững tại BQLRPH là một chuỗi giá trị kinh tế lâm nghiệp từ khâu ươm giống đến trồng rừng, chăm sóc, khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ rừng trồng và trở lại trồng rừng. Quy trình này tạo được sự chủ động trong suốt quá trình sản xuất của BQLRPH Lang Chánh vì không bị phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài như nguồn cây giống, nguồn gỗ đầu vào cho khai thác, chế biến. Trong khi đó, rừng tự nhiên không bị xâm phạm mà rừng sản xuất lại có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển khi có sự tham gia của các chủ rừng thông qua hình thức giao khoán đất rừng cho người dân địa phương. Nguyên liệu đầu vào là sản phẩm từ rừng trồng được khai thác theo kế hoạch sản xuất hàng năm của đơn vị và rừng trồng của người dân địa phương. Rừng khai thác phục vụ chế biến đến đâu được tiến hành trồng lại tới đó đã tạo ra chu trình sản xuất bền vững. Bên cạnh đó, đơn vị tích cực, chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng rừng sản xuất theo hướng thâm canh rừng gỗ lớn, mang lại hiệu quả cao. Trong những năm gần đây, đơn vị đã chuyển từ trồng keo hạt tai tượng Úc sang keo lai mô và hom, đồng thời nghiên cứu đưa cây tếch vào trồng mới rừng. Đây là hướng đi mới trong phát triển kinh doanh rừng gỗ lớn, bởi gỗ tếch có giá trị cao.

Để bao tiêu toàn bộ sản phẩm từ diện tích rừng giao khoán cho các hộ dân và bà con địa phương, BQLRPH Lang Chánh đã đầu tư lắp đặt dây chuyền chế biến gỗ công suất 50 nghìn m3 gỗ nguyên liệu/năm phục vụ xuất khẩu và trong nước, đã tạo ra việc làm mới cho 120 lao động. Anh Công nói như khoe với chúng tôi: “Năm 2019, đơn vị đã xây dựng được phương án quản lý rừng bền vững và đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 2806/QĐ-UBND ngày 12-7-2019 cho toàn bộ diện tích đơn vị được giao quản lý. Hội đồng quản trị rừng thế giới đã thẩm định, đánh giá độc lập và công nhận các hoạt động quản lý rừng của BQLRPH Lang Chánh đã thực hiện đầy đủ 10 nguyên tắc quản lý rừng bền vững của tổ chức FSC, đồng thời đã cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) cho toàn bộ diện tích quản lý của đơn vị (10.292,14 ha rừng). Được cấp chứng chỉ FSC giá trị gỗ sẽ được nâng lên, có đủ điều kiện xuất khẩu.

Với sự nhạy bén, quyết đoán từ đội ngũ lãnh đạo cùng quyết tâm, thái độ làm việc tích cực, chăm chỉ của CBCNV, người lao động, BQLRPH Thạch Thành đã không ngừng nỗ lực, từng bước gặt hái được những thành tích đáng tự hào. Đặc biệt, kể từ khi Đảng và Nhà nước ban hành chủ trương, chính sách về giao đất, giao rừng, khoán BVR cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình nhằm tạo tiền đề bảo đảm yêu cầu rừng có chủ, tạo thuận lợi cho việc quản lý, bảo vệ, phát triển kinh tế từ rừng; BQLRPH Thạch Thành đã nắm bắt thời cơ, năng động chuyển đổi cơ chế, phương thức quản lý cho phù hợp với điều kiện sản xuất, mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng...

Hiện nay, với tổng diện tích được giao quản lý, sử dụng và phát triển rừng là 8.633,13 ha, trải rộng trên địa bàn 6 huyện: Thạch Thành, Bá Thước, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Hà Trung, Vĩnh Lộc; BQLRPH Thạch Thành đã triển khai nhiều giải pháp nhằm XHH công tác BV&PTR tận gốc thông qua nhiều giải pháp thiết thực. Theo đó, BQLRPH Thạch Thành đã giao khoán 5.066,76 ha ổn định lâu dài cho 695 hộ; khoán công việc dịch vụ hằng năm là 3.439,32 ha. Nhằm tạo điều kiện cho các hộ nhận khoán phát triển SXKD tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập để họ yên tâm BV&PTR, BQLRPH Thạch Thành đã cung ứng cây giống trồng rừng sản xuất có giá trị kinh tế cao; hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng; tuyên truyền, vận động hộ nhận khoán phát triển các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm dưới tán rừng; phát triển rừng gỗ lớn; trồng cây ăn quả; đấu mối với các đơn vị thu mua sản phẩm cho các trang trại...

Những việc làm thiết thực đó đã thúc đẩy việc hình thành và phát triển nhiều mô hình kinh tế trang trại, gia trại vườn rừng đem lại nguồn thu nhập đáng kể; từ đó góp phần quan trọng trong việc xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm ổn định, nâng cao đời sống vật chất cho người dân trong huyện, tạo động lực cho cộng đồng, hộ gia đình huy động nguồn lực để BV&PTR. Các hộ nhận khoán đất lâm nghiệp đã tổ chức SXKD đạt hiệu quả cao, xây dựng được 54 trang trại nông - lâm kết hợp. Nhiều mô hình trang trại, gia trại đạt hiệu quả kinh tế cao, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm trở lên, tiêu biểu như: Mô hình trang trại trồng rừng kết hợp cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm của gia đình ông Phạm Hữu Tú (Trạm quản lý, bảo vệ rừng Đồng Luật), bà Nguyễn Thị Dung, ông Lê Sơn Hải, ông Nguyễn Văn Ngọc, ông Hà Đông Giang (Trạm quản lý, BVR Thành Vân), ông Nguyễn Văn Dương (xã Thành Long), ông Bùi Văn Mạnh (xã Ngọc Trạo)...

Để thực hiện tốt hơn nữa vai trò, nhiệm vụ của mình, trong thời gian tới, BQLRPH Thạch Thành sẽ tiếp tục rà soát lại diện tích đất đã giao khoán. Đối với diện tích rừng phòng hộ đã giao khoán, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, BVR. Diện tích rừng sản xuất là rừng trồng đã giao khoán, xây dựng phương án quản lý rừng bền vững sẽ tiếp tục thực hiện chăm sóc, bảo vệ, sử dụng, khai thác theo quy định quản lý rừng bền vững của Hội đồng quản trị rừng thế giới (FSC). Giám đốc BQLRPH Thạch Thành chia sẻ: “BQL quyết tâm xây dựng, thực hiện tốt các giải pháp thúc đẩy chế biến, xuất khẩu, hội nhập sâu vào thị trường lâm sản quốc tế, góp phần nâng cao giá trị gia tăng ngành lâm nghiệp. Đồng thời, xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế HTX sản xuất lâm nghiệp, tạo điều kiện để nông dân, hộ gia đình liên kết cùng doanh nghiệp tổ chức sản xuất nông - lâm nghiệp theo chuỗi sản phẩm. Triển khai thực hiện các mô hình kinh doanh rừng bền vững hỗn giao giữa cây gỗ lớn với các loài cây chu kỳ kinh doanh ngắn nhằm đảm bảo thu nhập trước mắt cho chủ rừng trong khi rừng gỗ lớn chưa đến kỳ khai thác”.

Không chỉ có BQLRPH Lang Chánh, Thạch Thành; kể từ khi chuyển đổi phương thức hoạt động, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, thông qua triển khai các chương trình dự án và công tác lâm nghiệp, các BQLRPH đã góp phần làm thay đổi cơ cấu kinh tế tại các huyện miền núi, bước đầu hình thành các vùng nguyên liệu cho chế biến, hình thành các mô hình phát triển kinh tế rừng bền vững. An ninh rừng ngày càng ổn định; các vụ khai thác trái phép lâm sản, điểm nóng xâm hại rừng đã được giải quyết dứt điểm. Công tác phối hợp giữa các BQLRPH với cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng có chuyển biến tích cực trong giải quyết, tháo gỡ về chồng lấn đất đai, vi phạm Luật Lâm nghiệp; xây dựng, triển khai ký cam kết phối hợp trong công tác BVR và phòng cháy, chữa cháy nên số vụ tranh chấp đất đai, vi phạm pháp luật về sử dụng đất, BVR giảm đáng kể. Tính từ năm 2007 đến tháng 8-2020, các BQLRPH đã bảo vệ an toàn khoảng 173.000 ha rừng; khoanh nuôi, tái sinh tự nhiên 22.288 ha; khoanh nuôi, tái sinh trồng bổ sung 624 ha; trồng gần 21.000 ha rừng sản xuất và rừng phòng hộ; chăm sóc hơn 20.000 ha rừng trồng, nâng độ che phủ rừng của tỉnh từ 45,1% (năm 2007) lên 53,4% (31-12-2019). Hàng năm, các đơn vị còn sản xuất, cung cấp hàng triệu cây giống lâm nghiệp các loại phục vụ trồng rừng, trồng cây phân tán. Hầu hết đất trống, đồi trọc trên địa bàn, đặc biệt là diện tích đất lâm nghiệp Nhà nước giao cho các BQL đã cơ bản được phủ xanh. Một số BQLRPH đã đầu tư, đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và tăng thu nhập cho người lao động. Cụ thể như BQLRPH Thường Xuân xây dựng 8 ha vườn quế đầu dòng phục vụ đề án phát triển 1.000 ha quế trên địa bàn huyện Thường Xuân; đưa máy sàng vào xử lý hạt lim xanh để có tỷ lệ nảy mầm trên 90%; mô hình trồng rừng thâm canh của BQLRPH Như Thanh có năng suất cao gấp 2,5 lần trồng rừng quảng canh...

Thông qua triển khai các chương trình dự án và công tác lâm nghiệp, các BQLRPH đã góp phần làm thay đổi cơ cấu kinh tế tại các huyện miền núi, bước đầu hình thành các vùng nguyên liệu cho chế biến, hình thành các mô hình phát triển kinh tế rừng bền vững trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Thực tế hoạt động và những kết quả đạt được tại các BQLRPH là minh chứng sinh động, đầy sức thuyết phục cho tính đúng đắn của chủ trương XHH nghề rừng.

Thùy Dương - Hương Thảo

Bài 3: Xã hội hóa nghề rừng - những vấn đề đặt ra.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/khat-vong-rung-xanh-bai-2-nghe-rung-va-nhung-buoc-chuyen-minh/123966.htm