Khát vọng thành trung tâm kinh tế biển quốc gia

Tỉnh An Giang sở hữu đường bờ biển dài trên 200km, vùng biển rộng hơn 63.000km2 và có 3 đặc khu Kiên Hải, Thổ Chu, Phú Quốc có vị trí chiến lược và tiềm năng phát triển tầm quốc tế. Ngoài ra, An Giang còn có núi rừng và đồng bằng, đô thị lớn ven sông. Đây là lợi thế lớn, tiền đề quan trọng để tỉnh thực hiện khát vọng vươn lên trở thành trung tâm kinh tế biển của quốc gia, với hệ sinh thái kinh tế liên hoàn.

Góc nhìn của chuyên gia

Mới đây, tại Hội thảo “Định hướng phát triển kinh tế - xã hội và góp ý văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030”, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải khẳng định, An Giang đặt mục tiêu đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá của cả nước, là trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia, có hệ sinh thái kinh tế liên hoàn, vừa có biển vừa có đồng bằng và biên giới. Mục tiêu trên hoàn toàn có thể trở thành hiện thực, mở ra một không gian phát triển mới, chưa từng có trong lịch sử.

Nhìn lại quy hoạch tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phê duyệt trước đây, ba đô thị lớn (Phú Quốc, Rạch Giá, Hà Tiên) được xác định là “Tam giác phát triển chính” trong nền kinh tế biển, dịch vụ, thương mại của cả khu vực. Và nay, vùng tứ giác Long Xuyên - Châu Đốc - Rạch Giá - Hà Tiên trở thành “vùng động lực kinh tế tổng hợp, kinh tế liên hoàn”. Ở đó có nông nghiệp công nghệ cao, logistics, du lịch sinh thái, thương mại biên giới và công nghiệp chế biến sâu.

Cần đẩy mạnh hình thành đô thị ven sông

Cần đẩy mạnh hình thành đô thị ven sông

Ý tưởng trở thành “vùng động lực kinh tế tổng hợp” được Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan ví như “một hệ sinh thái kinh tế liên hoàn”, nơi có ba trục kinh tế phát triển gồm: Đồng bằng - biên giới - Biển Tây. Đây là 3 trục kinh tế sẽ tương tác, hỗ trợ lẫn nhau để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

Để An Giang thực hiện thành công khát vọng trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, nền tảng phát triển kinh tế của tỉnh cần được xây dựng trên ba mối liên kết: Chiến lược “tam ngư” (ngư nghiệp - ngư dân - ngư trường), tam trụ kinh tế biển (du lịch - đô thị biển - dịch vụ tổng hợp) và tam giác phát triển (Phú Quốc - Rạch Giá - Hà Tiên).

Nếu Phú Quốc đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch - tài chính, Rạch Giá phát triển thương mại - xây dựng trung tâm hành chính của tỉnh thì Hà Tiên phát triển loại hình du lịch di sản, trung tâm logistics khu vực. Ông Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, thực hiện chiến lược tam ngư, tỉnh cần giảm đánh bắt cá tự nhiên, tăng nuôi trồng, đẩy mạnh bảo tồn biển, đồng thời phát triển chuỗi giá trị thủy sản công nghệ cao, thân thiện môi trường.

Đẩy mạnh loại hình du lịch làng bè, kết nối vùng lõi Long Xuyên với không gian biển

Đẩy mạnh loại hình du lịch làng bè, kết nối vùng lõi Long Xuyên với không gian biển

Giải pháp pháp triển

Cùng quan điểm với các chuyên gia về phát triển kinh tế biển bền vững, ông Lê Chí Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh cho rằng, muốn vươn ra biển lớn, trước hết cần tiếp tục tổ chức lại sản xuất ngành thủy sản theo hướng hiện đại, xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cần chú trọng phát triển nuôi biển công nghệ cao, ưu tiên giống thủy sản bản địa có giá trị, nâng cao chất lượng khâu chế biến, đồng thời tổ chức lại lực lượng khai thác xa bờ một cách bài bản, chuyên nghiệp hơn nữa.

An Giang đang quyết tâm xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, hạ tầng số mang tính hiện đại. Đẩy mạnh phát triển giáo dục, y tế số trong nhóm đầu cả nước, gắn kết không gian biển với vùng lõi tứ giác Long Xuyên thông qua chuỗi cung ứng thủy sản, dược liệu, logistics và du lịch. Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh nhà phát triển sau hợp nhất.

Nhiều công trình được đầu tư tại Phú Quốc để phục vụ phát triển du lịch

Nhiều công trình được đầu tư tại Phú Quốc để phục vụ phát triển du lịch

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nhấn mạnh thêm: “Tỉnh cần nhanh chóng thực hiện 3 mối liên kết nêu trên bởi An Giang không chỉ là vùng nguyên liệu mà phải trở thành vựa ý tưởng mới của đồng bằng sông Cửu Long. Phát triển nông nghiệp, thủy sản trong tương lai không thể tách biệt từng ngành, mà phải nhìn như một hệ sinh thái đa tầng. Trong đó, giá trị sinh thái - văn hóa - kinh tế - công nghệ - đổi mới sáng tạo được tích hợp chặt chẽ”.

Đẩy mạnh loại hình du lịch làng bè, kết nối vùng lõi Long Xuyên với không gian biển

Đẩy mạnh loại hình du lịch làng bè, kết nối vùng lõi Long Xuyên với không gian biển

Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia, sở hữu một hệ sinh thái kinh tế liên hoàn. Để hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng, tỉnh cần tập trung vào các giải pháp mang tính chiến lược như phát triển kinh tế biển đa dạng và bền vững, xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học, công nghệ, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường hợp tác.

Cụ thể, trong xây dựng cơ chế, chính sách, tỉnh cần tiếp tục ban hành chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế biển, du lịch, kinh tế tổng hợp; đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch… Bằng những giải pháp trên, hy vọng An Giang sẽ thực hiện thành công khát vọng của mình, vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia, sở hữu một hệ sinh thái kinh tế liên hoàn như mong muốn.

Bài và ảnh: MINH HIỂN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/khat-vong-thanh-trung-tam-kinh-te-bien-quoc-gia-a425147.html