Tinh gọn để bứt phá: Công đoàn Công Thương trên hành trình đổi mới và thích ứng

Năm 2025 đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của tổ chức Công đoàn Công Thương Việt Nam khi triển khai đồng bộ việc sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lúc, hiệu quả của Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương.

Ông Lê An Hải – Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam

Ông Lê An Hải – Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam

Trong bối cảnh công nghiệp đang chuyển nhanh sang nền sản xuất số, đòi hỏi tổ chức công đoàn không chỉ tinh gọn về cơ cấu mà còn phải nâng tầm năng lực đội ngũ, phương thức hoạt động để đáp ứng kỳ vọng mới của người lao động. Nhân dịp này, phóng viên Tạp chí Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Lê An Hải – Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam xung quanh những chuyển động lớn của tổ chức công đoàn Ngành trong 6 tháng đầu năm và định hướng những tháng cuối năm 2025.

Tinh gọn bộ máy, giữ vững niềm tin

PV: Thưa ông, trong thời gian qua, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã triển khai sắp xếp, tinh gọn tổ chức như thế nào? Việc này mang lại những kết quả bước đầu ra sao, đặc biệt là ở cấp công đoàn cấp trên cơ sở?

Chủ tịch Lê An Hải: Việc sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 và Nghị quyết 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 là những chủ trương lớn, được Công đoàn Công Thương Việt Nam nghiêm túc quán triệt và triển khai đồng bộ từ đầu năm. Luật Công đoàn 2024 được sửa đổi, bổ sung và có hiệu lực từ 01/7/2025 theo hướng thu gọn hệ thống Công đoàn Việt Nam từ 4 cấp xuống còn 3 cấp để phù hợp với hệ thống chính quyền được tinh gọn, giảm cấp trung gian. Đặc biệt, từ 15/6/2025, Công đoàn Bộ Công Thương và 20 công đoàn ngành Công Thương tại địa phương đã kết thúc nhiệm vụ lịch sử; Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cũng được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo hạ cấp thành Công đoàn cơ sở phù hợp với định hướng giảm cấp trung gian đã và đang có những tác động trực tiếp, gián tiếp tới hoạt động của Công đoàn Công Thương Việt Nam, đồng thời có thể để lại những khoảng trống lớn cần sự phối hợp chặt chẽ của các cấp công đoàn để chăm lo đời sống các đoàn viên, người lao động của Ngành Công Thương.

Trên cơ sở định hướng và chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đảng ủy Bộ Công Thương, ở cấp công đoàn cấp trên cơ sở, chúng tôi đã chủ động tổ chức hội nghị, hội thảo lấy ý kiến và thảo luận cởi mở từ cơ sở; lắng nghe kỹ lưỡng tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, viên chức và người lao động của các tổ chức công đoàn trực thuộc trước khi ban hành các văn bản hướng dẫn, quyết định sắp xếp tổ chức. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Công Thương đã tiếp nhận nguyên trạng một số công đoàn cơ sở thuộc Công đoàn Viên chức Việt Nam để quản lý, đảm bảo không gián đoạn hoạt động, quyền lợi của các tổ chức công đoàn và đoàn viên trực thuộc.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam Lê An Hải thăm phòng giặt sấy quần áo bảo hộ lao động của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam Lê An Hải thăm phòng giặt sấy quần áo bảo hộ lao động của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao

Mặc dù vẫn cần có những chỉ đạo cụ thể, trực tiếp từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đối với công tác tổ chức, nhưng bước đầu có thể nói, Công đoàn Công Thương đã chủ động trong việc nắm bắt thông tin và thảo luận về những phương án và định hướng cho việc sắp xếp đảm bảo đạt những kết quả tích cực trong thời gian tới; Quá trình thực hiện luôn tuân thủ đúng các quy chế làm việc, có sự thống nhất chỉ đạo từ cấp ủy, chính quyền và nhận được sự đồng thuận cao từ đội ngũ cán bộ công đoàn. Đây chính là nền tảng để chúng tôi tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao trong giai đoạn mới.

PV: Trong quá trình sắp xếp tổ chức công đoàn cấp trên cơ sở, chắc hẳn có không ít khó khăn và thách thức đặt ra. Theo ông, những “điểm nghẽn” lớn nhất là gì?

Chủ tịch Lê An Hải: Đúng vậy, sắp xếp tổ chức bộ máy và nhân sự của Công đoàn Công Thương Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là một việc hệ trọng, tác động trực tiếp, toàn diện đến hiệu quả vận hành của tổ chức công đoàn, đặc biệt là đến tâm tư của đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách cũng như các cấp công đoàn trực thuộc. Do vậy, khó khăn đầu tiên, theo tôi, là về mặt nhận thức, tư tưởng. Việc dừng hoạt động và hạ cấp của một số tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã và đang khiến cán bộ, đoàn viên công đoàn vốn đã gắn bó từ nhiều năm và rất tâm huyết với hoạt động công đoàn băn khoăn, lo lắng về vị trí công tác, về tương lai của tổ chức mình đang gắn bó.

Khó khăn tiếp theo đó là việc cập nhật và áp dụng chính xác các văn bản hướng dẫn mới trong bối cảnh hiện nay, vì trong quá trình sắp xếp trên tinh thần “chủ động”, “vừa chạy, vừa xếp hàng”, nhiều quy định còn đang được sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Điều này khiến một số công đoàn cơ sở còn lúng túng trong triển khai công việc, đặc biệt là việc sắp xếp hạ cấp ở các cấp công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở khu vực doanh nghiệp.

Một trong những “khó khăn” nhưng rất được mong đợi đó là việc tiếp nhận các tổ chức công đoàn cơ sở, trước đây thuộc Công đoàn Viên chức, về hoạt động trong mái nhà Công đoàn Công Thương. Trong thời gian rất ngắn, chúng tôi đã phải nhanh chóng tiếp nhận, hướng dẫn triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, trong khi đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách của Công đoàn Công Thương đang giảm khi thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW. Bên cạnh đó, trên tinh thần chỉ đạo, từ nay đến cuối năm 2025 cũng như các năm tiếp theo, Công đoàn Công Thương tiếp tục phát triển mạnh mẽ tổ chức ra khu vực ngoài nhà nước, trong khi khung pháp lý cũng như thẩm quyền của Công đoàn Công Thương khá hạn chế. Đây có lẽ là một trong những khó khăn lớn trong nhiệm kỳ tới.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Tổng Liên đoàn, Đảng ủy Bộ Công Thương và sự đồng thuận, chia sẻ của các cấp công đoàn, chúng tôi từng bước tháo gỡ được khó khăn, đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra đúng hướng, ổn định và giữ được niềm tin của đoàn viên, người lao động.

Thích ứng thời đại số, gắn đổi mới tổ chức với chăm lo con người

PV: Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số đang thâm nhập sâu vào hoạt động sản xuất – kinh doanh, theo ông, cán bộ công đoàn và người lao động đang phải đối mặt với những thách thức nào mới?

Chủ tịch Lê An Hải: Chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn không còn là xu hướng mà đã thực sự thay đổi toàn diện cách doanh nghiệp vận hành, từ sản xuất, quản trị đến tổ chức lao động. Công đoàn Công Thương Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó, đã và đang thực sự phải tiến hành “cải tổ”, “làm mới” chính mình để có thể đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn. Nghị quyết Đại hội Công đoàn Công Thương Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 đã đặt ra nhiệm vụ này. Từ đầu nhiệm kỳ Công đoàn Công Thương cũng đã bắt tay vào triển khai xây dựng kế hoạch và có những định hướng tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về Chuyển đổi số, Trí tuệ nhân tạo và đã giao nhiệm vụ tới các cấp công đoàn nghiên cứu triển khai.

Tổng giám đốc Phạm Thanh Tùng giới thiệu các món ăn do chính các đầu bếp của Supe Lâm Thao thực hiện

Tổng giám đốc Phạm Thanh Tùng giới thiệu các món ăn do chính các đầu bếp của Supe Lâm Thao thực hiện

Định hướng là vậy, chỉ đạo là vậy, nhưng trong thực tiễn, từ nhận thức rồi trang bị kiến thức và tư duy để đưa vào các hành động, hoạt động cụ thể đối với cán bộ công đoàn và người lao động là thử thách không nhỏ. Người lao động buộc phải học hỏi liên tục, trang bị kỹ năng mới để thích nghi với công nghệ và tránh nguy cơ bị đào thải. Đặc biệt, lao động phổ thông hay lao động ở doanh nghiệp nhỏ càng gặp nhiều trở ngại hơn trong quá trình này.

Không chỉ vậy, trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh thực hiện các Nghị quyết lớn như Nghị quyết 57-NQ/TW về về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, hay Nghị quyết 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, thì người lao động phải đối diện với áp lực cạnh tranh gay gắt hơn, yêu cầu cao hơn về kỹ năng, tay nghề, kỷ luật lao động và tư duy hội nhập.

Đồng thời, quá trình tái cơ cấu, sắp xếp lại tổ chức, cả ở cấp ngành và doanh nghiệp cũng kéo theo sự thay đổi về vị trí việc làm, phương thức làm việc. Không ít người lao động lo ngại về nguy cơ bị thay thế, đào thải nếu không kịp thích ứng với chuẩn mực mới của thị trường lao động toàn cầu. Với cán bộ công đoàn, yêu cầu đặt ra là phải đổi mới phương thức hoạt động, ứng dụng công nghệ để vẫn giữ được sự gần gũi với đoàn viên. Cùng với đó là áp lực cập nhật nhanh các chính sách pháp luật mới trong môi trường sản xuất số hóa, kinh tế mở và đổi mới liên tục. Một thách thức không thể bỏ qua là công tác tuyên truyền. Giữa một môi trường công nghệ phân tầng, không dễ để chọn đúng hình thức truyền thông phù hợp với mọi cơ sở.

Tuy vậy, với việc không ngừng nâng cao nhận thức và trách nhiệm hành động của cấp lãnh đạo Công đoàn Công Thương về kỷ nguyên Chuyển đổi số, Trí tuệ nhân tạo, Dữ liệu lớn, song hành với việc đưa ra các chương trình, kế hoạch và chiến lược đào tạo bài bản, có định hướng rõ ràng với những nguồn lực thực hiện phù hợp cho cả cán bộ công đoàn lẫn người lao động, chắc chắn chúng ta sẽ không chỉ vượt qua được thử thách mà còn chủ động tiến bước trong kỷ nguyên số, hòa nhịp cùng xu thế hội nhập và phát triển của đất nước.

PV: Trên cơ sở những biến động và yêu cầu mới hiện nay, Công đoàn Công Thương Việt Nam sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào trong thời gian tới?

Chủ tịch Lê An Hải: Chúng tôi xác định rõ, bối cảnh hiện nay, từ việc sắp xếp tổ chức theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết 60-NQ/TW cho đến những tác động mạnh mẽ của Chuyển đổi số, Trí tuệ nhân tạo, Dữ liệu lớn đã và đang đặt ra yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ cả về tư duy, phương thức và hành động của tổ chức Công đoàn Công Thương Việt Nam.

Trung ương vừa ban hành và định hướng xuyên suốt “Bộ tứ trụ cột” các Nghị quyết 57-NQ/TW, 59-NQ/TW, 66-NQ/TW và 68-NQ/TW liên quan đến Khoa học công nghê, Chuyển đổi số; Hội nhập quốc tế toàn diện; Nhà nước pháp quyền và Kinh tế tư nhân sẽ là những “Sợi chỉ đỏ” xuyên suốt cho việc triển khai nhiệm vụ, định hướng chiến lược cho Công đoàn Công Thương trong 6 tháng cuối năm và những năm tiếp theo. Vì vậy, trong 6 tháng cuối năm 2025, Công đoàn Công Thương Việt Nam sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm:

Một là, tiếp tục triển khai có hiệu quả việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức công đoàn các cấp, bảo đảm bộ máy tinh gọn nhưng hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giữ vững mối quan hệ gắn bó, chăm lo cho đoàn viên, người lao động trong quá trình thay đổi tổ chức. Điều chỉnh các nội dung nhiệm vụ của tổ chức công đoàn cho phù hợp tình hình mới, trong đó gắn liền với nhiệm vụ “Chuyển đổi số”, xây dựng các cơ sở “Dữ liệu lớn” phục vụ công tác chỉ đạo và điều hành được thông suốt, toàn diện trên tinh thần tối ưu hóa sử dụng các nguồn lực tài chính phục vụ công tác chuyên môn.

Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam Lê An Hải trao quà cho Anh Phạm Hồng Phong - Công nhân Phân xưởng KCS1 Giấy Bãi Bằng nhân Tháng Công nhân 2025

Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam Lê An Hải trao quà cho Anh Phạm Hồng Phong - Công nhân Phân xưởng KCS1 Giấy Bãi Bằng nhân Tháng Công nhân 2025

Hai là, đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở, nhất là tại khu vực ngoài nhà nước – nơi đang chịu tác động mạnh từ quá trình chuyển đổi và hội nhập. Đây là nền tảng để công đoàn không “lỡ nhịp” với cơ cấu kinh tế mới. Định hướng chính đó là tiếp tục duy trì ổn định bộ máy và mô hình hiện tại; Mở rộng, tăng cường sự tham gia và hoạt động của các tổ chức công đoàn doanh nghiệp khu vực đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chủ động nắm bắt tâm tư, vướng mắc tại cơ sở; từ đó đề xuất chính sách phù hợp để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động khi có sự thay đổi vị trí việc làm, phương thức quản lý hoặc điều kiện lao động.

Bốn là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn thông qua đào tạo, tập huấn, đặc biệt chú trọng năng lực ứng dụng công nghệ, am hiểu pháp luật lao động trong bối cảnh đổi mới sáng tạo và quốc tế hóa quan hệ sản xuất.

Năm là, đẩy mạnh các phong trào thi đua, hoạt động chăm lo đời sống thiết thực, hướng đến xây dựng môi trường làm việc văn minh, an toàn, phát triển bền vững – qua đó nâng cao vị thế tổ chức công đoàn trong lòng người lao động, doanh nghiệp và toàn xã hội.

PV: Để tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong tình hình mới, ông có thể chia sẻ một số giải pháp cụ thể nhằm giải quyết những khó khăn, tháo gỡ điểm nghẽn cả về tổ chức bộ máy lẫn năng lực cán bộ?

Chủ tịch Lê An Hải: Tôi cho rằng, để tháo gỡ những điểm nghẽn hiện nay, điều quan trọng trước hết là phải giữ được sự ổn định và liền mạch trong tổ chức, đặc biệt ở những nơi đang thực hiện sáp nhập, chuyển giao. Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát kỹ chức năng, nhiệm vụ của các đầu mối công đoàn để tránh chồng chéo, bỏ sót; đồng thời giữ sự kết nối chặt chẽ với đoàn viên, người lao động ở cơ sở, nơi đang chịu ảnh hưởng rõ nhất từ các biến động về tổ chức, công nghệ và thị trường.

Về cán bộ, chúng tôi xác định đầu tư cho đội ngũ là then chốt. Trong bối cảnh đổi mới sáng tạo được coi là quốc sách hàng đầu theo tinh thần Nghị quyết 57, cán bộ công đoàn phải được bồi dưỡng liên tục, không chỉ về kiến thức pháp luật và tổ chức hoạt động, mà còn phải sẵn sàng ứng dụng công nghệ mới, nắm bắt xu thế kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn – những mô hình đang dần phổ biến trong các doanh nghiệp.

Chúng tôi quán triệt sâu sắc tinh thần và yêu cầu từ Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, lĩnh hội đầy đủ định hướng và kỳ vọng của các cấp trên có thẩm quyền. Điều này đòi hỏi tổ chức công đoàn phải có cách tiếp cận linh hoạt, mềm dẻo hơn trong hoạt động tại doanh nghiệp tư nhân, nhất là về phương thức tuyên truyền, tổ chức phong trào, chăm lo người lao động trong các điều kiện đặc thù.

Ông Lê An Hải trao quà cho thương binh nặng Phạm Văn Đốc - Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc người có công Hưng Yên nhân Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7/2025

Ông Lê An Hải trao quà cho thương binh nặng Phạm Văn Đốc - Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc người có công Hưng Yên nhân Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7/2025

Thực hiện Nghị quyết 59, Công đoàn Công Thương Việt Nam tiếp tục tăng cường hội nhập quốc tế, tham gia các khuôn khổ hợp tác khu vực và toàn cầu để khẳng định vai trò, nắm bắt thông tin, tranh thủ nguồn lực, phục vụ mục tiêu hiện đại hóa tổ chức. Đồng thời, thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế, lan tỏa giá trị Việt Nam trong phong trào công đoàn, góp phần chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế và ổn định chính trị đất nước.

Cuối cùng, để lan tỏa tinh thần đổi mới, chính đội ngũ cán bộ hôm nay phải là những người tiên phong – có bản lĩnh, có trách nhiệm, dám đổi mới từ tư duy nhận thức tới hành động và việc làm cụ thể là đặt người lao động ở trung tâm, đặt doanh nghiệp vào vị thế thuận lợi tương quan với lợi ích người lao động, trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật và mục tiêu, tôn chí của Công đoàn Việt Nam.

Khi tổ chức công đoàn đủ năng lực thích ứng với đổi thay, tôi tin chúng ta sẽ không chỉ giữ vững vai trò mà còn khẳng định được vị thế mới trong hệ sinh thái lao động – công nghiệp – hội nhập đang hình thành.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Hồ Nga (thực hiện)

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/tinh-gon-de-but-pha--cong-doan-cong-thuong-tren-hanh-trinh-doi-moi-va-thich-ung-157509.htm