Khát vọng từ mạch nguồn văn hóa dân tộc

Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Đảng ta xác định mục tiêu xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

Rước kiệu, dâng lễ vật cung tiến Tổ tiên dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng.

(baophutho.vn) - Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Đảng ta xác định mục tiêu xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mối quan tâm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước dành cho văn hóa, cùng sứ mệnh “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn khắc sâu hơn ý thức trách nhiệm của mỗi trí thức, văn nghệ sĩ, nhà văn hóa, nhà quản lý, những người thực hành văn hóa.

“Hội nghị Diên Hồng” về văn hóa
Cách đây đúng 75 năm, ngày 24/11/1946 tại Nhà hát lớn, thành phố Hà Nội, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức với sự tham gia của hơn 200 nhà hoạt động văn hóa đại diện cho phong trào văn hóa toàn quốc khắp ba miền Bắc, Trung, Nam. Trong diễn văn khai mạc tại hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu nhiệm vụ của văn hóa mới là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam với ba tính chất: Dân tộc, khoa học, đại chúng. Người nêu rõ vị trí, ảnh hưởng của văn hóa nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ. Với xã hội, văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, cả đàn ông lẫn đàn bà ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình là biết hưởng hạnh phúc của mình nên được hưởng. Số phận của dân tộc là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi.Hai năm sau, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai do Đảng ta chỉ đạo, diễn ra từ ngày 16 đến 20/7/1948, tại xã Đào Giã, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, khi cả nước đang trường kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược. Cùng với Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai năm 1948 được xem là “Hội nghị Diên Hồng” đầu tiên về văn hóa - nơi Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch rõ nội hàm và đích đến của “nền văn hóa mới của nước Việt Nam mới”; thực sự là ánh sáng soi đường tập hợp đông đảo lực lượng văn nghệ sĩ, trí thức, các nhà khoa học trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Lễ cấp sắc của đồng bào người Dao xã Thượng Long, huyện Yên Lập.Sau 2/3 thế kỷ, ngày 24/11 Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, thống nhất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045. Phát biểu tại hội nghị đồng chí Nguyễn Phú Trọng-Tổng Bí thư BCH TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: Hội nghị Văn hóa toàn quốc của chúng ta hôm nay là một dịp quan trọng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, nhất là những người làm công tác văn hóa, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ của cả nước, quán triệt sâu sắc, toàn diện và đồng bộ hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng ta, đặc biệt là quan điểm của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về việc xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng chí mong muốn sau Hội nghị công tác văn hóa sẽ có bước chuyển biến, tiến bộ mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.Với hơn 150 tham luận của các chuyên gia, nhà quản lý, văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học… càng khẳng định rõ hơn vai trò “soi đường cho quốc dân đi” của văn hóa, đồng thời, các tham luận cũng hiến kế định hướng phát triển văn hóa và con người trong giai đoạn mới, từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức của con người Việt Nam thời đại mới.Động lực mới phát triển văn hóa dân tộc
Sau hai hội nghị quan trọng về văn hóa, hoạt động văn hóa, nghệ thuật đã có những chuyển biến mạnh mẽ chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc. Việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng. Trước hết, nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác văn hóa tiếp tục được đổi mới, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa từng bước được nâng cao. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật, tạo cơ sở pháp lý xây dựng và phát triển văn hóa, con người; xây dựng môi trường văn hóa gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Người dân xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy giữ gìn nghề đan lát truyền thống.Trên quê hương Đất Tổ, tỉnh Phú Thọ cũng đã sớm thành lập Chi hội Hội văn hóa kháng chiến trong sự trợ giúp của đông đảo lực lượng văn nghệ sĩ Trung ương. Cuối năm 1948 Chi hội Hội văn hóa kháng chiến đã phát triển được hơn 2.000 hội viên. Một số ban, ngành của tỉnh cũng được xuất bản và phát hành các ấn phẩm như đặc san “Truyền tin” của Ty thông tin, đặc san “Cầm cự” của Tỉnh đội bộ dân quân, tờ “Tia sáng” của Tỉnh bộ Việt Minh, tờ “Sông Lô” của Liên khu X, tờ “Đây Việt Bắc” của Chi hội Liên Việt, tờ “Phụ Nữ tiến” của Hội Phụ nữ... đã góp phần tuyên truyền các chủ trương của Đảng và tinh thần của cuộc kháng chiến trong nhân dân Phú Thọ. Những kết quả trên mặt trận văn hóa đã thể hiện sự cố gắng, nỗ lực rất cao của Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ trong những năm đầu của cuộc kháng chiến, tạo niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và thắng lợi của cuộc kháng chiến.Dưới sự lãnh đạo của Đảng, văn hóa dân tộc Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh về văn hóa vẫn giữ nguyên giá trị và soi sáng bước đường phát triển của văn hóa nước ta. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta cũng không ngừng đổi mới tư duy lý luận và bổ sung phát triển các quan điểm, đường lối lãnh đạo văn hóa phù hợp với điều kiện thực tiễn. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của đất nước trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Trong quá trình ấy, Đảng bộ tỉnh Phú Thọ đã lãnh đạo nhân dân không ngừng đổi mới, sáng tạo trong thực hiện Nghị quyết; chủ động xác định phương hướng, mục tiêu, giải pháp để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa một cách chủ động, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh... Các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã có ý thức coi trọng các giá trị văn hóa tinh thần tích cực tham gia bảo vệ các giá trị văn hóa. Các cấp ủy, chính quyền đã tập trung chỉ đạo xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Môi trường văn hóa nhìn chung đã được cải thiện, công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa ngày càng mở rộng. Nhiều phong trào văn hóa đem lại hiệu quả thiết thực, nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Các điều kiện vật chất, các thiết chế văn hóa phát triển khá hơn, góp phần nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân.Văn học - Nghệ thuật đã có bước phát triển mạnh cả về quy mô và hoạt động các chuyên ngành. Công tác bảo tồn phát huy giá trị các di sản văn hóa đã được quan tâm chỉ đạo tốt và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng dân cư. Đặc biệt “Hát Xoan Phú Thọ” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Các giá trị văn hóa được coi trọng và phát huy trong đời sống nhân dân, thực sự là nguồn lực quan trọng cho phát triển. Phú Thọ trở thành vùng đất văn hiến, nơi hội tụ văn hóa tâm linh, cội nguồn của dân tộc Việt Nam.Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vừa diễn ra tại Thủ đô Hà Nội theo hình thức trực tuyến, với 9 giải pháp trọng tâm xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, dư luận kỳ vọng, từ hội nghị này sẽ tạo động lực mới trên con đường phát triển nền văn hóa Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế.Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Cao Hồng Phương-Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT tỉnh khẳng định: “Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã góp phần đáp ứng mong mỏi của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật cũng như các tầng lớp nhân dân về vấn đề chấn hưng, phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ mới. Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi, có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa vùng Đất Tổ, thúc đẩy sự phát triển của đội ngũ văn nghệ sĩ, tích cực tuyên truyền tốt các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, khẳng định vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng”.Trên nền tảng kế thừa, phát huy những giá trị nhân văn của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại và từ thực tế vận động phát triển, xác lập một hệ giá trị mới, có đủ năng lực đón nhận những thách thức cũng như cơ hội do toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại. Kỳ vọng lớn từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống, tin chắc văn hóa sẽ trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Thu Hà

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-hoa/202112/khat-vong-tu-mach-nguon-van-hoa-dan-toc-181391