Khát vọng vươn lên của cậu học trò nghèo

BHG - Bố mất sức lao động đến 81% và phải đơn thân nuôi hai con ăn học, khó khăn đó đã khiến Kiên bùng lên khát vọng “rũ nghèo” để tỏa sáng. Bước khởi đầu trên hành trình ấy của Kiên chính là “mở” cánh cửa danh giá Học viện Biên phòng.

Năm học 2023 – 2024, Nguyễn Văn Kiên, học sinh lớp 12, Trường THPT Việt Vinh (Bắc Quang) đã chinh phục thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT với điểm số ấn tượng 27,75 điểm. Trong đó, môn Ngữ Văn đạt điểm 8, Lịch sử 9,75 điểm và điểm 10 môn Địa lý. Kết quả này giúp Kiên trúng tuyển ngành Luật của Học viện Biên phòng.

Nguyễn Văn Kiên hoàn thiện thủ tục, hồ sơ tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bắc Quang trước khi nhập học.

Nguyễn Văn Kiên hoàn thiện thủ tục, hồ sơ tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bắc Quang trước khi nhập học.

Cô Vi Thị Thanh Huyền, giáo viên chủ nhiệm của Kiên xúc động nói: “Hoàn cảnh sống chất chồng khó khăn khiến đường đến trường của Kiên gập ghềnh hơn các bạn cùng trang lứa. Thế nhưng, Kiên trở thành tấm gương nghị lực, truyền cảm hứng để các bạn trong trường học tập, làm theo. Không chỉ là học sinh hạnh kiểm tốt, học lực giỏi, sẵn sàng giúp đỡ bạn học yếu tiến bộ, Kiên còn sở hữu thành tích học tập môn Địa lý đáng ngưỡng mộ, giành giải Nhì trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh môn Địa lý. Đặc biệt, với nhiều thành tích xuất sắc trong tu dưỡng, rèn luyện, Kiên đã được tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng”.

Anh Nguyễn Văn Phong, thôn Việt Tân (thị trấn Việt Quang) – bố của Kiên không ngăn được những giọt nước mắt khi nói về việc học của con: “Chỉ vì hoàn cảnh nghèo khó của tôi nên Kiên thiệt thòi, không có điều kiện đi học thêm, cũng không thể mua sách tham khảo mà chỉ nỗ lực tự học kiến thức trong sách giáo khoa và qua những giờ học trên lớp”. Rồi câu chuyện trong quá khứ cứ như một thước phim quay chậm qua giọng kể trầm buồn của anh Phong. Năm 2014, em trai của Kiên là Nguyễn Văn Phúc cất tiếng khóc chào đời cũng là lúc gia đình phát hiện Phúc bị bệnh tim bẩm sinh. Từ đây, bao tiền vốn liếng tiết kiệm, vay mượn người thân được huy động để điều trị bệnh cho Phúc. Cũng bởi hoàn cảnh bất khả kháng, gia đình Kiên từ một hộ khá rơi xuống hộ nghèo. Xót xa hơn, năm 2019, người mẹ của các em cũng “dứt áo” ra đi tìm hạnh phúc mới. Vốn cảnh vừa làm cha, vừa làm mẹ của anh Phong đã đủ cơ cực nhưng rồi năm 2020, sóng gió tiếp tục ập đến. Sau nhiều trận bạo bệnh, anh Phong mất đi 81% sức khỏe khiến gia đình điêu đứng trước cảnh lo cơm áo, gạo tiền, nuôi con ăn học. Anh Phong nghẹn ngào: “Không có sức khỏe để lao động, nguồn lực kinh tế trông chờ vào 3,4 triệu đồng tiền trợ cấp xã hội hàng tháng của tôi và con trai út. Còn 0,3 ha cây ăn quả, mỗi năm cũng chỉ cho thu nhập chưa đầy 20 triệu đồng”…

Ngoài giờ học trên lớp, Nguyễn Văn Kiên đều dành thời gian phụ giúp bố chăm sóc vườn cây ăn quả.

Ngoài giờ học trên lớp, Nguyễn Văn Kiên đều dành thời gian phụ giúp bố chăm sóc vườn cây ăn quả.

Hoàn cảnh gia đình buộc cậu học trò Nguyễn Văn Kiên nhanh chóng trưởng thành trong suy nghĩ. Kiên cho biết: “Ngoài học đều các môn tự nhiên và xã hội, em lựa chọn môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý làm “mũi nhọn” để có thành tích tốt nhất dự tuyển vào các trường chuyên nghiệp. Thương bố vất vả, em quyết tâm chinh phục Học viện Biên phòng để suốt 4 năm theo học tại đây, bố không phải “nặng gánh” kinh tế khi mọi chi phí học tập, sinh hoạt của em đều được hưởng theo chế độ, chính sách đãi ngộ của Nhà nước”.

Ngày Kiên nhận giấy báo trúng tuyển Học viện Biên phòng, giọt nước mắt hạnh phúc của anh Phong đã rơi vì biết tương lai tươi sáng đang chờ con trai bước tới. Còn Kiên lại thương bố bội phần: “Ngày thường, bố có em san sẻ việc nhà, chăm sóc em trai. Ngày 6.9 tới em nhập học đồng nghĩa với mọi công việc dồn hết lên đôi vai khắc khổ của bố. Thấu hiểu con đường tới giảng đường của mình đã thấm đẫm mồ hôi, nước mắt của bố, Kiên tự hứa với lòng mình, trong môi trường mới sẽ ra sức học tập, rèn luyện, vượt mọi khó khăn, thử thách, phấn đấu trở thành người sĩ quan ưu tú của Quân đội nhân dân Việt Nam”.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202409/khat-vong-vuon-len-cua-cau-hoc-tro-ngheo-8b624f3/