Khẩu hiệu người Việt ưu tiên hàng Việt đi vào cuộc sống

Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' đã bước sang năm thứ 15 và ngày càng khẳng định vai trò trong việc thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng nội địa.

Từ một khẩu hiệu, phong trào này đã đi vào tiềm thức, hiện diện trong đời sống hàng ngày của xã hội, được chứng minh qua tỷ lệ người dân sử dụng hàng Việt tăng mạnh lên hơn 85%.

Hàng hóa Việt Nam ngày càng cải thiện cả về chất lượng sản phẩm, mẫu mã bao bì và giá thành hợp lý, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Một khảo sát gần đây của Hội Doanh nghiệp cho thấy, hơn 80% người được hỏi sẵn sàng chọn mua các sản phẩm mang thương hiệu uy tín đạt chuẩn “Hàng Việt Nam chất lượng cao”. Đặc biệt, 60% khách hàng chú trọng đến sự đa dạng chủng loại sản phẩm, trong khi hơn 50% đánh giá cao doanh nghiệp có sản phẩm mới hoặc cải tiến. Tuy nhiên, chỉ 39% người tiêu dùng ưu tiên yếu tố giá bán cạnh tranh, cho thấy chất lượng và sự đổi mới vẫn là những yếu tố quan trọng nhất.

Chị Lương Thị Huyền, người tiêu dùng Hà Nội chia sẻ: "Mình thấy chất lượng hàng hóa Việt Nam ngày càng tốt, mẫu mà ngày càng đẹp, đa dạng, cũng đã thu hút được nhiều đối tượng khách hàng, kích cầu được hàng tiêu dùng Việt Nam, người mua sắm như mình cũng có những trải nghiệm nhiều hơn".

Nhận được sự quan tâm ủng hộ từ người tiêu dùng, các doanh nghiệp Việt cũng nhận thấy rõ trách nhiệm trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu. Để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thực sự hiệu quả và bền vững, không chỉ cần nỗ lực tuyên truyền mà còn đòi hỏi trách nhiệm từ phía doanh nghiệp.

Việc đầu tư vào chất lượng, cải tiến sản phẩm và bảo vệ thương hiệu là chìa khóa để khẳng định vị trí của hàng Việt trong lòng người tiêu dùng. Đồng thời, các chương trình bình chọn, đánh giá sản phẩm chất lượng cao sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy doanh nghiệp và thị trường nội địa phát triển mạnh mẽ hơn.

Quốc Dũng

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/khau-hieu-nguoi-viet-uu-tien-hang-viet-di-vao-cuoc-song-283358.htm