Ngưỡng doanh thu từ 200 triệu đồng/năm trở xuống không chịu thuế giá trị gia tăng
Phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản quay lại diện chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) 5%, theo dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua.
Dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng - GTGT (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua với 407 phiếu thuận, chiếm 84,97% tổng số đại biểu (ĐB) Quốc hội.
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, dự thảo luật đã bổ sung các nội dung quy định về trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ của cơ quan quản lý thuế với các nhà quản lý các sàn thương mại điện tử, các nền tảng số để thống nhất về cách thức thực hiện khấu trừ, kê khai thuế thay, nộp thuế thay cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; xác định phạm vi trách nhiệm của các sàn, các nền tảng số một cách phù hợp và khả thi, để tạo thuận lợi và giảm chi phí tuân thủ cho các cá nhân, tổ chức trong thực hiện.
“Đề nghị Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc đầy đủ các vấn đề liên quan trong tổ chức thực hiện để quy định chi tiết trong các văn bản hướng dẫn Luật Thuế GTGT, Luật Quản lý thuế một cách phù hợp và tạo thuận lợi cho các đối tượng nộp thuế, nộp thuế thay”, ông Lê Quang Mạnh nêu rõ.
Về đối tượng không chịu thuế dự thảo Luật sau tiếp thu, chỉnh lý đã bỏ quy định cho phép không nộp thuế GTGT đầu ra nhưng lại được khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với nông sản chưa chế biến hoặc sơ chế ở khâu thương mại để bảo đảm nguyên tắc của thuế GTGT là chỉ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào khi đầu ra thuộc diện chịu thuế GTGT.
Đặc biệt, về ý kiến đề nghị xem xét, nâng mức ngưỡng doanh thu không chịu thuế GTGT lên trên mức 200 triệu đồng; có ý kiến đề nghị mức trên dưới 300 triệu đồng hoặc 400 triệu đồng cho những năm tới (Luật Thuế GTGT hiện hành đang quy định mức doanh thu không chịu thuế GTGT là 100 triệu đồng/năm), để bảo đảm mức tăng hợp lý của ngưỡng doanh thu không chịu thuế, tương đối phù hợp với tỷ lệ tăng GDP và CPI bình quân từ năm 2013 đến nay, dự thảo Luật quy định mức ngưỡng doanh thu 200 triệu đồng/năm.
Về thuế suất đối với mặt hàng phân bón - vấn đề được nhiều ĐB quan tâm cho ý kiến, sau khi cân nhắc nhiều mặt, dự thảo luật đã quy định đưa phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản quay lại diện chịu thuế GTGT 5%.
“UBTVQH sẽ đưa vào dự thảo Nghị quyết kỳ họp nội dung đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước bảo đảm các biện pháp quản lý thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước lợi dụng chính sách mới ban hành, cấu kết với tư thương có các hành vi trục lợi gây biến động lớn về giá trên thị trường, làm ảnh hưởng đến khu vực nông nghiệp”, người đứng đầu Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhấn mạnh.
Giải tỏa lo ngại của một số ĐB về việc các sàn thương mại nước ngoài trong thời gian gần đây gia tăng mạnh việc bán hàng vào Việt Nam với giá trị nhỏ, rất rẻ, rất cạnh tranh và đang không bị thu thuế; ông Lê Quang Mạnh thông tin, hiện nay Chính phủ đang dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử.
UBTVQH đã đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành Nghị định này và cần chấm dứt ngay hiệu lực của Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế) để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và cơ sở pháp lý cho việc thu thuế đối với thương mại điện tử đang được sửa đổi trong dự thảo Luật thuế GTGT cũng như dự thảo Luật Quản lý thuế.