Khẩu vị của nhiều nhà đầu tư là chú trọng tới lợi nhuận, bỏ qua yếu tố pháp lý

Theo ông Phạm Duy Khương, Giám đốc điều hành Công ty Luật ASL: 'Khẩu vị của nhiều nhà đầu tư Việt Nam là bỏ qua yếu tố pháp lý mà chỉ chú trọng tới lợi nhuận, nên khi quyết định đầu tư cần phải thông minh'.

Quan điểm trên được ông Phạm Duy Khương chia sẻ tại buổi Tọa đàm Nhận diện 2023 với chủ đề “Cơ hội đầu tư mới trong môi trường mới” do Báo Đầu tư tổ chức sáng nay (ngày 7/2).

Cập nhật những những quy định mới và giải đáp về hành lang pháp lý cho nhà đầu tư trong nước và quốc tế, Luật sư Phạm Duy Khương cho biết: Năm 2022 thắt chặt nhiều vấn đề về pháp luật, đặc biệt có những vấn đề tưởng như không xử lý được và là điểm trống của pháp luật trước đây như trái phiếu, cổ phiếu, bất động sản, hay tài sản số blockchain. Đến năm 2023, nghị định mới ra đời có thêm các điều khoản mới cho trái phiếu, sẽ tạo ra sân chơi về mặt pháp chế với những quy định rõ ràng hơn.

"Sắp tới, Ngân hàng Nhà nước cũng thắt chặt việc chuyển tiền ra nước ngoài, bởi vậy chúng ta phải lựa chọn các phương thức đầu tư phù hợp", ông Khương nói và cho biết, trong quá trình tư vấn, ông thấy rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào các lĩnh vực chưa có hành lang pháp lý rõ ràng, như blockchain hoặc các sàn giao dịch điện tử.

Luật sư Phạm Duy Khương, Giám đốc điều hành Công ty Luật ASL phát biểu

Luật sư Phạm Duy Khương, Giám đốc điều hành Công ty Luật ASL phát biểu

Khẩu vị của nhiều nhà đầu tư Việt Nam là bỏ qua yếu tố pháp lý mà chỉ chú trọng tới lợi nhuận, bởi vậy, mặc dù quy định pháp luật chưa rõ ràng nhưng lại thu hút lượng lớn nhà đầu tư.

Ông Khương đưa ra lời khuyên đối với nhà đầu tư rằng, khi quyết định đầu tư cần phải sáng suốt và thông minh, cần xác định tư cách pháp nhân của các chủ thể, giấy phép kinh doanh của họ. Nếu tham gia vào các lĩnh vực đầu tư chưa được quy định trong pháp luật thì đồng nghĩa các nhà đầu tư phải chịu những rủi ro và không được bảo vệ.

"Khi đã tham gia vào các hoạt động đầu tư pháp luật Việt Nam chưa quy định, đặc biệt là các hoạt động xuyên biên giới, nhà đầu tư cần tìm hiểu về pháp nhân đầu tư để trường hợp nếu như pháp luật Việt Nam không bảo hộ được thì có thể khởi kiện tại quốc gia pháp nhân đó đặt trụ sở kinh doanh", ông Khương nhấn mạnh thêm.

Theo quan sát trong 2 năm vừa qua, ông Khương nhận xét, nhiều quy định liên quan đến những lĩnh vực xuyên biên giới đã có sự cải tiến, chẳng hạn Facebook, Google đã chịu đóng thuế dịch vụ quảng cáo; Luật an ninh mạng về bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng khiến cho hành vi của các đơn vị cung cấp dịch vụ xuyên biên giới có thay đổi... Nhưng cũng có những lĩnh vực chưa kiểm soát được và cần thêm thời gian, chẳng hạn như blockchain mới đang manh nha tiếp cận, còn để kiểm soát được thì chưa có cơ sở.

"Chúng ta cần có cách thức để đảm bảo các nhà đầu tư Việt Nam tham gia vào thị trường này và đảm bảo các đơn vị cung cấp tài sản số sẵn sàng hiện diện ở Việt Nam. Rất nhiều nhà đầu tư đã sẵn sàng vào Việt Nam nhưng gặp rào cản hệ thống pháp luật Việt Nam chưa quy định, không được cấp phép khiến họ hoang mang. Tôi nghĩ rằng, tương lai hệ thống pháp luật nên có sự thay đổi để kéo các đơn vị đầu tư xuyên biên giới có sự hiện diện tại Việt Nam để áp dụng các chế tài bảo vệ người tham gia và khởi kiện khi cần thiết", ông Khương chia sẻ.

Diệp Anh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/khau-vi-cua-nhieu-nha-dau-tu-la-chu-trong-toi-loi-nhuan-bo-qua-yeu-to-phap-ly-post314722.html