KHCN là giải pháp then chốt phát triển vùng Tây Bắc
Các địa phương vùng Tây Bắc phải thực sự coi nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KHCN là nguồn lực mạnh mẽ, là giải pháp then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Ngày 26/5, tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, Ban Chỉ đạo Tây Bắc tổ chức Hội nghị về chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ (KHCN) nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn vùng Tây Bắc.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc chủ trì Hội nghị.
Nhiều chương trình KHCN được triển khai
Theo báo cáo của 14 tỉnh vùng Tây Bắc, trong 2 năm vừa qua 42 dự án KHCN cấp nhà nước, 461 đề tài, dự án cấp tỉnh và trên 1.000 các mô hình, đề tài, dự án cấp cơ sở đã được triển khai thực hiện.
Phần lớn các công trình tập trung nghiên cứu, nuôi trồng thử nghiệm giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật thâm canh, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, biện pháp bảo vệ thực vật… nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất.
Nhiều công trình đã được ứng dụng, thúc đẩy hình thành các vùng chuyên canh tập trung sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho nông dân, thiết thực xóa đói giảm nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương vùng Tây Bắc.
Nhưng do các hoạt động này còn hạn chế nên tiềm năng về kinh tế rừng, phát triển cây, con đặc sản vẫn chưa được phát huy; vùng chuyên canh tập trung chưa nhiều, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa chưa cao, công tác bảo quản, chế biến sản phẩm sau thu hoạch còn nhiều lúng túng…
Các đề xuất từ thực tiễn
Trong các tham luận, nhiều đại biểu cho rằng, thực tiễn phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn vùng Tây Bắc đang đòi hỏi phải nhanh chóng hình thành nhiều cơ sở sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có sức cạnh tranh và chất lượng sản phẩm cao.
Chính vì vậy, các địa phương cần thiết lập quan hệ hợp tác, liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa nhà khoa học - doanh nghiệp - hộ nông dân. Đồng thời tiếp tục xây dựng cho được đội ngũ nông dân có năng lực tổ chức sản xuất kinh doanh để đi đầu và dẫn dắt mỗi bản làng, mỗi địa phương vươn lên thoát nghèo và làm giàu bền vững.
Tùy theo điều kiện cụ thể, các địa phương tập trung ưu tiên đầu tư cho chương trình giống cây trồng, vật nuôi, nhất là các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, hiệu quả cao như lúa lai, ngô lai, giống cây chè, cây ăn quả, giống cây lâm nghiệp, giống bò, dê…
Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện để các tổ chức, các nhà khoa học ... đề xuất nhu cầu, tham gia các đề tài nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng KHCN.
KHCN- giải pháp then chốt cho phát triển
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nhấn mạnh, các địa phương vùng Tây Bắc phải thực sự coi nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KHCN là nguồn lực mạnh mẽ, là giải pháp then chốt trong việc hình thành nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh quy mô lớn, có thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường, làm đầu tàu lôi kéo sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương trong toàn vùng.
Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn Tây Bắc, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương phải tạo môi trường và điều kiện thuận lợi nhất giúp các tổ chức, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, chủ trang trại và hộ nông dân tăng cường năng lực nghiên cứu, chuyển giao KHCN. Các địa phương trong vùng cần đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KHCN…
Bên cạnh đó, cần kích thích nhu cầu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cải tiến tổ chức và quản lý sản xuất kinh doanh. Có chính sách hỗ trợ để khuyến khích quan hệ liên kết, hợp tác giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp, chủ trang trại và hộ nông dân để đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KHCN đồng thời xúc tiến việc hình thành thị trường KHCN trên địa bàn Tây Bắc.
Các địa phương vùng Tây Bắc cũng cần tăng cường đầu tư nguồn lực hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KHCN, bảo đảm tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp khoa học.