Khen chê chuyện 'dân… cua đồng'!

Sự tích về con cua rất ít ỏi, không chỉ với nước ta mà ở các nước có cua sinh sống đều vậy. Có thể vì cái hình thức không mấy ấn tượng hay thân phận nhỏ bé...!? Chung môtip mẹ ghẻ và kết thúc ở hiền gặp lành có hậu, truyện của ta kể có một cô gái xinh đẹp, nết na nhưng kém may mắn. Sớm mồ côi mẹ, cha lấy vợ kế rồi cũng qua đời, cô gái sống cùng mẹ ghẻ nanh ác và đứa con gái riêng hư đốn của mụ...

Hôm ấy, cô đang giặt ở bờ sông bỗng có một cụ bà rách rưới, bẩn thỉu đến xin nước uống. Cô mời bà cụ rất tử tế. Uống xong bà cho cô cái bọc nhỏ. Về nhà mở ra thì có cái váy rất đẹp. Mặc vào cô xinh bội phần. Mẹ ghẻ ghen tức gạn hỏi. Cô thật thà kể. Thế là mụ liền cho con gái đi giặt...

Cụ già không xin nước mà nhờ cô ta gột hộ váy bẩn. Tức điên vì đã xấu bẩn hôi hám lại còn nhờ vả, cô ta đuổi bà đi cho khuất mắt. Bỗng bà tiên hiện nguyên hình và nói cô gái này xấu người xấu nết ương bướng ngang ngạnh, chỉ xứng làm loài cua! Thế là từ đó có một con vật xám xịt, chân cẳng tua tủa lổm ngổm bò ở bờ sông nhưng xấu hổ với thân phận nên cứ thấy người là lủi mất!

Tác phẩm “Sự tích con cua!”.

Nhưng dân gian mượn mối liên hệ nào đó với hình thức hoặc tập quán sống của cua để kể những câu chuyện giáo dục thì nhiều, như về ca ngợi lòng dũng cảm, quyết trừng trị kẻ ác hại. Truyện “Sếu, Cua và Cá” kể Sếu độc ác rất tinh ma xảo quyệt. Một hôm Sếu lừa đàn cá là mình vừa nghe thấy người nói với nhau sẽ tát cạn hồ để bắt hết cá. Cả họ nhà Cá nhờ Sếu giúp bằng cách cắp từng con đem thả xuống hồ nước khác rộng hơn. Thế là Sếu cứ ăn hết con cá này đến con cá khác. Cua biết chuyện căm lắm nghĩ cách trừ khử kẻ độc ác. Đợi đến khi Sếu lừa Cua. Cua để cho Sếu cắp vào mỏ, còn hai càng cua vòng qua ôm cổ Sếu thật chặt. Khi Sếu lộ mặt đểu cáng Cua bèn lấy hết sức kẹp đứt cổ Sếu. Thật đáng đời kẻ gian tham độc ác!

Như vậy dân gian cũng “công bằng” với con cua, có chê, có khen...

Thời hiện đại, chê ai là người nhà quê chậm chạp ngơ ngác vụng về, có phần thô lỗ, người ta mỉa “Đúng là dân cua đồng!”. Chế giễu những kẻ ít học, ứng xử kém cỏi, người ta dùng “Loại/hạng cua cáy!”. Đúng là con cua đồng là một sinh vật “nhà quê” bé nhỏ, nhút nhát, hình dáng thì xấu xí. Thế nên mới có câu đố: “Tám thằng dân vần hòn đá tảng/ Hai anh xã vác giáo chạy theo - Là con gì?”. “Hòn đá tảng” chỉ thân cua đen xám như đá, bé nhỏ nhưng “cồng kềnh” như đá... “Tám thằng dân” là tám chân nghều ngào. “Hai anh xã vác giáo” là hai càng sắc như giáo...

Ngày trước cua bò ngập đồng. Các bà các mẹ đi cấy, đi gặt thường đeo cái giỏ con sau lưng gặp con cua bắt cho vào giỏ, cuối buổi là có lưng một giỏ cua về làm canh. Canh cua thơm ngon, mát và bổ. Các cụ già hay nói: “Già bát canh cua, trẻ manh áo mới” ý nói tuổi già chẳng cần gì, già lão, móm mém rồi, chỉ cần bát canh cua đưa cơm... Còn trẻ con được quần áo mới thì vui nhất!

Tháng năm tháng sáu âm lịch ngoài cánh đồng mênh mông chỉ có nắng và gió, nước nóng như bị đun, cua không chịu được nóng bèn ngoi lên bờ ruộng hoặc trèo lên cây lúa mới cấy. Những câu thơ của nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa miêu tả thần tình cái cảnh này: “Giọt mồ hôi sa/ Những trưa tháng sáu/ Nước như ai nấu/ Chết cả cá cờ/ Cua ngoi lên bờ/ Mẹ em xuống cấy”. Đây là những câu thơ nhà quê sinh động và cảm động nhất. Nước nóng rãy như thế, cua còn phải ngoi lên mà “mẹ” phải xuống cấy. Tả cua tả cá nhưng là để tả người mẹ, nâng cái sự chịu đựng vất vả tảo tần của “mẹ” vượt lên trên cái tự nhiên!

Tác phẩm “Con cáy!”.

Có thể vì hình dáng xấu xí mà con cua không dám bò vào địa hạt văn chương, là nơi chốn của cái đẹp (!). Nhưng có một lần nó được một nhà thơ, rất may là ông đang đi sứ ở nước ngoài, nghĩ về quê nhà là nhớ về bát canh cua béo thơm nên thi tứ chợt đến để rồi có một bài thơ để đời.

Ông là Nguyễn Trung Ngạn (1289 - 1370) tự là Bang Trực, hiệu là Giới Hiên, người làng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi (nay là Ân Thi, Hưng Yên), làm quan đến chức Thượng thư thời Trần. Tác phẩm duy nhất còn lại là “Giới Hiên thi tập” trong đó có bài “Quy hứng” viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt, trong thời gian đi sứ ở Giang Nam (Trung Quốc): “Lão tang diệp lạc tàm phương tận/ Tảo đạo hoa hương giải chính phì/ Kiến thuyết tại gia bần diệc hảo/ Giang Nam tuy lạc, bất như quy” (Dâu già lá rụng tằm vừa chín/ Lúa sớm bông thơm, cua béo ghê/ Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt/ Giang Nam vui lắm, chẳng bằng về).

Có chủ đề “tư cố hương” quen thuộc nhưng là tiếng nói thật của tấm lòng nên có sức lay động. Người khách tha hương nhớ về lá dâu già cuối vụ, nhớ những lứa tằm vừa chín, nhớ lúa sớm trổ bông tỏa hương thơm nồng nàn. Nhất là nhớ vị béo đậm của cua đồng. Tháng năm tháng sáu cua rất nhiều nhưng “óp”, không mẩy. Phải vào cữ tháng mười gió heo may đúng dịp “dâu già lá rụng” là cua “chắc” (Chắc như cua gạch) vì nhiều thức ăn và phù hợp thời tiết. Dịp này cua đổi màu từ vàng sang thâm. Tục ngữ mới nói: “Cua thâm càng, nàng thâm môi”. Cua thâm càng thì chắc mẩy, nàng thâm môi thì đáo để... Bài thơ có những chi tiết như thế là rất thật. Tình cảm rất thật. Thơ trữ tình muốn đi vào lòng người trước hết phải thật!

Một ông quan lớn, sau này làm chức “nhất phẩm” mà có thơ về “cua cáy” bình dân mộc mạc như vậy cho thấy ông rất gần dân, hiểu dân, đồng cảm với dân!

Chỉ tiếc những nhà thơ ông quan như Nguyễn Trung Ngạn thời nào cũng hiếm. Đến thời bà Hồ Xuân Hương cua có xuất hiện nhưng lại không được gọi tên: “Bố cu lổm ngổm bò trên bụng/ Thằng bé hu hơ khóc dưới hông”. Nhà thơ Xuân Diệu bình rất thú vị cho rằng chỉ có loài cua cáy mới “lổm ngổm”. Chỉ hai chữ “lổm ngổm” này anh đàn ông đã bị “vật hóa” còn người đàn bà thì trở nên vĩ đại như quả đất vậy!

Là loài giáp xác lưỡng cư sống cả trên bờ cả dưới nước, cua có nhiều loại, cua đồng, cua bể, cua đá, rạm, cáy,... Tất cả đều “tám cẳng hai càng” nhưng màu sắc, hình thù và tập quán sống khác nhau chút ít. Nước ta có loài cua đá nổi tiếng, phân bố nhiều nhất ở vùng biển miền Trung và Tây Nam bộ, ngon nhất là cua đá Cù lao Chàm. Loài cua này sống ở ven biển, vỏ màu tím sậm, rắn chắc, càng cái ngắn và to, thường đi ăn vào ban đêm, ngày trú ẩn trong các hang đá.

Thời đánh Mỹ, đảo Cồn Cỏ có rất nhiều cua đá, trở thành món ăn cho bộ đội. Bài hát “Con cua đá” (của Ngọc Cừ – Phan Ngạn) từng đi vào đời sống đánh giặc với âm thanh vui nhộn, khỏe khoắn, lạc quan: “Cồn Cỏ, Cồn Cỏ ấy có con (cá đua) là con cua đá/ Nó nằm trong đá, nó nằm trong khe/ Nó có tám cái que có hai cái càng/ Trời về tối, ấy lính ta rất mê/ Đi mò trong khe, rúc ra mà rúc rích/ Lính ta mà rất thích nghe cua đi rào rào/ Chộp ngay bỏ vào đầy bao cua đá/ A…. lính ta chiến đấu suốt ngày đêm/ Có canh là canh canh cua đá/ Càng bền là bền sức trai/ A…. đánh cho quân cướp Mỹ tơi bời/ Khiến chúng nó rụng rời khi nghe tin Cồn Cỏ…”. Bài hát mô tả đúng tập quán sống của cua, cũng đúng với đời lính, chất lính vô tư hóm hỉnh lúc bấy giờ.

Con cáy có hình dạng khá giống với con cua nhưng kích thước nhỏ hơn, nhát hơn (Nhát như cáy). Ngày xưa ở vùng nước lợ cáy bò lên đường rất nhiều nhưng cứ thấy người là chạy mất. Có câu chuyện về cáy rất đáng ngẫm. Có anh học trò sắp vào kỳ thi đi xem bói, thầy bói phán, thi cử gì, hạng anh thì chỉ đáng cáy cắp chết. Bực mình, hôm sau đi học anh ta bèn lấy chân giẫm chết con cáy trên đường cho hả giận. Ai ngờ càng cáy đâm sâu vào chân, vết thương sưng to (chắc nhiễm trùng) làm anh ta bị chết. Không phải chuyện mê tín mà là bài học giáo dục người ta nên thận trọng trước bất cứ hành vi gì, phải biết tôn trọng tự nhiên, tôn trọng những loài bé nhỏ...

Cáy thường dùng để làm mắm, thơm, nồng đậm hơn mắm cua. Ai từng ăn bún hoặc rau lang, thịt ba chỉ luộc chấm mắm cáy thêm vài lát tỏi sẽ không bao giờ quên. Cùng loài nhưng không ở nhà quê sẽ khó phân biệt cua, cáy và rạm. Mình dẹt, dẹp hơn và to hơn cua đồng, chung một màu xám, rạm có giá trị dinh dưỡng cao, vỏ rạm lại giòn mềm nên có thể nhai cả vỏ…

Những người “nhà quê” rất tự hào có một tuổi thơ sống cùng cua cáy!

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/khen-che-chuyen-dan-cua-dong--i661200/