Khen thưởng phải tạo động lực thi đua mới
Trong một cuộc họp triển khai nhiệm vụ, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã tự nhận hạ một bậc thi đua của mình vì lý do giải ngân đầu tư công của thành phố giai đoạn đó thấp hơn chỉ tiêu đề ra, đây là lĩnh vực đồng chí phụ trách. Việc làm ấy cho thấy tinh thần trách nhiệm, lòng tự trọng, nêu gương để cấp dưới có thêm động lực phấn đấu thi đua một cách lành mạnh, thực chất.
Từ câu chuyện trên, chúng ta càng thêm trăn trở bởi thời gian qua, có nhiều tập thể, cá nhân vừa mới đây thôi còn là "gương sáng", đứng trên bục vinh danh nhưng rồi lại phải thu hồi khen thưởng vì vướng vào vòng lao lý với những vi phạm rất nghiêm trọng. Lại có những cán bộ được xếp bậc thi đua ở mức cao, đạt các hình thức thi đua cao quý, nhưng chất lượng hoàn thành nhiệm vụ lại chưa tương xứng, chưa tiêu biểu. Thậm chí, công tác khen thưởng ở một số nơi, nhất là ở cơ sở có lúc, có việc chưa kịp thời; có trường hợp khen thưởng thiếu chính xác, khen do nể nang, cào bằng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần chỉ rõ: Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch. Khen thưởng chính xác, kịp thời có tác dụng động viên, giáo dục và nêu gương, đồng thời cổ vũ thi đua phát triển lên tầm cao mới một cách thực chất. Ngược lại, khen thưởng không đúng, nặng hình thức, rơi vào “bình quân chủ nghĩa”, hoặc cơ cấu một cách bất hợp lý sẽ triệt tiêu động lực thi đua.
Do đó, làm gì để khen thưởng đúng người, đúng việc, tạo động lực cho tổ chức, cá nhân dấn thân, cống hiến vì lợi ích chung là bài toán đặt ra với các cấp ủy, tổ chức, đoàn thể. Giải quyết bài toán ấy, vấn đề cốt yếu là việc đánh giá, bình chọn danh hiệu thi đua và xét khen thưởng phải thực tâm vì việc chung, dựa vào tiêu chuẩn cụ thể, tôn trọng nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch. Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2024 tới đây với nhiều điểm mới, đột phá, kỳ vọng sẽ dần khắc phục được những tồn tại bấy lâu.
Theo đó, để việc khen thưởng bảo đảm thực chất, hiệu quả, trước hết, cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, công tâm, minh bạch trong đánh giá thành tích, phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến; chịu trách nhiệm về quyết định khen thưởng và việc trình cấp có thẩm quyền ra quyết định khen thưởng. Việc khen thưởng cần bảo đảm tính toàn diện, hợp lý; thực hiện đúng nguyên tắc, quy trình; hướng về cơ sở, khu vực ngoài Nhà nước, người trực tiếp lao động, học tập, nghiên cứu; trên quan điểm thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, khen thưởng phải kịp thời từ những việc làm tốt, hành động ý nghĩa.
Trong điều kiện mới, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục để mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc việc thi đua chứ không phải ganh đua; tránh tư tưởng háo danh, thành tích ảo; thậm chí dùng mọi thủ đoạn để tranh giành, đấu đá, hạ bệ lẫn nhau. Để khen thưởng đúng người, đúng việc, đòi hỏi công tác thi đua phải gắn với nhiệm vụ, công việc hằng ngày; đồng thời cần cụ thể hóa, lượng hóa các tiêu chuẩn, tiêu chí thi đua, tránh hô hào chung chung, cảm tính, xa rời thực tiễn; duy trì chặt chẽ, nền nếp hoạt động chấm thi đua, bình xét thi đua hằng tuần, hằng tháng và từng năm. Có như vậy, việc thi đua, khen thưởng mới thực chất và hiệu quả công tác khen thưởng mới tạo động lực mới cho phong trào thi đua.
PHẠM KIÊN
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/khen-thuong-phai-tao-dong-luc-thi-dua-moi-758090