Khéo co thì ấm
Ngày 1/10 có lẽ là một mốc thời gian được rất nhiều người chờ đợi - ngày Ủy ban Thường vụ Quốc hội ấn định là 'thời điểm chậm nhất' để ban hành một số giải pháp cấp thiết hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19.
Thật sự căng thẳng
Tính đến hết kỳ thống kê tám tháng đầu năm 2021, Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn một triệu tỷ đồng, bằng 74,8% dự toán. Trong khi đó, tổng chi ngân sách nhà nước tám tháng ước đạt 918.100 tỷ đồng, bằng 54,4% dự toán.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, dự kiến sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến số thu ngân sách trong các tháng tới, trong khi lại phát sinh các khoản chi chẳng đặng đừng cho mục tiêu phòng, chống dịch và hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn vì dịch bệnh. “Ngân sách nhà nước đã chi 18.800 tỷ đồng, trong đó 17.200 tỷ đồng cho phòng, chống dịch; 1.600 tỷ đồng hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19”, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo tại phiên họp thường kỳ tháng 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo người đứng đầu ngành Tài chính, ngân sách dự phòng Trung ương 17.500 tỷ đồng đã chi hết, trong khi nhu cầu chi cho công tác phòng, chống dịch đối với các lực lượng tham gia phòng, chống dịch như công an, quân đội và các địa phương rất lớn.
Tại phiên họp về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cơ bản thống nhất với bốn nhóm chính sách Chính phủ trình. Theo đó, sẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng, với điều kiện tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2019.
Bên cạnh đó, miễn toàn bộ số thuế phải nộp của quý III và quý IV/2021 cho các hộ cá nhân kinh doanh; giảm thuế giá trị gia tăng từ ngày 1/10/2021 đến 31/12/2021 cho một số lĩnh vực dịch vụ (không giảm cho một số hoạt động như xuất bản, phần mềm, các hoạt động kinh doanh, cung cấp hàng hóa, dịch vụ trên nền tảng trực tuyến, vốn không hoặc chịu rất ít ảnh hưởng bởi dịch bệnh); miễn tiền nộp chậm, phát sinh năm 2020 và năm 2021 cho các doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong năm 2020.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ tiếp tục rà soát để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp thẩm quyền ban hành các chính sách khác, nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch. Lưu ý chính sách hỗ trợ về lãi suất tín dụng, hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp…
“Đề nghị Bộ Tài chính kết hợp với Ngân hàng Nhà nước về gói hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, tài khóa về vấn đề hỗ trợ tín dụng lãi suất cho các doanh nghiệp”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh. Ông cũng nói thêm, sự cộng hưởng giữa gói hỗ trợ của chính sách tài khóa trực tiếp từ ngân sách và gói hỗ trợ về lãi suất đang được doanh nghiệp rất kỳ vọng.
“Cái khéo, giỏi” của người làm chính sách
Ưu đãi cụ thể như thế nào thì muộn nhất đến ngày 1/10 mới rõ, nhưng trước mắt, theo tính toán của Bộ Tài chính, việc thực hiện bốn giải pháp như nêu trên có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 21.300 tỷ đồng.
“Tính chung, các giải pháp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ thực hiện theo thẩm quyền và các giải pháp như đề xuất nêu trên, số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân năm 2021 khoảng 140 nghìn tỷ đồng; trong đó: gói gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã ban hành khoảng 118 nghìn tỷ đồng. Gói miễn giảm thuế, miễn tiền chậm nộp theo các nội dung đề xuất nêu trên là khoảng 21.300 tỷ đồng”, Bộ trưởng Tài chính cho biết. Vấn đề đặt ra là nguồn nào để bố trí cho khoản chi này, trong sự cân đối với các nhu cầu chi từ nay đến cuối năm?
Trao đổi ý kiến với Nhân Dân cuối tuần, TS Trần Văn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận định, để có nguồn chi, yếu tố quan trọng hàng đầu vẫn là thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương ngân sách. “Bên cạnh việc giảm 10% chi thường xuyên theo lộ trình, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 8/6/2021, trong đó yêu cầu cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng, chống dịch Covid-19, tăng đầu tư phát triển và nhiệm vụ an ninh, quốc phòng cần thiết. Thực hiện đúng yêu cầu này sẽ có thêm hàng trăm nghìn tỷ đồng. Nếu cần thêm, có thể phát hành trái phiếu Chính phủ loại đặc biệt để sử dụng cho công tác phòng, chống dịch”, TS Trần Văn gợi ý.
Nhìn nhận dư địa cho chính sách tài khóa tuy vẫn còn, song TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Chính sách của Chính phủ cần vận dụng đồng bộ cả chính sách tài khóa, tiền tệ, và đặc biệt là sử dụng doanh nghiệp nhà nước (với tổng tài sản ba triệu tỷ đồng; vốn chủ sở hữu 1,42 triệu tỷ đồng) như một công cụ linh hoạt để phục hồi, dẫn dắt nền kinh tế”.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ tín dụng, TS Kiên cho rằng chỉ nên hỗ trợ một phần chi phí vay vốn và kéo giãn thời gian trả nợ cho khách hàng. Cùng với đó là cho phép kéo giãn các quy định đáp ứng bảo đảm an toàn vốn, trích lập dự phòng và bảo đảm thanh khoản.
Tuy tiếp cận vấn đề từ các khía cạnh khác nhau, song tất cả các ý kiến đều hội tụ ở một điểm: khi nguồn lực có hạn thì không thể hỗ trợ “đổ đồng”, mà phải có trọng tâm, trọng điểm. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu: “Cùng một lượng tiền như nhau, nhưng làm sao để hỗ trợ đúng và trúng những đối tượng chịu tác động lớn nhất; những đối tượng có sức bật tốt nhất để hồi phục sau đại dịch”. Cách thức hỗ trợ cũng hết sức quan trọng, nếu khéo làm thì Nhà nước ít tốn kém mà hiệu quả lại cao.
Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu doanh nghiệp đã không có lợi nhuận, thậm chí là bị lỗ, thì làm gì có tiền để nộp thuế thu nhập doanh nghiệp mà giảm. Thay vào đó, hỗ trợ dựa trên chi phí thay vì dựa trên số thuế phải nộp, trước hết là chi phí lao động có thể là giải pháp rất hiệu quả. “Chúng ta phải suy nghĩ cách thức nào có hiệu quả nhất, khả thi nhất, kể cả chi, kể cả thu. Đó là cái khéo giỏi của người làm công tác tài chính” - người đứng đầu Quốc hội nhắc nhở đầy ý nghĩa.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa đồng ý chuyển 14.620 tỷ đồng từ khoản cắt giảm, tiết kiệm chi vào dự phòng ngân sách trung ương để chi cho phòng, chống dịch Covid-19. Theo tờ trình của Chính phủ, tổng kinh phí cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2021 là 14.620 tỷ đồng. Số tiền này gồm: 7.420 tỷ đồng tiết kiệm chi thường xuyên, 4.200 tỷ đồng giảm chi trả nợ lãi ngân sách và 3.000 tỷ đồng còn dư từ chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch theo Nghị quyết 42/2020.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thoi-su-chinh-tri/kheo-co-thi-am-666690/