Khép lại quá khứ, chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Thảm họa da cam, nỗi đau da cam ở Việt Nam không thể bị lãng quên, nhưng với tinh thần 'khép lại quá khứ, hướng tới tương lai', chúng ta không khơi lại thù hận, ngăn cách, mà kêu gọi lương tri, lòng nhân ái, trách nhiệm pháp lý và đạo lý 'chung tay xoa dịu nỗi đau da cam'.

Thảm họa da cam - “nỗi đau xuyên thế kỷ”

Cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam trong giai đoạn 1961- 1971 đã gây hậu quả thảm khốc trong lịch sử loài người. Chất độc da cam (CĐDC)/dioxin do quân đội Mỹ phun rải đã tàn phá môi sinh, môi trường miền Nam Việt Nam, làm hàng triệu người bị phơi nhiễm. Đặc biệt, di chứng CĐDC kéo dài qua nhiều thế hệ, đến nay đã có những nạn nhân thế hệ thứ ba, thứ tư. Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết từng khẳng định: “Nỗi đau của nạn nhân CĐDC Việt Nam là nỗi đau của nhân dân Việt Nam và cũng là nỗi đau của nhân loại tiến bộ trên thế giới”.

Chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ, nhưng hàng trăm nghìn người Việt Nam bị phơi nhiễm CĐDC vẫn hằng ngày, hằng giờ phải gánh chịu nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần; nhiều vùng đất vẫn bị ô nhiễm bởi loại chất độc chết người này. Cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) Việt Nam tiếp tục được tiến hành kiên trì và nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân trong nước, bạn bè quốc tế.

Đoàn Đại sứ quán Vương quốc Bỉ tại Việt Nam thăm, làm việc với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, tháng 3-2025.

Đoàn Đại sứ quán Vương quốc Bỉ tại Việt Nam thăm, làm việc với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, tháng 3-2025.

Trong bài viết “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, khi nói về công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Không có vùng đất nào trên quê hương Việt Nam không có đau thương; không có gia đình nào mà không gánh chịu những mất mát, hy sinh và cho đến nay chúng ta vẫn còn phải khắc phục hậu quả chiến tranh và bom mìn, chất độc da cam… Nhưng thời gian, lòng nhân ái, đức vị tha đã giúp dân tộc ta từng bước vượt qua nỗi đau, chữa lành vết thương, gác lại quá khứ, tôn trọng sự khác biệt, hướng tới tương lai...”

Cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam đã gây “nỗi đau xuyên thế kỷ” cho hàng triệu nạn nhân và gia đình Việt Nam. Đó cũng là mối quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân, của các cơ quan báo chí, truyền thông trong và ngoài nước khi đến thăm, làm việc với Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam, để tìm hiểu về công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có hậu quả CĐDC/dioxin.

Nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước khi đến tìm hiểu thực tế, thăm, tặng quà, hỗ trợ sinh kế cho NNCĐDC đã không kìm được nước mắt, cảm xúc bàng hoàng khi “mắt thấy, tai nghe” các NNCĐDC - “những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ”, chứng kiến nhiều phụ nữ không có được hạnh phúc làm mẹ, nhiều gia đình có nguy cơ không còn duy trì được nòi giống... Ông André Flahaut, Nghị sĩ liên bang, người đã đệ trình lên Quốc hội Bỉ một nghị quyết về hỗ trợ NNCĐDC Việt Nam cho rằng: Chiến tranh ở Việt Nam đã lùi xa nửa thế kỷ, nhưng không ai có thể quên được những nỗi đau mà nhân dân Việt Nam phải chịu đựng.

Mới đây, tại buổi làm việc giữa lãnh đạo Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam và Bộ tư lệnh Quân khu 1 về phối hợp tổ chức Triển lãm “Da cam - Lương tri và Công lý” năm 2025 tại tỉnh Bắc Giang, Thiếu tướng La Công Phương, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 1 bày tỏ: Chiến tranh đã lùi xa, nhưng “vết thương da cam - vết thương không mảnh đạn” vẫn rỉ máu và kéo dài, rất cần sự chung tay góp sức của cộng đồng trong nước và quốc tế, góp phần làm vơi bớt nỗi đau. Được sống trong hòa bình, hạnh phúc hôm nay, chúng ta luôn ghi nhớ công lao, sự hy sinh to lớn của bao thế hệ cha anh đi trước, trong đó có các cựu chiến binh từng tham gia kháng chiến bị nhiễm CĐDC. Với trách nhiệm, nghĩa tình, Bộ tư lệnh quân khu đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực tham gia phối hợp tổ chức triển lãm và có nhiều hoạt động tặng nhà, tặng quà, hỗ trợ sinh kế... cho các NNCĐDC, thiết thực góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học và làm tốt công tác “đền ơn đáp nghĩa”...

Các y, bác sĩ Bệnh viện Y dược TP Hồ Chí Minh khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho NNCĐDC tỉnh Thanh Hóa.

Các y, bác sĩ Bệnh viện Y dược TP Hồ Chí Minh khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho NNCĐDC tỉnh Thanh Hóa.

Chung tay hàn gắn vết thương, xoa dịu nỗi đau da cam

Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam ra đời và đi vào hoạt động ngày 10-1-2004. Hội đại diện cho các NNCĐDC Việt Nam trong mối quan hệ với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, trong đấu tranh để các bên có liên quan phải có trách nhiệm tham gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, đồng thời vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hỗ trợ chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC. Suốt hơn 21 năm qua, hội luôn bám sát phương châm “Đoàn kết - Nghĩa tình - Trách nhiệm - Vì NNCĐDC”, thực hiện tốt hai sứ mệnh: Đấu tranh đòi công lý và vận động nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân.

Theo Trung tướng Nguyễn Hữu Chính, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam, thảm họa da cam trong chiến tranh ở Việt Nam rất nặng nề, lâu dài và không thể bị lãng quên. Do vậy, cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng, để nhân dân trong nước, bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về thảm họa này, tăng cường nhận thức về vấn đề da cam và kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ các nạn nhân. Với tinh thần “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, chúng ta không khơi lại quá khứ đau thương, hố sâu ngăn cách, mà kêu gọi hướng tới tương lai bằng hành động thiết thực hàn gắn viết thương chiến tranh, hợp tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học, giúp đỡ NNCĐDC. Cuộc đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC/dioxin Việt Nam tiếp tục được tiến hành với phương thức phù hợp, đúng chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, kết hợp cả đấu tranh pháp lý và đấu tranh bằng đạo lý, thông qua đối thoại nhân đạo.

Lãnh đạo Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam đã tiếp xúc với một số cơ quan Chính phủ, Bộ Ngoại giao và một số nghị sĩ Mỹ để vận động trình Quốc hội Mỹ 4 dự luật bênh vực NNCĐDC Việt Nam. Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, nguyên Chủ tịch Thường trực, Chủ tịch Ủy ban Chuẩn chi Thượng viện Hoa Kỳ và ông Tim Rieser, cố vấn cao cấp về chính sách đối ngoại của thượng nghị sĩ Patrick Leahy là những quan chức Hoa Kỳ suốt hàng chục năm qua đã có đóng góp quan trọng thúc đẩy hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh và thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Ông Tim Rieser đã được Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam tặng Kỷ niệm chương "Vì NNCĐDC".

Kiên trì đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC/dioxin Việt Nam và tăng cường hoạt động ngoại giao nhân dân đã góp phần quan trọng làm cho đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về thảm họa da cam ở Việt Nam và chung tay khắc phục hậu quả. Năm 2024 và 4 tháng đầu năm 2025, Trung ương Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam đã tiếp, làm việc với gần 60 đoàn khách quốc tế đến từ nhiều quốc gia như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ, Nga, Thụy Điển, Thái Lan... Năm 2024, Hội vận động được hơn 4,5 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân nước ngoài để hỗ trợ NNCĐDC. Đặc biệt, tháng 10-2023, Hạ viện Bỉ đã thông qua Nghị quyết về hỗ trợ NNCĐDC trong chiến tranh ở Việt Nam, với tỷ lệ phiếu ủng hộ tuyệt đối 100%. Đây cũng là quốc hội đầu tiên trên thế giới thông qua nghị quyết về vấn đề này, góp phần làm lan tỏa thông điệp ủng hộ NNCĐDC/dioxin Việt Nam, thúc đẩy các đảng phái chính trị trên thế giới tham gia đấu tranh chống lại việc sử dụng chất hóa học trong chiến tranh.

Đầu tháng 4-2025, trong khuôn khổ chuyển thăm cấp Nhà nước của Nhà vua Bỉ Philippe và Hoàng hậu đến Việt Nam, Chủ tịch nước Lương Cường và Nhà vua Bỉ Philippe đã chứng kiến Trung tướng Nguyễn Hữu Chính, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam và Bộ trưởng, Thủ hiến Vùng Thủ đô Brussels Rudi Vervoort trao đổi Thỏa thuận nguyên tắc giữa Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam và Quỹ Aquitara Impact Fund 1 Vương Quốc Bỉ. Thỏa thuận được ký kết góp phần thúc đẩy nỗ lực chung của hai quốc gia nhằm giải quyết hậu quả lâu dài của chất độc hóa học sau chiến tranh và hỗ trợ hiệu quả NNCĐDC Việt Nam.

Khắc phục hậu quả chất độc hóa học, giúp đỡ NNCĐDC không chỉ là vấn đề từ thiện, nhân đạo, mà còn là lương tâm, trách nhiệm cả về đạo lý và pháp lý, rất cần sự sẻ chia, giúp đỡ của cộng đồng xã hội, của các tổ chức, cá nhân ở trong nước và bạn bè quốc tế. Thông điệp mà lãnh đạo Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam mong muốn gửi gắm và truyền tải sâu rộng là: Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, yêu chuộng hòa bình, chung tay hàn gắn vết thương chiến tranh, xoa dịu nỗi đau da cam. Hãy cùng đấu tranh ngăn chặn, không để xảy ra chiến tranh hóa học trong tương lai!

Bài, ảnh: ANH QUÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/khep-lai-qua-khu-chung-tay-xoa-diu-noi-dau-da-cam-827035