Khi 5 'nhà' bắt tay cho nông nghiệp xanh

Phát triển nông nghiệp xanh, bền vững không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là yêu cầu cấp thiết nhằm đảm bảo sinh kế lâu dài cho nông dân, bảo vệ môi trường và giữ gìn tài nguyên cho thế hệ tương lai.

Tuy nhiên, để phát triển nông nghiệp theo hướng xanh bền vững, giải pháp quan trọng chính là tăng cường liên kết giữa 5 “nhà” trong chuỗi giá trị nông sản.

Diễn đàn Doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông và phát triển bền vững năm 2025 với chủ đề “Phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững và hành động của 5 nhà: Nhà nước, Nhà băng, Nhà Doanh nghiệp, Nhà khoa học và Nhà nông” ngày 8/5/2025. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/vnanet.vn

Diễn đàn Doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông và phát triển bền vững năm 2025 với chủ đề “Phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững và hành động của 5 nhà: Nhà nước, Nhà băng, Nhà Doanh nghiệp, Nhà khoa học và Nhà nông” ngày 8/5/2025. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/vnanet.vn

*Xu hướng tất yếu

Việc phát triển nông nghiệp theo hướng xanh và bền vững đã được Đảng và nhà nước định hướng rất rõ. Ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp - nông dân - nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp đó, ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng ra Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết, mặc dù nông nghiệp luôn giữ vai trò then chốt trong nền kinh tế quốc dân nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn như biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên đất - nước, yêu cầu cao về chất lượng nông sản và sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế. Thực tế là, 90% nông dân Việt Nam vẫn canh tác trên quy mô dưới 1 ha, trong khi chỉ có khoảng 20% sản lượng nông sản có hợp đồng bao tiêu. “Được mùa, mất giá”, doanh nghiệp thì thiếu nguyên liệu chuẩn hóa, còn ngân hàng và nhà khoa học chưa thực sự tiếp cận được với người sản xuất là câu chuyện không xa lạ với ngành nông nghiệp. Sự thiếu liên kết này khiến cả chuỗi giá trị dễ bị đứt gãy, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và cạnh tranh thương mại ngày càng gay gắt. Đồng quan điểm này, TS. Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhấn mạnh, ngành nông nghiệp ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu nhưng nông nghiệp là ngành phát sinh các khí gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ hai sau ngành năng lượng. Số liệu thống kê cho thấy sản lượng nông nghiệp toàn cầu sẽ giảm 50% nếu không sử dụng phân bón, trong khi đó khoảng 2,5 - 10% (tùy theo quốc gia) tổng lượng phát thải khí nhà kính liên quan đến phân bón. Vì vậy, việc phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững đang thực sự là xu hướng tất yếu để Việt Nam có thể đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường, hiện thực hóa mục tiêu Net Zero vào năm 2050 cũng như tăng sức cạnh tranh và giá trị cho hàng nông sản của Việt Nam.

HTX nông nghiệp hữu cơ V-ORGANIC tại tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/vnanet.vn

HTX nông nghiệp hữu cơ V-ORGANIC tại tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/vnanet.vn

* 5 “nhà” phối hợp hành động
Trong những năm gần đây, mô hình liên kết 5 nhà đã dần được tái định hình, với những điểm sáng khẳng định hiệu quả rõ rệt. Từ một nền sản xuất manh mún, thiếu đầu ra ổn định, thiếu vốn và công nghệ, ngành nông nghiệp Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ nhờ sự bắt tay chiến lược giữa 5 "nhà": Nhà nước, nhà băng, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông.
Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, Việt Nam cần xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nghiệp nông nghiệp chuyển đổi xanh, chuyển đổi số với các ưu đãi cụ thể về thuế, tín dụng và đào tạo nguồn nhân lực.
Cụ thể, thành lập quỹ “AgriTech & Xanh” để hỗ trợ các dự án nông nghiệp bền vững và số hóa với các mức vay ưu đãi từ 0-2%/năm và bảo lãnh tín dụng lên đến 80% giá trị dự án. Về phía doanh nghiệp cam kết áp dụng công nghệ tiết kiệm tài nguyên và xây dựng nền tảng truy xuất nguồn gốc số. Nếu đạt mục tiêu giảm chi phí và giảm phát thải carbon, doanh nghiệp sẽ nhận được ưu đãi giảm nợ từ 10-30%.
"Bên cạnh đó, nhà nước cần tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ nông nghiệp; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và kết nối thị trường, xây dựng các nền tảng thương mại điện tử để kết nối nông sản Việt Nam với các thị trường quốc tế. Ngoài ra, việc khuyến khích các doanh nghiệp nông nghiệp áp dụng công nghệ như internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi blockchain để tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hướng tới nông nghiệp thông minh", ông Nghiêm nhấn mạnh.
Cùng quan điểm này, ông Đào Duy Nam - Phó Giám đốc Khu vực miền Bắc, Ngân hàng Nam Á cho biết, việc phát triển hệ sinh thái nông nghiệp xanh và bền vững là trách nhiệm không chỉ của người nông dân mà còn của doanh nghiệp, nhất là các tổ chức tài chính như Ngân hàng Nam Á. Trong tầm nhìn chiến lược, Ngân hàng Nam Á xác định phát triển tài chính toàn diện và tín dụng xanh cho nông nghiệp; trong đó triển khai các gói tín dụng lãi suất ưu đãi cho các mô hình sản xuất nông nghiệp trồng lúa chất lượng cao ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
"Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng đồng hành chuyển đổi số và nâng cao năng lực số cho nông dân; kiến tạo chuỗi liên kết giá trị giữa nông dân - doanh nghiệp - ngân hàng - thị trường. Theo đó, thông qua các chương trình tài trợ theo chuỗi hệ sinh thái ngành thủy sản, ngành cao su và ngành chè... để phát huy hiệu quả kinh tế từ người nuôi trồng đến doanh nghiệp thương mại, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu và tổ chức tín dụng. Đặc biệt, Ngân hàng Nam Á sẽ tập trung triển khai đẩy mạnh tín dụng xanh - một phần trong định hướng phát triển bền vững và ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp); trong đó các sản phẩm tín dụng xanh, đầu tư vào các vùng nguyên liệu sạch, tài trợ chuyển đổi năng lượng trong nông nghiệp sẽ được ngân hàng ưu tiên thực hiện", ông Đào Duy Nam chỉ rõ.
Đề xuất các hành động cụ thể của 5 “nhà”, TS. Trần Văn Dũng, Chủ sở hữu Hãng luật Vũ MacKenzie Việt Nam và là Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Tài chính cho rằng, sự phối hợp hành động của 5 "nhà" cần được hiện thực hóa thông qua những chính sách cụ thể. Theo đó, với vai trò kiến tạo và điều tiết, Nhà nước cần tập trung hoàn thiện thể chế và hệ thống pháp luật về đất đai, tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, đổi mới tổ chức sản xuất, cũng như khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn; đồng thời cũng cần ban hành các chính sách để kiểm soát các sản phẩm nông nghiệp đảm bảo sự an toàn cho người tiêu dùng.
Với "nhà băng", thực hiện tái cấu trúc tín dụng nông nghiệp, thúc đẩy vốn xanh; trong đó xây thực hiện chính sách tín dụng chuyển từ mô hình cho vay truyền thống sang mô hình tài chính tích hợp, hỗ trợ vay vốn dựa trên chuỗi liên kết, hợp đồng bao tiêu và các tiêu chí bền vững như giảm phát thải, sử dụng tài nguyên hiệu quả.
Với vai trò đầu tàu liên kết chuỗi giá trị, đổi mới công nghệ và mở rộng thị trường, doanh nghiệp cần tham gia vào việc xây dựng chuỗi giá trị nông sản, từ cung cấp công nghệ, tiêu thụ sản phẩm đến việc phát triển thương hiệu; chủ động hơn để tham gia vào các mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực chế biến sâu, sản xuất hữu cơ và xuất khẩu nông sản. Doanh nghiệp cần chủ động phối hợp thực hiện việc chuyển giao công nghệ, cung cấp đầu vào chất lượng cao, áp dụng công nghệ số như truy xuất nguồn gốc, blockchain và thương mại điện tử để mở rộng kênh tiêu thụ, bảo đảm đầu ra ổn định cho người nông dân và hợp tác xã.
Còn với vai trò nghiên cứu, nhà khoa học cần gắn nghiên cứu với thực tiễn sản xuất và nhu cầu thị trường, chuyển trọng tâm nghiên cứu sang các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, giống cây trồng vật nuôi chịu hạn - mặn - bệnh, công nghệ sinh học và tiết kiệm tài nguyên. Đồng thời, cần có cơ chế tài trợ nghiên cứu đặt hàng từ doanh nghiệp hoặc địa phương, hỗ trợ trong việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới, đảm bảo sản phẩm nghiên cứu khoa học có thể thương mại hóa, ứng dụng trực tiếp vào sản xuất.
"Là chủ thể trung tâm trong chuyển đổi, nhà nông cần chủ động tham gia vào các mô hình sản xuất mới, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đồng thời tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp và hợp tác xã để nâng cao giá trị sản phẩm; chủ động trang bị kỹ năng sản xuất theo chuẩn an toàn, kỹ năng quản lý chi phí, thương mại điện tử, và tiếp cận thị trường thông qua hợp tác xã hoặc các nền tảng công nghệ số", TS. Trần Văn Dũng đề xuất.

Anh Nguyễn/Bnews/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/khi-5-nha-bat-tay-cho-nong-nghiep-xanh/373974.html