Khi bác sĩ nước ngoài đến Việt Nam học việc
Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang là điểm đến học tập của những người làm ngành y trên thế giới. Đặc biệt, ngành y tế thành phố cũng thể hiện rõ vai trò đầu tàu trong hợp tác y tế quốc tế, khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ y khoa thế giới.
LTS: Xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao, phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ công nghệ thế giới, hướng tới mục tiêu là trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN" là nội dung được nêu rõ trong Nghị quyết 31 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hiện TP.HCM đang dần hình thành các trung tâm chuyên sâu để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người dân khu vực phía Nam; nhiều mô hình, dự án hợp tác trong và ngoài nước được triển khai, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển ngành y tế. TP.HCM được đánh giá là địa phương hội tụ đầy đủ các điều kiện, cơ hội để đưa ngành y tế Việt Nam vươn tầm khu vực và thế giới.
Để làm rõ vấn đề này, nhóm phóng viên VOV thường trú tại TP.HCM có loạt bài “Hợp tác y tế quốc tế ở TP.HCM - nâng tầm vị thế y tế Việt Nam”. Bài 1 có tiêu đề: Khi bác sĩ nước ngoài đến Việt Nam học việc
Sức hút từ các trung tâm đào tạo
Từ sáng sớm, bác sĩ Akmal Fawzi Yusril Umam và bác sĩ Zen Ary Prasetyo, Đại học Brawijaya, Malang, Indonesia đã có mặt ở khoa Tiết niệu-Bệnh viện Bình Dân của TP.HCM để hội chẩn toàn khoa. Tiếp đó, cả 2 có mặt ở phòng mổ để học hỏi, quan sát các bác sĩ phẫu thuật cho người bệnh….Thời gian hai bác sĩ này đến Bệnh viện Bình Dân TP.HCM học về kỹ thuật phẫu thuật nội soi ổ bụng và phẫu thuật nội soi qua ngả niệu đạo là 3 tháng.
Bác sĩ Akmal Fawzi và bác sĩ Zen Ary chia sẻ: “Đội ngũ tập huấn của bệnh viện rất hỗ trợ chúng tôi. Họ sẵn sàng chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm, cả những video về kỹ thuật phẫu thuật nội soi ổ bụng, đường tiết niệu… rất thân thiện. Khóa học này tôi học được rất nhiều thứ, tôi học được cả những cách đặt dụng cụ rất bài bản”.
Trong khi đó, bác sĩ Zen Ary Prasetyo cho biết: “Đặc trưng và người bệnh, mặt bệnh cũng khá tương đồng với bệnh viện của tôi ở Indonesia, và các thiết bị cũng khá tương đồng, cho nên khá dễ dàng để tôi áp dụng các kiến thức và kỹ thuật. Khi nền tảng máy móc, kỹ thuật tốt hơn và biết kỹ năng hơn thì mình sẽ áp dụng tốt hơn”.
Trung tâm đào tạo nội soi và phẫu thuật nội soi tiết niệu của Bệnh viện Bình Dân ra đời năm 2009. Đây là đơn vị tiên phong ở miền Nam về đào tạo phẫu thuật nội soi tiết niệu. Không chỉ đào tạo cho các bác sĩ ở trong nước, từ năm 2013 đến nay, trung tâm đón rất nhiều bác sĩ của các bệnh viện trong khu vực như: Philippines, Indonesia, Malaysia, Campuchia… đăng ký theo học
Bệnh viện Bình Dân là một trong rất nhiều trung tâm đào tạo y khoa mang tầm quốc tế của TP.HCM, cùng với Bệnh viện Chợ Rẫy, Viện Tim, Bệnh viện y học cổ truyền thành phố. Những bác sĩ nước ngoài theo học tại các bệnh viện của TP.HCM không chỉ đến từ các quốc gia Đông Nam Á, mà cả Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, thậm chí là cả những quốc gia có nền y học đứng đầu thế giới như: Đức, Pháp, Ý… Việc đào tạo của các bệnh viện cũng được y khoa thế giới công nhận. Từ năm 1999, giấy chứng nhận đào tạo của Bệnh viện Chợ Rẫy được ngành y khoa các nước công nhận, tiếp đó là Bệnh viện Bình Dân, Viện Tim...
Tiến sĩ Lâm Đình Tuấn Hải, Giám đốc Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: "Chúng tôi tiếp nhận một số bác sĩ từ các nước lân cận như Indonesia và Philippines. Các bác sĩ này thường học tập tại các khoa như là nội soi, u gan hoặc là phẫu thuật nội soi tại bệnh viện. Khi họ đến đây thì chúng tôi sắp xếp theo nguyện vọng cá nhân. Nếu có những chuyên khoa nào cần thiết thì chúng tôi có thể giới thiệu thêm”.
“Mang chuông đi đánh xứ người”
Không chỉ là điểm đến học tập, nâng cao tay nghề cho các bác sĩ nước ngoài, các bệnh viện của TP.HCM còn đưa chuyên gia sang đào tạo cho bác sĩ nước bạn.
Tại Bệnh viện Bình Dân, sau 3 năm triển khai phẫu thuật robot, BS.CKII Nguyễn Phú Hữu, Phó trưởng khoa Ngoại tiêu hóa đã được mời sang chuyển giao kỹ thuật cho các bác sĩ Bệnh viện Philippines General Hospital. Tại đây, BS.CKII Nguyễn Phú Hữu đã trực tiếp thị phạm cho các đồng nghiệp những ca phẫu thuật khó nhất: "Với kinh nghiệm mình ở đây triển khai 6,7 năm rồi thì hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật. Những ca độ khó cao thì mình cũng đủ kinh nghiệm để xử lý. Tôi được đi học bên đó nhưng về đây mình chế lại, làm sao cho ít tốn tiền cho bệnh nhân mà vẫn đạt hiệu quả. Khi qua Philippines thì tôi cũng chia sẻ việc đó cho đồng nghiệp và người ta rất là vui mừng, vì trước tới nay họ chưa thấy ở đâu làm”.
Theo TS.BS.CKII Đỗ Lệnh Hùng, Trưởng đơn vị Niệu đạo Bệnh viện Bình Dân, người từng tham gia chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật tạo hình niệu đạo cho các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Thammasat – Thái Lan, ở châu Á, kỹ thuật tạo hình niệu còn nhiều hạn chế, chỉ có 1 trung tâm duy nhất ở Ấn Độ đào tạo bài bản về lĩnh vực này. Do đó, sau một hội nghị quốc tế, các đồng nghiệp ở Thái Lan đã mời bác sĩ Hùng đến chuyển giao kỹ thuật khó này:
“Thật ra trước đó họ đã có kế hoạch mời một bệnh viện bạn ở một đất nước khác, nhưng sau đợt workshop (hội thảo) ở Bệnh viện Bình Dân, được chứng kiến tận mắt khi mình thực hiện phẫu thuật thì họ đã thay đổi quyết định và đã mời Bệnh viện Bình Dân, thì đó là sự vui mừng vì mình đã tạo được tiếng vang, được đồng nghiệp ở nước ngoài tin tưởng”.
Theo thống kê, mỗi năm chỉ riêng Bệnh viện Chợ Rẫy – TP.HCM tiếp nhận từ 250-370 sinh viên, bác sĩ nước ngoài đến thực tập và đào tạo, đồng thời cử 400-500 lượt bác sĩ, chuyên gia sang PhnomPênh (Campuchia) hỗ trợ chuyên môn. Nhiều kỹ thuật cao đã được đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy triển khai lần đầu tại Campuchia và chuyển giao thành công cho nước bạn, như phẫu thuật chấn thương chỉnh hình phức tạp, đặt máy tạo nhịp tim, thận nhân tạo…
Đây chỉ là con số rất nhỏ cho thấy TP.HCM nói riêng, Việt Nam nói chung đang là điểm đến học tập của những người làm ngành y trên thế giới. Đặc biệt, ngành y tế thành phố cũng thể hiện rõ vai trò đầu tàu trong hợp tác y tế quốc tế, khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ y khoa thế giới.
Nội dung này sẽ được đề cập trong phần tiếp theo trong bài viết thứ 2 với nhan đề “Hợp tác để chuyển mình vươn xa”.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/khi-bac-si-nuoc-ngoai-den-viet-nam-hoc-viec-post1057435.vov