Khi Bảo tàng, thư viện 'nhập cuộc' chuyển đổi số

Nhờ chuyển đổi số (CĐS) việc tham quan tìm hiểu các hiện vật, đặc biệt là bảo vật quốc gia tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa mang đến cho du khách những trải nghiệm hấp dẫn. Giờ đây, việc 'chạm' vào bảo vật đã thực sự dễ dàng hơn.

Với bạn đọc đến Thư viện tỉnh, CĐS mới chỉ tạo được sự thuận tiện trong tra cứu tài liệu.

Với bạn đọc đến Thư viện tỉnh, CĐS mới chỉ tạo được sự thuận tiện trong tra cứu tài liệu.

“Chạm vào” bảo vật quốc gia với kính 3D

Sở hữu số lượng hiện vật lớn, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa được biết đến là không gian lưu trữ - “tụ hội” của nhiều hiện vật - di sản mang giá trị văn hóa, lịch sử. Bởi vậy, đây là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách tham quan, học tập. Hiện, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đang lưu giữ hơn 30.000 hiện vật, trong đó có hơn 2.000 hiện vật được lựa chọn trưng bày.

Nếu như trước đây, trong quan niệm của nhiều người, bảo tàng là nơi trưng bày những hiện vật nằm im lìm trong tủ kính. Khách đến tham quan bảo tàng, bên cạnh việc nghe thuyết minh viên giới thiệu, thì chỉ có thể ngắm hiện vật qua vách kính ngăn. Vậy nhưng hiện nay, việc tham quan tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, đã có những thay đổi.

Từ cuối năm 2022, với việc số hóa 3 bảo vật quốc gia (kiếm ngắn núi Nưa; trống đồng Cẩm Giang; vạc đồng Cẩm Thủy) du khách khi đến tham quan đã có những trải nghiệm thú vị hơn. Cùng với việc quét mã QR để xem nội dung, nghe giới thiệu về hiện vật trưng bày, khi du khách sử dụng kính 3D có thể ngắm nhìn hiện vật ở mọi chiều kích vô cùng sống động. Lê Khánh An - học sinh Trường Tiểu học Minh Khai (TP Thanh Hóa) tham quan 3D tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ cảm xúc: “Khi đeo kính 3D vào, cháu có cảm giác như mình đang cầm bảo vật kiếm ngắn núi Nưa trên tay vậy. Cháu còn có thể xem rõ từng hoa văn chạm khắc trên bảo vật, thực sự rất ấn tượng”.

Chị Lê Thùy Dung, Phó trưởng Phòng Trưng bày tuyên truyền Bảo tàng tỉnh, cho biết: “Từ khi các bảo vật quốc gia được số hóa và đưa vào phục vụ được khách tham quan đánh giá cao, đặc biệt là các bạn trẻ khá yêu thích. Đây được xem là hiệu quả thiết thực của CĐS - số hóa hiện vật góp phần phát huy hiệu quả cho hoạt động bảo tàng. Hy vọng trong thời gian tới, ngoài 3 bảo vật quốc gia, sẽ có thêm nhiều hiện vật quý tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa được số hóa đưa vào phục vụ khách tham quan”.

Các bạn nhỏ “tham quan” 3 bảo vật quốc gia tại Bảo tàng tỉnh với kính 3D.

Các bạn nhỏ “tham quan” 3 bảo vật quốc gia tại Bảo tàng tỉnh với kính 3D.

Ông Trịnh Đình Dương, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: “CĐS tác động lên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và hoạt động bảo tàng cũng không nằm ngoài xu thế. Ở khía cạnh nào đó, có thể xem CĐS như “đòn bẩy” - “lực hấp dẫn” thu hút khách tham quan. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn chế, hiện nay mới chỉ có 3 bảo vật quốc gia được số hóa hình ảnh để phục vụ khách tham quan. Việc số hóa hiện vật là cần thiết song trong điều kiện nguồn kinh phí hạn chế thì cần được lựa chọn kỹ. Năm 2023, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu số hóa 200 hiện vật (trong kho) phục vụ việc lưu giữ, quản lý”.

Số hóa tài liệu thư viện - cần nhiều nguồn lực đầu tư

Cùng với Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh cũng được xem là đơn vị có nhiều hoạt động tích cực trong CĐS. Theo đó, các bước cơ bản về nghiệp vụ như quản lý bạn đọc, làm thẻ bạn đọc, quản lý lưu thông, mượn trả sách đều được thao tác trên máy tính; thư viện cũng đã cơ bản xây dựng xong cơ sở dữ liệu, cập nhập kịp thời các sách mới để bạn đọc tiện tìm kiếm.

Trao đổi với em Nguyễn Ngọc Hân - học sinh lớp 10 Trường THPT Đào Duy Từ đang tra cứu sách trên máy tính tại Thư viện tỉnh, Hân cho biết: “Từ nhỏ em được bố mẹ thường xuyên đưa đến thư viện. Khi ấy, mỗi lần mượn sách đều phải nhờ các cô, chú nhân viên thư viện tra cứu. Tuy nhiên, những năm gần đây, em đã có thể tra cứu tài liệu trên máy tính được trang bị thông qua phần mềm tìm kiếm một cách dễ dàng”. Và ngay cả khi không đến thư viện, bạn đọc cũng có thể truy cập vào website của Thư viện tỉnh để tra cứu tài liệu cần trước khi đến mượn sách.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc CĐS tại đây đang gặp không ít khó khăn, sự tiện lợi của CĐS tại Thư viện tỉnh Thanh Hóa dường như mới… tạm dừng lại ở đó. Ông Lê Hải Nam, Trưởng Phòng Tin học Thư viện tỉnh, cho biết: “Vấn đề khó nhất hiện nay với Thư viện tỉnh là CĐS toàn văn (thư viện số). Có nghĩa, sách sẽ được đưa dưới dạng toàn văn (bản mềm) để bạn đọc có thể tra cứu, đọc sách từ xa. Điều này đặc biệt hữu ích với bạn đọc ở các huyện xa, không có điều kiện trực tiếp đến Thư viện tỉnh, xóa đi khoảng cách về địa lý. Tuy nhiên, việc số hóa tài liệu hiện có tại Thư viện tỉnh đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó khó khăn nhất là nguồn kinh phí. Đây là quá trình cần đến nguồn kinh phí lớn, thời gian dài. Nói một cách dễ hiểu, đến nay Thư viện tỉnh Thanh Hóa đã có quá trình gần 70 năm xây dựng, phát triển, tích lũy được hơn 60.000 đầu sách với trên 300.000 bản sách (Hán Nôm và Quốc ngữ), trong đó có nhiều tài liệu quý hiếm. Việc số hóa tài liệu cần được đầu tư kinh phí lớn, thời gian dài, thực hiện liên tục”.

Cũng theo ông Lê Hải Nam, việc số hóa là cách để “bảo tồn” kịp thời những tài liệu quý hiếm. Hiện nay, tại Thư viện tỉnh, một số tài liệu quý hiếm có nguy cơ hư hỏng đang được phục chế, bảo quản gắn với số hóa để phục vụ lưu giữ. Trong sự phát triển mạnh mẽ của CĐS hiện nay, bên cạnh thư viện truyền thống, số hóa tài liệu - xây dựng thư viện số vừa để lưu giữ tài liệu lâu dài và đáp ứng nhu cầu của bạn đọc tốt hơn, đây là xu thế chung ở các thư viện trong cả nước.

Bài và ảnh: Trang Bùi

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nhip-song-so/khi-bao-tang-thu-vien-nbsp-nhap-cuoc-chuyen-doi-so/28429.htm