'Khi biết được sự thật tàn khốc như thế mà không lên tiếng cũng là tội ác'

Tác phẩm VTV Đặc biệt 'Bẫy' của nhóm tác giả Hồ Trí, Hồng Anh, Quốc Bằng, Sỹ Thanh được phát sóng vào cuối năm 2022 đã tạo nên nhiều cung bậc cảm xúc cho người xem, tác phẩm giúp cảnh báo và định hướng trong bối cảnh lừa đảo trực tuyến và nạn buôn bán người xuyên biên giới trở nên báo động.

Tác phẩm được trao giải A Giải Báo chí Quốc gia năm 2022 ở hạng mục phim tài liệu truyền hình. Để hiểu rõ hơn về quá trình tạo nên tác phẩm này, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có buổi trò chuyện với nhà báo Hồ Trí - Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số (VTV Digital), Đài Truyền hình Việt Nam.

Việc tác nghiệp ở phía bên kia biên giới chưa bao giờ là đơn giản

+ VTV Đặc biệt mang tên “Bẫy” đã được phát sóng, gây chấn động dư luận năm 2022, vậy xuất phát từ ý tưởng nào để anh và ê-kíp triển khai đề tài này?

- Chúng tôi bắt đầu nghe ngóng được từ những mẩu thông tin nhỏ trên mạng xã hội rồi qua những cuộc chuyện trò của mọi người rằng chỗ này chỗ kia có người bị lừa đảo, bị mất tích. Nhưng đó là câu chuyện phiếm, mọi thông tin còn khá mù mờ. Ê-kíp dành thời gian tìm hiểu thông tin từ rất nhiều nguồn khác nhau, cả trong và ngoài nước. Được biết là có chuyện đó xảy ra nhưng cụ thể như nào thì mình cần phải tìm hiểu và trực tiếp khai thác.

 Bộ phim VTV Đặc biệt “Bẫy” được phát sóng lần đầu tiên vào ngày 24/12/2022, phơi bày những gì đang xảy đến với lao động Việt Nam bên nước ngoài.

Bộ phim VTV Đặc biệt “Bẫy” được phát sóng lần đầu tiên vào ngày 24/12/2022, phơi bày những gì đang xảy đến với lao động Việt Nam bên nước ngoài.

Chúng tôi quyết định lên đường và thực hiện những cảnh quay đầu tiên từ những ngày đầu năm 2022, sự mơ hồ dần dà được khơi thông. Mỗi bước đi lại phát hiện thêm những điều mới mẻ, càng đi càng có cái nhìn bao quát và cụ thể hơn. Thu nhặt từng dữ liệu để tạo thành một câu chuyện có logic, hợp lý và đúng sự thật.

Trước “Bẫy”, chúng tôi đã có vài lần được tác nghiệp ở nước ngoài với những đề tài “dễ thở” hơn, nhưng dù là gì thì việc tác nghiệp ở phía bên kia biên giới chưa bao giờ là đơn giản. Những rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, địa hình luôn làm công việc trở nên khó khăn. Đa số các đề tài khác, chúng tôi đều có nhân vận và câu chuyện trước giờ khởi hành, nhưng với “Bẫy” thì không. Những thông tin ở thời điểm bắt đầu đặt chân sang bên kia biên giới quá chung chung và mù mờ. Nó cũng đã khiến chúng tôi có nhiều cung bậc cảm xúc và từ bỏ cũng là điều được cả ê-kíp nghĩ tới.

Nhưng dù làm đề tài gì và tác nghiệp ở đâu, thì quan trọng nhất là yếu tố pháp lý. Từ việc xin phép cơ quan, chuẩn bị các thủ tục, giấy tờ xuất nhập cảnh,… Phải hiểu về quy tắc tác nghiệp, hình ảnh nào được quay, được phép sử dụng... bởi đây còn liên quan đến vấn đề ngoại giao quốc gia. Khi tác nghiệp chúng ta không nên đặt giới hạn cho bản thân mình thay vào đó cần lưu tâm đến đạo đức và pháp lý. Là phóng viên thì ai cũng “tham” dữ liệu, đây là điều tốt bởi mong muốn có được nhiều thông tin nhất để phục vụ cho khán giả của mình, nhưng chớ vì điều đó mà bất chấp để rồi vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật.

Chúng tôi không cố biến điều gì thành đặc biệt và không xuất phát điểm với mục tiêu đặc biệt

+ Khi tác nghiệp, anh có dự cảm liệu tác phẩm của mình sẽ trở thành một bộ phim “bom tấn” có sức lan tỏa và ảnh hưởng lớn?

- Chúng tôi không xác định là mình sẽ tạo ra một bộ phim bom tấn. Chúng tôi luôn nghĩ đơn giản, đó là công việc của mình nên mình muốn làm và phải làm. Nghề báo vốn dĩ hơn người khác ở việc họ biết được sự thật và thậm chí còn là những người đầu tiên được chứng kiến sự thật. Và khi biết được một sự thật tàn khốc như thế mà không lên tiếng cũng là tội ác.

 Nhà báo Hồ Trí - Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số (VTV Digital), Đài Truyền hình Việt Nam.

Nhà báo Hồ Trí - Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số (VTV Digital), Đài Truyền hình Việt Nam.

Trong quá trình làm, chúng tôi thấy thông tin dày dặn, nếu chỉ gói gọn trong vài mẩu tin phản ánh thì nội dung sẽ bị đứt đoạn. Một hai phóng sự cũng không thể truyền tải hết được thông tin, thông điệp một cách trọn vẹn nhất. Gần 8 tháng thực hiện, khi phim đóng máy, những tư liệu quay được đã thực sự trở nên đặc biệt bởi tính cảnh báo cao độ của nó. Và thế là nó đã vô tình trở thành VTV Đặc biệt. Nói ra điều này để khán giả biết rằng chúng tôi không cố biến điều gì thành đặc biệt và không xuất phát điểm với mục tiêu đặc biệt, mà nó chỉ đơn thuần xảy đến như vậy mà thôi.

Đây là những thước phim về sự thật. Nó không có kịch bản để gò ép nhân vật và câu chuyện theo ý muốn của ê-kíp. Phim cũng không có đạo diễn, bởi nhân vật không diễn theo sự chỉ đạo của ai. Tất cả lựa chọn đều là của họ và nhiệm vụ của phóng viên chỉ là ghi lại sự thật đó mà thôi. Việc tìm kiếm, tiếp cận được các nhân vật thậm chí còn khó hơn cả việc làm thế nào để quay được những hình ảnh trong phim. Bởi vậy công sức làm nên bộ phim không thể tính bằng số người, số ngày mà bằng số phận con người.

Hơn một lần muốn bỏ cuộc

+ Liệu có khi nào chính phóng viên rơi vào “bẫy”, vì thực tế đã có rất nhiều vụ đánh đập, nơi pháp luật bị xem nhẹ, quyền tự do cơ bản bị tước đoạt, súng đạn và bạo lực luôn hiện hữu?

- Sau thời gian làm hậu kỳ, chúng tôi thống nhất lựa chọn từ “Bẫy” đặt tên cho phim của mình, đây là danh từ nhưng cũng là động từ. Ở đây có các nạn nhân “mắc bẫy” xảy ra từ trong nước đến quốc tế, các nhân vật đang rơi vào bẫy, bẫy của chính mình lẫn của những kẻ buôn người. Xót xa, nhiều nạn nhân biết là bẫy nhưng vẫn lao vào vì muốn thoát nghèo. Họ loay hoay trong bẫy, có người phải trả giá bằng cả mạng sống.

Trong quá trình tác nghiệp, khó khăn đến rất nhiều. Nó đến không chỉ ở việc tác nghiệp ở bên kia bên giới mà là làm thế nào để ghi được hình ảnh ở bên trong các tổ chức tội phạm lừa đảo qua mạng và buôn bán người. Lo sợ là có nhưng nếu cứ chỉ biết lo hay sợ thì không giải quyết được vấn đề, mà chỉ càng khiến mọi điều trở nên rối rắm. Thay vì sợ bị chúng bắt giữ, đánh đập hay thủ tiêu khi phát hiện mình thâm nhập để ghi hình, thì phải nghĩ ra cách đối phó nếu giả thuyết đó xảy đến. Ê-kíp quan niệm, nếu bạn làm điều gì vì sự thật, vì nên làm và phải làm thì lúc đó bạn sẽ tự sản sinh ra vắc-xin để tự bảo vệ mình.

+ Với nhiều sức ép như vậy, có thời điểm nào anh và ê-kíp muốn từ bỏ?

- Giờ, sau khi phim lên sóng thì có thể nói ra mọi thứ hay ho và trơn tru như vậy, nhưng chính tôi và đồng nghiệp đã hơn một lần muốn bỏ cuộc. Áp lực lớn nhất là tiến độ, thời gian càng kéo dài thì nhiều nạn nhân càng lún sâu vào bẫy. Có lúc ê-kíp đã phải tranh cãi nhau dữ dội vì sự phối hợp chưa thực sự ăn ý. Vì quá nhiều áp lực khiến mọi người khó giữ cái đầu lạnh để tỉnh táo. Đã có lúc muốn bỏ cuộc… nhưng rồi nghĩ rằng, nếu chúng ta không tiếp tục, thì ai nói ra sự thật này. Chúng ta quá có lỗi với nạn nhân và những người đang giúp sức cho mình. Vì vậy, nghỉ một lúc rồi cùng bước tiếp. Và chúng tôi đã cùng đi tiếp cho đến khi phim lên sóng.

+ Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Lê Tâm (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khi-biet-duoc-su-that-tan-khoc-nhu-the-ma-khong-len-tieng-cung-la-toi-ac-post252173.html