Khi bữa ăn bán trú trở thành 'sát thủ'
Hàng loạt học sinh phải nhập viện sau những bữa ăn, đáng tiếc đây lại là những bữa liên hoan lớp hoặc ăn bán trú, tưởng an toàn nhưng lại trở thành thủ phạm đe dọa sức khỏe học sinh...
Sau những bữa bán trú, học sinh thi nhau nhập viện
Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn vừa tổ chức cuộc họp khẩn để đánh giá nguyên nhân hàng loạt học sinh tại Trường Tiểu học và THCS Nông Thượng (Thành phố Bắc Kạn) phải nhập viện với các triệu chứng nôn, sốt, đau bụng, tiêu chảy.
Trước đó, nhà trường tổ chức bữa ăn trưa bán trú đầu tiên cho 88 học sinh và 5 giáo viên, gồm các món cơm tẻ, thịt gà chiên, canh rau dưa, khoai tây xào và dưa hấu. Đến tối cùng ngày, 1 học sinh bắt đầu xuất hiện triệu chứng đau họng nhưng không sốt hay nôn. Sáng 20/9, tiếp tục có thêm các học sinh khác sốt, nôn và đau bụng... tổng số ca nhập viện lên tới hơn 20 ca.
Kết quả điều tra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn đã công bố cho biết, qua xét nghiệm ban đầu, xác định vi khuẩn tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) là nguyên nhân gây ra sự bùng phát bệnh trong trường học.
Theo báo cáo của cơ quan này, xét nghiệm trên 6 mẫu bệnh nhân đã cho kết quả dương tính với vi khuẩn tụ cầu vàng. Loại vi khuẩn này thường gây ra các vấn đề về ngộ độc thực phẩm và nhiễm trùng đường tiêu hóa.
Dư luận còn chưa hết lo lắng với vụ ngộ độc thực phẩm tại Gia Lai sau cỗ trung thu tại Trường Trung học Cơ sở Tôn Đức Thắng khiến 21 học sinh lớp 7/1 có biểu hiện đau bụng, buồn nôn và chóng mặt thì cũng sau một bữa liên hoan Tết Trung thu năm 2024 của Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Xín Mần (tỉnh Hà Giang), 72 học sinh đã được đưa đến bệnh viện, trong đó 29 em có các triệu chứng ngộ độc thực phẩm, đau đầu hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng đi ngoài…
Trước sự việc trên, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đề nghị các Sở Y tế tỉnh tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở cung cấp thực phẩm có nghi ngờ gây ngộ độc thực phẩm khiến nhiều học sinh phải nhập viện vì có biểu hiện đau bụng, buồn nôn và chóng mặt để điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân, nếu vi phạm quy định về an toàn thực phẩm phải xử lý nghiêm, công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Tuy nhiên, điều này đã khiến nhiều bậc phụ huynh vẫn không khỏi lo lắng, băn khoăn bởi thậm chí, không chỉ đơn giản là ngộ độc, nhiều trường hợp học sinh đã phải tử vong như trường hợp đáng tiếc của em học sinh lớp 5 Trường tiểu học Vĩnh Trường, Thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) hồi
Ngộ độc thực phẩm bữa ăn bán trú: Nỗi lo còn đó!
Các vụ việc hàng loạt các em học sinh bị ngộ độc thực phẩm hoặc nghi ngộ độc thực phẩm tại các bữa ăn ở trường đã một lần nữa dấy lên nỗi lo về tình mất vệ sinh, an toàn thực phẩm tại trường học. Đặc biệt, trong bối cảnh cả nước chỉ mới bắt đầu bước vào năm học mới.
Vấn đề xác định nguyên nhân cũng là một thách thức đối với ngành y tế và các cơ quan chức năng. Trong đó, nếu thực sự bữa ăn bán trú không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì theo chuyên gia, trong số các món ăn, việc xác định cụ thể thức ăn nào là nguyên nhân gây ngộ độc vì có thể đã xảy ra tình trạng nhiễm chéo vi khuẩn.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 7/2024, đã xảy ra 06 vụ ngộ độc thực phẩm làm 506 người mắc, 503 người đi viện, 04 trường hợp tử vong.
Về căn nguyên của các vụ ngộ độc, có 03/06 vụ do vi sinh vật, 01/06 vụ do độc tố tự nhiên và còn 02/06 vụ chưa xác định được nguyên nhân gây ngộ độc.
Tích lũy từ đầu năm đến nay toàn quốc đã xảy ra 42 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.372 người mắc, 1.361 người đi viện, 09 người tử vong.
Khi chưa tìm ra “thủ phạm” gây ngộ độc cho các em học sinh thì hơn lúc nào hết, chúng ta cần hành động quyết liệt hơn để trả lại môi trường an toàn nơi học đường cho các em và sự yên tâm cho phụ huynh.
Cần phải làm gì để bữa ăn bán trú trở thành bữa ăn an toàn?
Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, bất cứ bữa ăn nào cũng cần xác định rõ và bảo đảm từ nguồn những yếu tố sau đây:
Nguồn thực phẩm: Trường học cần lựa chọn nhà cung cấp thực phẩm có đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; Tiếp nhận thực phẩm hàng ngày cần được thực hiện theo quy trình an toàn và được nhân viên y tế kiểm tra kỹ càng, sạch.
Nguồn nước uống cũng là yếu tố vô cùng quan trọng để giúp các em học sinh tránh những nguy cơ ô nhiễm, ngộ độc từ nước.
Tại bếp ăn bán trú cần được vệ sinh, sạch sẽ, có đủ ánh sáng, nhiệt và quy trình diệt khuẩn.
Đối với nhân viên cấp dưỡng, cần tuân thủ các quy trình nấu nướng, chế biến thức ăn đạt chuẩn, chất lượng, có kiến thức về các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm.
10 nguyên tắc vàng của tổ chức y tế thế giới (WHO) về vệ sinh an toàn thực phẩm
1. Chọn thực phẩm tươi an toàn: Rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch. Quả nên gọt vỏ trước khi ăn. Thực phẩm đông lạnh để tan đá, rồi làm đông đá lại là kém an toàn.
2. Nấu chín kĩ trước khi ăn: Nấu chín kĩ hoàn toàn thức ăn, bảo đảm nhiệt độ thực phẩm phải đạt tới 70 0c.
3. Ăn ngay sau khi nấu. hãy ăn ngay sau khi vừa nấu xong, vì thức ăn càng để lâu càng nguy hiểm.
4. Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín: Muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ, cần phải giữ liên tục nóng trên 60oc hoặc lạnh dưới 10oc.
5. Nấu lại thức ăn thật kĩ: Các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng, nhất thiết phải được đun kĩ lại.
6. Tránh ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín và sống với bề mặt bẩn: Thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt dùng để chế biến thức ăn.
7. Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác: Nếu bạn bị nhiễm trùng bàn tay, hãy băng kĩ và kín vết thương trước khi chế biến thức ăn
8. Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn: Do thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, bất kỳ bề mặt nào dùng để chế biến thức ăn cũng phải được giữ sạch. Khăn lau bát đĩa cần phải được luộc nước sôi và thay thường xuyên trước khi sử dụng lại.
9. Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác: Giữ thực phẩm trong hộp kín, chặn, tủ kính, lòng bàn. Đó là cách bảo vệ tốt nhất. khăn đã dùng che đậy thức ăn chín phải được giặt sạch trước khi dùng lại lần nữa.
10. Sử dụng nguồn nước sạch an toàn: Nước sạch là nước không màu, không mùi, vị lạ và không chứa mầm bệnh. Hãy đun sôi nước trước khi làm đá lạnh để uống. Đặc biệt cẩn thận với nguồn nước dùng nấu ăn cho trẻ.