Khi các doanh nhân trăn trở liệu có thể đi xa hơn, mạnh mẽ hơn không

Trong thể chế kinh tế thị trường hiện đại, khát vọng góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế cũng như tham vọng ngang tầm thế giới của giới doanh nhân Việt sẽ có cở sở để trở thành hiện thực.

Bức tâm thư của một doanh nhân

Cuối tháng 4/2025, President Club nhận được thư của một thành viên, cũng là một trong những thành viên sáng lập Câu lạc bộ, ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch HĐQT Alpha Books.

Trong thư, ông Bình kể về cuộc tiếp xúc gần đây với một số cán bộ ở các bộ, ngành và địa phương, nhận thấy họ đều là những người tâm huyết và có năng lực, nhưng phần lớn chưa thật sự hiểu về cách doanh nghiệp tư nhân vận hành cũng như những khó khăn, trở ngại mà khu vực này đang phải đối diện. Có lẽ bởi vậy, không ít đề xuất chính sách đưa ra còn thiếu thực tiễn, còn khoảng cách đáng kể với nhu cầu và thực tế của doanh nghiệp.

“Tôi trăn trở, liệu chúng ta có thể đi xa hơn, mạnh mẽ hơn không? Thay vì chỉ phản biện hay tham vấn, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động đề xuất và xây dựng hệ thống chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Chúng ta hiểu rõ nhất doanh nghiệp cần gì, rào cản ở đâu, cơ hội nằm chỗ nào. Các cơ quan có thể xem xét, phê duyệt và điều chỉnh sau”, ông Bình chia sẻ tâm huyết của mình.

Thậm chí, ông đã tính cả đề xuất Câu lạc bộ sẽ đóng góp kinh phí, con số có thể lên tiền tỷ, để triển khai việc nghiên cứu, soạn thảo một cách bài bản, chuyên nghiệp và sát thực tế, thể hiện tinh thần kiến quốc của doanh giới, chứ không chỉ là kiến nghị suông.

President Club là tập hợp những doanh nhân trực tiếp lập nghiệp, kinh doanh, điều hành doanh nghiệp. Nhiều người đã có hàng chục năm kinh nghiệm, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của nền kinh tế, đã có những thành công nhất định trong lĩnh vực kinh doanh của mình và nhiều thành viên chỉ mới bắt đầu bước chân vào sự nghiệp kinh doanh. Nhưng, như vị doanh nhân viết trong thư, họ chung tâm huyết và động lực của những người thực sự sống trong guồng quay thị trường...

 Bàn tròn Sáng kiến chính sách phát triển kinh tế tư nhân với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, doanh nhân.

Bàn tròn Sáng kiến chính sách phát triển kinh tế tư nhân với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, doanh nhân.

Cũng phải nói thêm, bức thư này được gửi đi ngay sau Bàn tròn Sáng kiến chính sách phát triển kinh tế tư nhân do Câu lạc bộ tổ chức, với sự tham gia của các doanh nhân, các chuyên gia kinh tế, đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp. Hôm đó, rất nhiều vấn đề được đặt ra, rằng sức khỏe của doanh nghiệp Việt Nam đang thế nào, tại sao doanh nghiệp tư nhân vẫn khó lớn và rằng cuộc thương chiến đang làm chao đảo kinh tế toàn cầu sẽ tác động thế nào tới doanh nghiệp Việt vừa mới hoàn hồn sau cú sốc của dịch bệnh, đang hào hứng với các kế hoạch trở lại thị trường.

Đặc biệt, con đường đầu tư ra nước ngoài, mua doanh nghiệp ngoại để tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao, sở hữu được công nghệ nguồn, để tham gia được vào các dự án, công trình lớn của đất nước, kể cả trong ngành công nghiệp quốc phòng cũng được các doanh nhân bàn đến như một giải pháp đột phá để thay đổi vị thế của đất nước...

Mối quan tâm lớn nhất, lấy đi tâm trí của nhiều doanh nhân là bài toán làm thế nào để các doanh nghiệp tư nhân gánh vác được vai trò là động tăng trưởng quan trọng nhất của nền kinh tế.

Thời cơ không có lúc nào thật sự tốt như lúc này

Các kế sách và đặc biệt là những trăn trở có kiến giải với con đường phát triển đất nướccủa giới doanh nhân khiến TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phải thốt lên, thời cơ không có lúc nào thật sự tốt như lúc này để nền kinh tế đạt được các mục tiêu khát vọng, trở thành nước phát triển vào dịp kỷ niệm 100 năm lập nước.

TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

“Chúng ta không thể quên Đại hội VI năm 1986, chỉ với quyết sách cho phép cho người lao động tự tạo ra việc làm, kích thích mọi người đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh, chấp nhận sự tồn tại của các thành phần kinh tế, doanh nghiệp tư nhân ào ra, dù non nớt nhưng đã đưa nền kinh tế đang trong khủng hoảng, thiếu ăn, thiếu mặc đã hồi sinh. Thời điểm này cũng có điểm tương đồng với năm 1986”, TS. Thiên nhận định.

Điểm tương đồng, theo TS. Thiên không chỉ là tư duy mới về kinh tế tư nhân, lần đầu tiên được Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định là động lực tăng trưởng quan trọng nhất, mà còn là sức sống mãnh liệt của khu vực này, cứ mỗi lần được cởi bỏ rào cản là một lần bừng dậy huy hoàng.

“Các doanh nghiệp không chỉ bàn làm sao để tồn tại, để vượt khó mà còn bàn để có được doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp số, doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Bài toán phát triển mà chính doanh nghiệp muốn tìm kiếm câu trả lời không chỉ là cởi trói, không chỉ bàn về các doanh nghiệp hiện hữu, mà còn bàn về “thay máu”, bàn về những doanh nghiệp đủ sức giải quyết tương lai của đất nước trong thời đại của công nghệ số, của chuyển đổi xanh. Đó là lý do tôi tin không có thời cơ nào tốt như lúc này để nói về vươn mình, về bứt phá”, TS. Thiên thẳng thắn.

Tuy nhiên, niềm tin này đang có không ít lấn cấn, nhất là khi doanh nghiệp đang rút lui nhiều hơn đăng ký mới; vốn đầu tư tư nhân đang có mức tăng rất thấp, chỉ khoảng 7% so với tốc độ tăng trưởng 2 con số của nhiều năm trước dịch bệnh. Đặc biệt, 98% trong số hơn 900 ngàn doanh nghiệp vẫn là doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa; số hộ kinh doanh né tránh thành doanh nghiệp, không muốn bước chân vào khu vực chính thức vẫn chiếm chi phối trong số 5 triệu hộ...

Hơn thế, thực trạng không thể né tránh là nguồn lực của nền kinh tế vẫn chưa thực sự được phân bổ đúng theo nguyên tắc thị trường, môi trường kinh doanh vẫn còn quá nhiều điểm nghẽn, khiến khu vực tư nhân vẫn tự nhận, chỉ có được “phần vụn của tấm bánh thị trường”.

“Có một điều mà 40 năm trước, chúng ta đã đặt ra nhưng chưa làm xong, đó là chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, nhưng giờ đã phải nói đến chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Kinh nghiệm của thế giới nói chung, các con rồng châu Á nói riêng cho thấy, các nền kinh tế đi trước về công nghệ đều đã giải quyết kinh tế thị trường phát triển rất hiệu quả’, TS. Thiên tâm tư khi chia sẻ về áp lực của đất nước.

Thị trường mà chậm trễ, chưa hoàn thiện thì chuyển đổi xanh, số cũng không dễ dàng.

Bàn đạp từ hệ thống thể chế phục vụ, thay vì xin-cho

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (nay là Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược) đã rất trăn trở khi nhắc đến thuật ngữ “khu vực ngoài nhà nước” trong các báo cáo thống kê khi trình bày thông tin này với các doanh nghiệp tư nhân.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Sự phân biệt ở 1 thuật ngữ, nhưng được cho là dấu ấn trong tư duy của nhà nước sau Đổi mới, thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần, chấp nhận kinh tế tư nhân, nhưng thái độ chính sách còn nhiều phân biệt, đối xử, chưa thực sự khuyến khích cạnh tranh. Hệ quả là cơ chế vận hành chưa thực sự theo nguyên lý hiệu quả - từ cơ cấu sở hữu các nguồn lực đến việc phát triển các thị trường nhân tố sản xuất.

Chúng tôi đang kỳ vọng ở Nghị quyết mới về phát triển kinh tế tư nhân. Tổng bí thư đã mở hết cơ hội, không gian cải cách, giờ là lúc cần thể thiện trong văn bản, luật lệ để thực thi.

Thậm chí, ông Cung còn phát hiện, cho đến thời điểm này, chỉ có duy nhất Luật Doanh nghiệp được thiết kế theo nguyên tắc “người dân được làm những gì pháp luật không cấm”. Song nhiều quyền kinh doanh của doanh nghiệp đang bị vô hiệu hóa bởi các luật chuyên ngành, với hàng rào điều kiện kinh doanh, quy chuẩn, tiêu chuẩn không phù hợp, không hợp lý, thiếu minh bạch, chồng chéo. Đến mức, trong đợt khảo sát, đánh giá mới đây về các quy định liên quan đến quản lý chuyên ngành, ông Cung đã phải thốt lên, thực tế, doanh nghiệp tư nhân khó lớn, thậm chí không thể lớn bởi họ được làm những gì pháp luật cho phép nhưng “theo khả năng quản lý và hiểu biết của công chức nhà nước”.

Nhưng bối cảnh đang thay đổi rất nhanh, ông Cung tin như vậy, với kinh nghiệm hơn 40 năm là người trong cuộc trong công cuộc cải cách môi trường kinh doanh.

Điểm nghẽn thể chế này đã được chính Tổng Bí thư Tô Lâm gọi tên, khẳng định là điểm nghẽn của điểm nghẽn. Hệ quả là, cho dù được sửa đổi, bổ sung liên tục, theo hình thức một luật nhiều luật, có cả nghị quyết đặc thù, nhưng điểm nghẽn thể chế còn rất lớn vì hệ thống pháp luật hiện tại đang là hệ quả của tư duy không quản được thì cấm.

“Hệ thống chắc chắn sẽ thay đổi theo đúng chỉ đạo của Tổng bí thư, đó là xóa bỏ tư duy không quan được thì cấm, chuyển từ xin cho sang phục vụ. Đây cũng là điều chúng tôi đang kỳ vọng ở Nghị quyết mới về phát triển kinh tế tư nhân. Tổng Bí thư đã mở hết cơ hội, không gian cải cách, giờ là lúc cần thể thiện trong văn bản, luật lệ để thực thi. Một không gian thị trường đầy đủ chắc chắn sẽ làm bệ đỡ cho các khát vọng muốn làm lớn, muốn tham gia vào các dự án, công trình mang biểu tượng đất nước của khu vực kinh tế tư nhân”, ông Cung hào hứng.

Trong không gian này, Nhà nước đã quyết tâm bước cùng thời đại, đã định hình thành đường lối để dẫn dắt, định hình thành chiến lược, chính sách để hành động và định hình không gian, điều kiện để các chủ thể khác trong nền kinh tế hoạt động một cách bình đẳng, hiệu quả. Đặc biệt, thể chế kinh tế hiện đại, đủ năng lực sẽ đưa nền kinh tế đi cùng, thậm chí vượt lên trong bối cảnh mới của kinh tế toàn cầu.

Tất nhiên, đây vẫn là những mục tiêu cao, nhưng người Việt có “lịch sử” là đặt mục tiêu càng cao thì khả năng đạt được cũng càng lớn, vì cả hệ thống sẽ dốc sức bàn làm.

Khánh Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/khi-cac-doanh-nhan-tran-tro-lieu-co-the-di-xa-hon-manh-me-hon-khong-d274889.html