Khi các nhà công nghệ hái 'trái ngọt' từ thị trường nước ngoài

Một số doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông (ICT) của Việt Nam đã ghi nhận một năm hoạt động khá suôn sẻ tại thị trường nước ngoài, thông qua kết quả kinh doanh ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau hàng chục năm đầu tư nơi đất khách.

Mạng di động Halotel do Viettel đầu tư tại Tanzania. Ảnh: DNCC

Mạng di động Halotel do Viettel đầu tư tại Tanzania. Ảnh: DNCC

Sau những gian nan là “trái ngọt”

Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) là doanh nghiệp có doanh thu từ thị trường nước ngoài lớn nhất trong nhóm ICT hiện nay. Năm 2022 là năm đầu tiên mà Viettel có doanh thu từ mảng viễn thông ở thị trường nước ngoài tương đương với trong nước, sau hàng chục năm kinh doanh xoay xở tại những vùng đất mới. Doanh thu từ mảng viễn thông quốc tế của Viettel hơn 70.000 tỉ đồng (gần 3 tỉ đô la Mỹ), trong khi tổng doanh thu hợp nhất của doanh nghiệp là 163.800 tỉ đồng.

Năm vừa qua, số ngoại tệ Viettel chuyển về nước gần 500 triệu đô la Mỹ – cao nhất trong 5 năm vừa qua. Lũy kế từ trước đến nay, Viettel đã chuyển về nước gần 70% tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài.

Sau Viettel, FPT là tập đoàn có doanh thu từ thị trường nước ngoài xếp thứ 2 trong nhóm ICT.

Kết thúc năm 2022, FPT ghi nhận đạt doanh thu 44.017 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.654 tỉ đồng. Trong đó khối công nghệ (bao gồm dịch vụ công nghệ thông tin trong nước và nước ngoài) đóng góp 58% doanh thu và 45% lợi nhuận trước thuế của toàn tập đoàn này, tương đương 25.521 tỉ đồng và 3.421 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt hơn 23% và hơn 22% so với năm 2021.

Trong đó, doanh thu công nghệ thông tin tại nước ngoài của FPT đạt 18.935 tỉ đồng, tăng hơn 30%, lợi nhuận trước thuế đạt 2.987 tỉ đồng. Các thị trường trọng điểm đều giữ được đà tăng trưởng cao, đặc biệt tại thị trường Mỹ (tăng 50%) và châu Á – Thái Bình Dương (tăng hơn 36%). Thị trường Nhật Bản, mặc dù chịu tác động của việc đồng yên Nhật mất giá nhưng vẫn tăng trưởng 16% so với năm 2021 nhờ vào nhu cầu chuyển đổi số tăng cao, đặc biệt trong nửa cuối năm 2022. Doanh thu chuyển đổi số đạt 7.349 tỉ đồng, tăng trưởng 33% so với năm 2021.

Mảng dịch vụ công nghệ thông tin tại thị trường nước ngoài của FPT trong năm 2022 cũng ghi nhận doanh thu ký mới đạt 21.594 tỉ đồng (tương đương 1 tỉ đô la Mỹ), tăng trưởng gần 40% so với năm trước, tạo đà tăng trưởng tốt cho năm 2023. Trong đó, nhờ những nỗ lực đầu tư vào nguồn nhân lực, năng lực công nghệ, lẫn mở rộng hiện diện trên 29 quốc gia trên toàn cầu, số lượng hợp đồng ký mới có quy mô doanh thu trên 5 triệu đô la Mỹ/dự án đạt 31 hợp đồng, tăng hơn 60% so với con số của năm 2021.

Lần đầu tiên, doanh số mà FPT ký được với khách hàng từ thị trường nước ngoài đạt 1 tỉ đô la Mỹ nhờ sự chuyển dịch mạnh mẽ sang cung cấp dịch vụ CNTT tổng thể từ khâu tư vấn, thiết kế, phát triển đến triển khai các dự án chuyển đổi số quy mô lớn cho các doanh nghiệp. Trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin cho thị trường nước ngoài, FPT hiện đang cung ứng các công nghệ và giải pháp chuyển đổi số đến hơn 1.000 khách hàng toàn cầu dựa trên các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, công nghệ chuỗi khối blockchain…

Với kết quả trên, FPT đã được Bộ Thông tin và Truyền thông tặng bằng khen về việc đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trên thị trường quốc tế năm 2022.

Tương tự FPT, CMC cũng là tập đoàn công nghệ có mảng kinh doanh quốc tế tăng trưởng mạnh. Theo đó, tập đoàn này công bố kết quả 9 tháng đầu năm tài chính 2022 (từ 1-4-2022 đến 31-12-2022) tăng trưởng mạnh. Đặc biệt là ở mảng kinh doanh quốc tế, doanh thu tăng trưởng 75% so với cùng kỳ.

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm tài chính 2022, CMC đạt doanh thu thuần đạt 6.239 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 416 tỉ đồng. CMC dự kiến, năm tài chính 2022 (kết thúc 31-3-2023) đạt doanh thu thuần đạt 8,6 ngàn tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 528 tỉ đồng.

Được ghi nhận sự tăng trưởng mạnh sau 5 năm phát triển, CMC Global đã được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông vào tháng 12-2022.

Quy mô 1.200 nhân sự và chuyên cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin cho nước ngoài với doanh thu khoảng 500 tỉ đồng/năm, VMO Holdings khai thác thị trường Mỹ, Nhật Bản và Singapore được hơn 10 năm. Ông Hoàng Tuấn Hải, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty, chia sẻ trong giai đoạn khó khăn của đại dịch Covid-19, doanh nghiệp đã có những bước phát triển nhảy vọt.

Vào tháng 4-2019, VMO chỉ là một doanh nghiệp có quy mô khoảng 70 người. Trong giai đoạn cuối 2019 – 2021 khi đại dịch hoành hành, phần lớn các doanh nghiệp đều gặp khó khăn. Để tồn tại và phát triển, VMO đã xác định tìm mọi cách để biến các thách thức thành những cơ hội không dành cho những người thích sự an toàn. Trong 3 năm qua VMO đã tăng nhân sự lên con số 1.200 người và cũng trong giai đoạn Covid-19 doanh nghiệp này đã mang về được hợp đồng triệu đô la Mỹ đầu tiên.

Nhân viên tập đoàn FPT đang làm việc. FPT là một doanh nghiệp doanh thu công nghệ thông tin tại nước ngoài năm 2022 đạt 18.935 tỉ đồng. Ảnh: DNCC

Nhân viên tập đoàn FPT đang làm việc. FPT là một doanh nghiệp doanh thu công nghệ thông tin tại nước ngoài năm 2022 đạt 18.935 tỉ đồng. Ảnh: DNCC

Phía sau những kết quả rực rỡ

Để có được các kết quả khả quan nêu trên, các công ty công nghệ Việt Nam phải vượt qua hàng loạt thử thách, trở ngại trong một khoảng thời gian khá dài. Họ cũng đã phải kiên trì trên con đường đã chọn và năng động xoay xở để thích ứng, tồn tại nơi đất khách.

Lãnh đạo Viettel chia sẻ ngay từ khi bắt đầu kinh doanh dịch vụ di động tại Việt Nam, doanh nghiệp đã nghĩ đến việc đầu tư ra nước ngoài. Khi đó, tự xác định vị thế và quy mô nhỏ, thiếu kinh nghiệm so với các tập đoàn quốc tế, Viettel chọn cho mình một lối đi riêng, đó là đầu tư vào những thị trường còn chưa phát triển hoặc những thị trường khó khăn về mặt hạ tầng kỹ thuật và thông thương, đơn cử như những quốc giá có kinh tế còn yếu tại châu Phi.

Khi chấm Tanzania, Mozambique, Haiti… vào bản đồ đầu tư, đồng nghĩa với việc Viettel phài phát triển được đội ngũ nhân sự có năng lực và chấp nhận làm việc xa nhà 1-2 năm đầu. Trong khoảng thời gian ban đầu, lãnh đạo doanh nghiệp gặp không ít khó khăn để thuyết phục nhân viên sang làm việc ở nước ngoài. Bởi ngoài việc một khoảng thời gian dài không được về nhà, các nhân viên của Viettel phải chấp nhậnlàm việc trong các điều kiện khó khăn, thiếu thốn tiện nghi, thậm chí là nguy hiểm hơn so với làm việc tại Việt Nam. Đôi khi, được ăn một gói mì ăn liền cũng là điều xa xỉ đối với họ – vì ở các nước Châu Phi không bán thực phẩm Việt Nam.

Còn với FPT, “trái ngọt” cũng đến từ việc trải qua nhiều gian nan. Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, tại một sự kiện gần đây, đã chia sẻ nhiều câu chuyện về thất bại của doanh nghiệp vào 20 năm trước khi đi ra nước ngoài.

Thị trường đầu tiên được FPT nhắm đến khi đi ra nước ngoài là Mỹ. Nhưng năm 1999, thị trường Mỹ chưa biết đến các doanh nghiệp Việt Nam, không có dữ liệu và thông tin về năng lực công nghệ như thế nào. Do đó, FPT đã thất bại ngay từ vòng ứng tuyển đầu tiên. Thế nhưng, doanh nghiệp không bỏ cuộc mà chuyển hướng sang xuất khẩu phần mềm (gia công phần mềm) cho thị trường Nhật Bản. Tại đất nước hoa anh đào, những thách thức lại đến theo một phương thức khác, đó là doanh nghiệp Nhật Bản yêu cầu các đối tác gia công phải biết tiếng Nhật. Và thế là, hành trình đào tạo nhân sự biết tiếng Nhật của FPT bắt đầu.

Thời điểm ban đầu, chưa thể có nhân viên giỏi tiếng Nhật ngay, FPT đành chọn cách thức cứ một nhóm kĩ sư người Việt lại có 1 phiên dịch viên tiếng Nhật. Đến giờ FPT không còn phải duy trì đội ngũ phiên dịch viên nữa vì đã có rất nhiều nhân viên có kỹ năng tiếng Nhật ở bậc cao. FPT cũng mở các khóa đào tạo công nghệ thông tin hệ đại học bằng tiếng Nhật từ hàng chục năm nay.

Việc nhân viên FPT ở nước ngoài nhiều năm không về Việt Nam ăn tết, hay nhân viên trong nước cũng phải làm việc xuyên tết với các khách hàng nước ngoài là câu chuyện phổ biến nơi doanh nghiệp công nghệ có đội ngũ nhân sự lên đến 60.000 người này.

Trên thực tế, đến khi FPT có kết quả từ thị trường nước ngoài như hiện tại, nhiều nhân viên của doanh nghiệp mới bộc bạch rằng ông Trương Gia Bình, chủ tịch tập đoàn, có tầm nhìn dài hạn. Bởi thời kỳ ban đầu, khi ông tâm huyết với việc xuất khẩu phần mềm, không ít doanh nghiệp khác hoài nghi về hướng đi này, còn nhiều nhân viên cảm thấy không thể hiểu nổi vì sao sếp của mình lại chọn lựa con đường đó.

Một doanh nghiệp công nghệ có bề dày phát triển khác là CMC, cũng chia sẻ rằng khi nhận ra mình đang chậm chân trong việc mở rộng ra thị trường nước ngoài, đã thành lập CMC Global cách đây 5 năm.

Chủ tịch CMC, ông Nguyễn Trung Chính, trong cuộc trò chuyện với KTSG Online, nói rằng giai đoạn 2021-2025, CMC đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp toàn cầu, với doanh thu tỉ đô la Mỹ và quy mô hơn 10.000 nhân sự.

Những câu chuyện từ Viettel, FPT, CMC, VMO… cho thấy những nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp trong thời gian dài đã giúp họ thu hoạch “trái ngọt” từ thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn cần sự hỗ trợ chính sách từ Chính phủ, thông qua chính sách thuế, quy hoạch lẫn chiến lược phát triển các trung tâm công nghệ của Việt Nam tại những thị trường lớn.

Vân Ly

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/khi-cac-nha-cong-nghe-hai-trai-ngot-tu-thi-truong-nuoc-ngoai/