Khi các 'sao' làm thương hiệu

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, thể thao không còn chỉ là cuộc chơi trong khuôn khổ các thảm tập, sân đấu, mà còn là một 'trận địa' khốc liệt của hình ảnh, truyền thông và giá trị thương hiệu.

Cặp đôi Đức Phát và Ánh Nguyệt được đông đảo người hâm mộ yêu mến

Cặp đôi Đức Phát và Ánh Nguyệt được đông đảo người hâm mộ yêu mến

Không nằm ngoài xu hướng toàn cầu, vận động viên (VĐV) Việt Nam đang từng bước nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu cá nhân.

Những bước đi chập chững

Cách đây một vài thập niên, khái niệm “làm thương hiệu” gần như không tồn tại trong từ điển của giới thể thao Việt Nam. VĐV chỉ tập trung thi đấu, còn hình ảnh cá nhân, phát ngôn trước công chúng, chiến lược truyền thông hay quản lý mạng xã hội… hầu như ít được chú ý.

Không ít tài năng thể thao lặng lẽ tỏa sáng rồi cũng nhanh chóng mờ nhạt, bởi họ không biết (hoặc không thể) giữ cho mình một “ngọn lửa” truyền thông bền vững sau ánh hào quang chiến thắng.

Tuy nhiên những năm gần đây, làn sóng chuyên nghiệp hóa trong thể thao Việt Nam, cùng sự tác động mạnh mẽ của mạng xã hội, đã tạo nên chuyển biến rõ nét.

Một thế hệ VĐV trẻ năng động, bản lĩnh và có hiểu biết về truyền thông bắt đầu nổi lên không chỉ với thành tích thi đấu mà còn bằng cách họ “kể” câu chuyện về chính mình.

Trên mạng xã hội, tay vợt Nguyễn Thùy Linh được đông đảo người hâm mộ yêu mến. Trang facebook cá nhân của cô có tới 159.000 người theo dõi. Hằng ngày Thùy Linh “kể” những câu chuyện, khoảnh khắc tích cực trong tập luyện, thi đấu cũng như cuộc sống. Từ đó lan tỏa lối sống tích cực và được đông đảo fan đón nhận.

Tay vợt Lê Đức Phát cũng vậy, những câu chuyện dung dị, dí dỏm của anh trong cuộc sống được “kể” một cách tích cực giúp Phát có nhiều fan theo dõi. “Một nửa” của Phát là hoa khôi môn bắn cung Đỗ Thị Ánh Nguyệt cũng vậy.

Cô gái xinh đẹp này là chủ nhân của trang facebook cá nhân hấp dẫn. Hình ảnh nữ VĐV xinh đẹp, đáng yêu và những khoảnh khắc đáng nhớ trong tập luyện và thi đấu của Ánh Nguyệt đã được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội.

Những VĐV xuất sắc khác của thể thao Việt Nam như Nguyễn Huy Hoàng hay trước đó là Nguyễn Thị Ánh Viên cũng là những gương mặt được người hâm mộ yêu mến khi lan tỏa những hình ảnh về lối sống tích cực. Với Nguyễn Thị Oanh (“nữ hoàng điền kinh” của Việt Nam) sau kỳ SEA Games 32 rực rỡ, cô được mời hợp tác với một số thương hiệu lớn.

Điều đặc biệt là Oanh không chạy theo lối mòn PR lòe loẹt, mà xây dựng hình ảnh một VĐV nghị lực, giản dị, bền bỉ đúng với con người thật của cô. Chính sự chân thật và cảm hứng ấy khiến thương hiệu “Nguyễn Thị Oanh” chạm tới trái tim người hâm mộ.

Như vậy không chỉ xuất sắc về chuyên môn, các VĐV còn ghi điểm mạnh mẽ trong lòng công chúng bằng hình ảnh tích cực, phong cách sống lành mạnh và khả năng tương tác thông minh với truyền thông.

Với bóng đá, Quang Hải, Duy Mạnh, Văn Hậu… chính là những trường hợp tiêu biểu cho hình mẫu ngôi sao biết xây dựng hình ảnh. Không chỉ là “linh hồn” của U23 Việt Nam tại Thường Châu 2018, họ đã nhanh chóng trở thành gương mặt quảng cáo đắt giá, đại diện cho các nhãn hiệu trong và ngoài nước.

Sự chuyên nghiệp trong ứng xử, lời ăn tiếng nói và kiểm soát đời tư giúp các cầu thủ này duy trì hình ảnh ổn định và đáng tin cậy. Họ không còn chỉ là VĐV, mà đã trở thành người truyền cảm hứng, người kể chuyện, người đại diện cho những giá trị hiện đại.

Sự chuyển mình từ bên trong hệ thống

Sự thay đổi nhận thức về thương hiệu cá nhân không chỉ đến từ phía các VĐV, mà còn từ các liên đoàn, câu lạc bộ và cơ quan quản lý nhà nước. Trong thời gian gần đây, nhiều đơn vị quản lý thể thao đã bắt đầu đưa nội dung truyền thông, hình ảnh cá nhân, kỹ năng phát ngôn… vào chương trình đào tạo cho VĐV trẻ.

Một số CLB chuyên nghiệp như Hà Nội FC, Hoàng Anh Gia Lai, PVF… cũng chú trọng xây dựng đội ngũ truyền thông riêng, hỗ trợ các cầu thủ trẻ định hình phong cách và tạo dựng cá tính công chúng ngay từ sớm. Sự đầu tư này cho thấy một tư duy tiến bộ: Không chỉ đào tạo kỹ thuật, mà còn phải “nuôi dưỡng” hình ảnh.

Với ngành Thể thao, các trung tâm đào tạo, huấn luyện cấp cao cũng đã tổ chức nhiều buổi sinh hoạt chuyên đề nhằm giúp cho VĐV nâng cao kỹ năng khi giao tiếp, ứng xử với giới truyền thông, người hâm mộ.

Với mỗi đoàn thể thao Việt Nam, khi xuất quân thi đấu, mỗi VĐV, HLV đều ý thức được rằng, ngoài việc nỗ lực thi đấu, họ còn là các sứ giả về văn hóa, nhằm lan tỏa hình ảnh đẹp về đất nước và con người Việt Nam.

Bắt đầu từ SEA Games 28 năm 2015 trên đất Singapore, đoàn thể thao Việt Nam đã có phụ trách truyền thông riêng, làm nhiệm vụ kết nối giữa đoàn và các cơ quan thông tấn, báo chí, người hâm mộ đồng thời hỗ trợ các VĐV trong việc xây dựng hình ảnh, khi tiếp xúc với giới truyền thông, người hâm mộ.

Với lĩnh vực bóng đá, VFF cũng đã sớm xây dựng quy chế phát ngôn và sử dụng mạng xã hội đối với các tuyển thủ quốc gia. Các đội tuyển khi đi thi đấu cũng có cán bộ phụ trách truyền thông giúp lan tỏa hình ảnh của đội tuyển tới đông đảo công chúng…

Từ bước manh nha, thể thao Việt Nam đang ngày càng định vị được vai trò quan trọng của việc xây dựng thương hiệu cho các VĐV để từ đó lan tỏa hình ảnh đẹp của thể thao nước nhà.

Trong thế giới phẳng hiện nay, mạng xã hội trở thành công cụ hiệu quả giúp VĐV đến gần hơn với người hâm mộ. Instagram, TikTok, Facebook, YouTube… không chỉ là nơi họ chia sẻ khoảnh khắc đời thường, mà còn là kênh “PR mềm” với giá trị thương mại rất lớn.

Tuy nhiên, cũng chính vì vậy mà việc làm thương hiệu cá nhân đôi khi trở thành “con dao hai lưỡi”. Không ít trường hợp VĐV bị phản ứng dữ dội chỉ vì một dòng trạng thái bộc phát, một hành động thiếu suy nghĩ.

Vì thế việc xây dựng thương hiệu cá nhân đòi hỏi sự bền bỉ, trung thực và hiểu biết. Chỉ một sai lầm trong truyền thông cũng có thể làm sụp đổ hình ảnh gây dựng bao năm.

Thế giới hiện đại xem VĐV như một thương hiệu sống - một “doanh nghiệp cá nhân”. Họ không chỉ bán kỹ năng, mà còn bán hình ảnh, cảm xúc và giá trị tinh thần. Cristiano Ronaldo, Naomi Osaka hay LeBron James… là minh chứng điển hình cho khả năng biến thương hiệu cá nhân thành “đế chế” kinh doanh.

Với Việt Nam, dù chưa thể đạt tới quy mô như vậy, nhưng tư duy này đang dần bén rễ. Và khi VĐV Việt Nam biết làm thương hiệu cá nhân, họ không chỉ nâng tầm chính mình, mà còn góp phần quảng bá hình ảnh thể thao quốc gia ra thế giới.

Bài học ở đây không phải là “chạy theo sự nổi tiếng”, mà là sự chủ động trong xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp, minh bạch, chân thật và có định hướng. Một cú nhảy cao, một bàn thắng đẹp có thể làm nên khoảnh khắc lịch sử, nhưng một thương hiệu cá nhân mạnh mới có thể giữ cho tên tuổi ấy sống mãi trong lòng công chúng.

VÂN GIANG

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/the-thao/khi-cac-sao-lam-thuong-hieu-136202.html