Khi cánh cửa NATO đóng với Ukraine

Tổng thống Mỹ Donald Trump quay lại Nhà Trắng với lời tuyên bố sẽ 'chấm dứt chiến tranh ở Ukraine trong vòng 24 giờ', và có vẻ như khi đó ông đã đánh giá thấp quyết tâm của ông Putin.

Tuy nhiên, giữa những hoạt động ngoại giao được cho là vụng về trong vấn đề Ukraine, thì chính quyền ông Trump lại giải quyết đúng đắn một vấn đề chiến lược quan trọng: Gạt bỏ vấn đề kết nạp Ukraine vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khỏi bàn đàm phán. Tháng 2/2025, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth tuyên bố: “Mỹ cho rằng việc trao cho Ukraine tư cách thành viên NATO không phải là kết quả thực tế của một giải pháp dựa trên đàm phán.”

Từ tư duy…

Việc loại bỏ vấn đề tư cách thành viên của Ukraine khỏi bàn đàm phán sẽ giúp quá trình đàm phán thỏa thuận ngừng bắn với Nga trở nên dễ dàng hơn, khi những phản đối chính đáng của Nga đối với việc Ukraine gia nhập NATO phần nào đã được coi là nguyên nhân của cuộc chiến. Về phần mình, chính quyền Trump cũng không đơn độc trong việc phản đối NATO kết nạp Ukraine; bất chấp những cam kết trong quá khứ, liên minh này chưa bao giờ đồng thuận với việc mời Ukraine gia nhập, và sự đồng thuận đó khó có thể đạt được trong tương lai gần.

NATO vẫn luôn khẳng định là một liên minh phòng thủ.

NATO vẫn luôn khẳng định là một liên minh phòng thủ.

Mặc dù đã dành 3 năm qua để hỗ trợ quân sự cho Ukraine, nhưng các thành viên NATO không đưa quân đội tham chiến trực tiếp. Qua đó, NATO đã làm rõ rằng liên minh này không tin rằng việc bảo vệ Ukraine sẽ dẫn đến một cuộc chiến khác. Nếu ngược lại sẽ chỉ khuyến khích Ukraine thúc đẩy vô ích việc gia nhập, làm suy yếu giới lãnh đạo Ukraine trong khi việc này chắc chắn không thành công. Thay vào đó, người Ukraine nên theo đuổi các lựa chọn thực tế hơn để đảm bảo tương lai của chính mình. Việc khép lại cánh cửa với Ukraine sẽ cho phép nước này và những người ủng hộ họ tiếp tục lập kế hoạch khác để mang lại an ninh mà Ukraine cần và xứng đáng được hưởng.

Kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, liên minh quân sự hùng mạnh này (NATO) đã liên tục bổ sung các thành viên mới và điều chuyển các lực lượng có năng lực cao đến gần lãnh thổ Nga. Qua 7 đợt mở rộng, NATO đã phát triển từ 16 thành viên năm 1991 lên 32 thành viên hiện nay.

Moscow đã phản đối việc NATO mở rộng ngay khi liên minh này đưa ý tưởng đó vào đầu những năm 1990. Năm 1993, Tổng thống Nga lúc bấy giờ là ông Boris Yeltsin đã cảnh báo phản đối việc liên minh này mở rộng về phía Đông, lập luận rằng Moscow “chắc chắn sẽ coi đây là một dạng cô lập mới đối với Nga, hoàn toàn trái ngược với sự gia nhập tự nhiên của Nga vào không gian châu Âu - Đại Tây Dương”. 2 năm sau, trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Bill Clinton tới Moscow, ông Yeltsin tỏ ra gay gắt hơn khi tuyên bố: “Đối với tôi, việc đồng ý để biên giới NATO mở rộng về phía Nga đồng nghĩa với việc phản bội nhân dân Nga”.

Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2023 ở Vilnius, Lithuana.

Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2023 ở Vilnius, Lithuana.

Sự bất mãn của người Nga tăng theo hàng ngũ của NATO, đặc biệt hơn sau khi Tổng thống Vladimir Putin nhậm chức năm 1999 và theo đuổi chính sách đối ngoại đối đầu hơn. Tại Hội nghị An ninh Munich năm 2007, ông Putin mô tả việc mở rộng NATO là một “hành động khiêu khích nghiêm trọng” và đặt câu hỏi: Tại sao cần phải đặt cơ sở hạ tầng quân sự ở biên giới chúng ta? Năm sau đó, bất chấp sự phản đối của Đức và các đồng minh châu Âu khác, Chính quyền George W. Bush đã thuyết phục NATO tuyên bố tại Hội nghị Thượng đỉnh Bucharest rằng Gruzia và Ukraine sẽ trở thành thành viên của tổ chức này. Ngay sau đó, Nga đã giành quyền kiểm soát 2 khu vực bất ổn của Gruzia, trên thực tế đã ngăn chặn nước này gia nhập NATO.

Tương tự, các cuộc xung đột của Nga với Ukraine năm 2014 và 2022 ít nhất phần nào đã ngăn cản việc Ukraine gia nhập NATO. Trong bài phát biểu mở đầu “Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine hồi tháng 2/2022, Tổng thống Putin đã đề cập tới “những mối đe dọa cơ bản mà các chính trị gia phương Tây vô trách nhiệm đã gây ra cho Nga”, đặc biệt nhấn mạnh “sự mở rộng về phía Đông của NATO, vốn đang dịch chuyển cơ sở hạ tầng quân sự tới ngày càng gần biên giới Nga”.

… tới thực tiễn

Mỹ đã liên tục bác bỏ những cáo buộc này. Khi khởi động đợt mở rộng đầu tiên tại Hội nghị NATO, ông Clinton lập luận rằng cánh cửa mở rộng của NATO sẽ “xóa bỏ ranh giới nhân tạo ở châu Âu”. Còn Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright đã cố gắng xoa dịu mối lo ngại của Nga bằng cách lập luận rằng NATO vẫn là “một liên minh phòng thủ… không coi bất cứ quốc gia nào là đối thủ của mình”, trấn an Nga rằng “NATO không gây nguy hiểm cho Nga”.

Tổng Thư ký NATO Mark Rutte.

Tổng Thư ký NATO Mark Rutte.

Washington và các đồng minh duy trì giọng điệu này trong nhiều đợt mở rộng liên tiếp, qua nhiều đời chính quyền cả Dân chủ lẫn Cộng hòa. Tuy nhiên, có vẻ như những lập luận như vậy hoặc là ngây thơ về mặt chính trị, hoặc là không thành thật. Việc Nga không muốn cho phép một liên minh dù mang tính phòng thủ nhưng vẫn tiềm ẩn sức mạnh quân sự dồi dào tiến vào khu vực lân cận của mình là điều hoàn toàn dễ hiểu. Dù là các xe tăng và máy bay tốt nhất của NATO, vũ khí tấn công tầm xa hay các cơ sở thu thập tình báo, sự xuất hiện của NATO ở Ukraine sẽ gây ra mối đe dọa cho Nga do vị trí gần kề. Nga, bao gồm cả vùng lãnh thổ biệt lập Kaliningrad, đã có biên giới tiếp giáp với 5 thành viên NATO và lân cận với nhiều thành viên khác trong khu vực. Tuy nhiên, xét đến vị trí chiến lược, quy mô và mối liên hệ lịch sử của Ukraine với Nga, thì Moscow đặc biệt kiên quyết không để Kiev gia nhập NATO.

Nga hoàn toàn không phải cường cuốc duy nhất muốn giữ các đối thủ ở cách xa khu vực lân cận của mình. Trên thực tế, những phản đối của Nga đối với việc Ukraine gia nhập NATO hẳn là dễ hiểu đối với các nhà hoạch định chính sách tại Mỹ, quốc gia mà trong suốt lịch sử đã ưu tiên trục xuất các cường quốc khác khỏi khu vực lân cận của mình. Từ thời kỳ lập quốc cho đến thế kỷ 20, Washington đã sử dụng kết hợp giữa ngoại giao và cưỡng ép để đẩy các đối thủ châu Âu của mình ra khỏi Tây bán cầu. Kể từ cuối những năm 1800, nước này đã nhiều lần dùng biện pháp can thiệp quân sự để duy trì tầm ảnh hưởng ở Mỹ Latinh.

Mỹ vẫn tiếp tục bảo vệ khu vực lân cận từ trong Chiến tranh lạnh, với việc nước này nỗ lực đẩy Liên Xô (cũ) và những nước ủng hộ ý thức hệ của Liên xô ra khỏi khu vực. Cạnh tranh lên đến đỉnh điểm với cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, đẩy 2 nước tới bên bờ vực chiến tranh. Gần đây hơn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hứa hẹn rằng Mỹ sẽ “phản ứng nhanh chóng và quyết đoán” sau khi Nga cân nhắc việc triển khai lại quân đội tại Mỹ Latinh vào năm 2022. Nhìn lại lịch sử đó, Washington đáng lẽ nên chú ý hơn đến những lo ngại của Nga về tư cách thành viên NATO của Ukraine.

Rõ ràng, những lập luận này không để biện minh cho bất cứ cuộc tấn công nào, cũng không nhằm hợp thức hóa tham vọng của cường quốc hay ảo tưởng về một mối liên minh không thể phá vỡ nào đó. Tuy nhiên, đã đến lúc người Mỹ phải thừa nhận thực tế địa chính trị ngay trước mắt họ. Khi giải thích lý do loại bỏ khả năng Ukraine gia nhập NATO ra khỏi bàn đàm phán, đặc phái viên Mỹ về Ukraine và Nga Keith Kellog đã thừa nhận rằng sự phản đối của Nga là “mối lo ngại chính đáng”. Sự tỉnh táo và thận trọng về mặt chiến lược này sẽ giúp Chính quyền Trump tìm cách giải quyết vấn đề của cuộc chiến một cách hiệu quả nhất.

Miếng “bánh vẽ” không còn

Việc chấm dứt nỗ lực của Ukraine gia nhập NATO không chỉ giúp quá trình đàm phán ngừng bắn dễ dàng hơn, mà còn thể hiện thái độ thành thật với Ukraine thay vì đưa ra những lời hứa mà thiếu khả năng, hoặc sẽ không bao giờ thực hiện được từ phương Tây.

Tuyên bố năm 2008 của NATO rằng Gruzia và Ukraine sau cùng cũng sẽ trở thành thành viên của liên minh là một sự thỏa hiệp: Chính quyền Bush muốn đưa họ tiến tới tư cách thành viên, mặc dù các nhà lãnh đạo châu Âu khi ấy đã từng lo ngại hành động này sẽ khiến căng thẳng với Nga gia tăng. Lời lẽ trong tuyên bố rằng 2 quốc gia “sẽ trở thành thành viên” được diễn đạt như một khát vọng vô hại: NATO không đưa ra bất kỳ thời hạn hay kế hoạch cụ thể nào để kết nạp bất kỳ nước nào.

Binh lính Nga triển khai ở Abkhazia.

Binh lính Nga triển khai ở Abkhazia.

Tuy nhiên, hậu quả thì đã có ngay rồi. Không lâu sau tuyên bố của NATO, Tổng thống Gruzia Mikheil Saakashvili đã kích động một cuộc đụng độ dữ dội với những người ly khai thân Nga ở khu vực Nam Ossetia. Sự cố này đã trở thành cái cớ để Nga đưa quân vào và giành quyền kiểm soát cả Nam Ossetia và Abkhazia. NATO hầu như không có động thái phản ứng nào. Xét cho cùng, ông Saakashvili đã đánh giá quá cao sự ủng hộ của phương Tây. Và bây giờ, đang diễn ra câu chuyện của Ukraine, mặc dù con đường thì có khác với Gruzia. Ukraine đã đưa khát vọng gia nhập NATO vào Hiến pháp của họ năm 2019, tuy nhiên, khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt, mặc dù các nước NATO nhanh chóng cung cấp vũ khí và sự ủng hộ, song binh lính nước này vẫn phải tự giải quyết vấn đề của mình.

Cũng dễ hiểu khi nhiều thành viên NATO cảm thấy có nghĩa vụ đạo đức phải tiếp tục thực hiện cam kết đề xuất kết nạp Ukraine. Tuy nhiên, kết quả là kỳ vọng bị dập tắt và sự thất vọng ngày càng tăng. Sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra tuyên bố gay gắt, rằng việc NATO không sẵn lòng thúc đẩy kết nạp Ukraine là “lố bịch” tại hội nghị thượng đỉnh năm 2023 ở Vilnius, NATO đã có động thái xúc tiến khi khẳng định rằng “tương lai của Ukraine là ở NATO”. Một lần nữa dưới sức ép của Kiev, năm 2024 liên minh này đã có thêm một bước đi khác khi đảm bảo với Ukraine rằng con đường để nước này trở thành thành viên của NATO là “không thể đảo ngược”!

Tuy nhiên, những lời này cho đến nay vẫn không thể thành sự thật, và có lẽ sẽ không thể thành sự thật. Ukraine vẫn ở trước ngưỡng cửa NATO, được khuyến khích tiếp tục chờ đợi bên ngoài nhưng không bao giờ được phép bước vào. Xét cho cùng, sẽ tốt hơn nếu Kiev nhận ra sự thật phũ phàng này.

Huy Thông

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/khi-canh-cua-nato-dong-voi-ukraine-i773965/